Tiền, lợi ích vật chất: Một trong các nguyên nhân dẫn đến sai phạm của Luật sư với khách hàng

15/01/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Hứa hẹn, cam kết kết quả vụ việc; trả phí thuê môi giới dịch vụ Luật sư cũng là biểu hiện của hành vi trong nhóm sai liên quan đến tiền, lợi ích vật chất ở giai đoạn ký hợp đồng của Luật sư.

Ảnh minh họa.

Luật sư cam kết sẽ bảo vệ được cho khách hàng giảm ít nhất 02 năm tù giam so bản án cấp sơ thẩm. Luật sư hứa hẹn sẽ đòi được cho khách hàng mảnh đất đang có tranh chấp cùng với đòi hỏi sẽ được hưởng 40% giá trị mảnh đất đó. Đây có lẽ là các đâu đó chúng ta vẫn nghe thấy và cũng là ví dụ về vi phạm của Luật sư liên quan đến tiền, lợi ích vật chất mà chúng ta có thể kể ra. Nhận diện các sai phạm liên quan đến tiền, lợi ích vật chất theo các giai đoạn ký kết, thực hiện, kết thúc dịch vụ pháp lý của Luật sư.

Giai đoạn ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, có thể kể đến như việc Luật sư không cung cấp thông tin đúng đắn, đầy đủ về pháp luật, về vụ việc và năng lực của Luật sư cho khách hàng để khách hàng nhầm lẫn về bản chất vụ việc về năng lực… dẫn tới thanh toán thù lao không phù hợp cho Luật sư.

Ví dụ, một Luật sư mới có thẻ, chưa thực hiện nhiều vụ việc về tranh chấp kinh doanh thương mại nhưng đã thông báo cho khách hàng rằng mình đã có rất nhiều kinh nghiệm giải quyết vụ việc trong lĩnh vực này.

Hứa hẹn, cam kết kết quả vụ việc; trả phí thuê môi giới dịch vụ Luật sư cũng là biểu hiện của hành vi trong nhóm sai liên quan đến tiền, lợi ích vật chất ở giai đoạn ký hợp đồng của Luật sư.

Trong giai đoạn thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý, cũng có thể có nhiều sai phạm liên quan đến tiền và lợi ích vật chất với khách hàng. Hứa hẹn kết quả để thu thêm thu lao, nhận tiền ngoài thù lao đã thỏa thuận, nhận thêm thù lao nhưng không ký phụ lục hợp đồng; viện ra các lý do, chi phí để đòi tăng giá hợp đồng trái quy định… là những biểu hiện của nhóm sai phạm liên quan đến tiền lợi ích vật chất trong giai đoạn này.

Nhóm sai phạm do sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái pháp luật hoặc lợi dụng nghề nghiệp để kiến tiền trái pháp luật. Trong quá trình thực hiện công việc, Luật sư có thể được khách hàng giao giữ tiền, tài sản để phục vụ việc giải quyết công việc cho khách hàng nhưng quá trình thực hiện Luật sư đã sử dụng sai.

Ví dụ, khách hàng giao tiền để Luật sư nộp án phí nhưng Luật sư đã không thực hiện đúng. Luật sư lạm dụng, lợi dụng tiền của khách hàng vào mục đích riêng. Trên thực tế, cũng có trường hợp khách hàng khiếu nại Luật sư đã nhận tiền, tài sản của khách hàng đúng pháp luật; không đòi hỏi thêm tiền từ khách hàng; không nhận thêm tiền từ khách hàng nhưng lại không thực hiện hợp đồng, không thực hiện đúng hợp đồng.

Lý do của việc không thực hiện công việc của khách hàng có thể có nhiều như việc sao nhãng, quên vụ việc của khách hàng, hoặc quá bận không đủ thời gian để giải quyết hết các công việc cho khách hàng. Hoặc Luật sư không đủ năng lực chuyên môn, không biết cách giải quyết công việc cho khách hàng cần và phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của người khác do vậy gây ra sự chậm trễ trong công việc từ đó gây thiệt hại cho khách hàng.

Sai phạm khi kết thúc vụ việc, khi kết thúc vụ việc Bộ Quy tắc có quy định phải thông báo việc chấm dứt dịch vụ cho khách hàng, phải nhanh chóng hoàn trả tiền, tài sản còn đang cầm giữ của khách hàng và đặc biệt phải thanh lý hợp đồng.

Thực tế, có trường hợp mặc dù vụ việc đã kết thúc từ lâu nhưng Luật sư không thông báo và không thanh lý hợp đồng, không hoàn trả đầy đủ tiền tài sản đang cầm giữ của khách hàng. Ví dụ, Luật sư không tính toán để đối trừ tiền tạm ứng án phí, chi phí tố tụng do khách hàng tạm ứng để Luật sư nộp thay; hoặc chậm hoàn trả các giấy tờ, tài liệu gốc khách hàng giao Luật sư cầm giữ khi thực hiện dịch vụ.

Do đó việc thông báo tiến độ thực hiện công việc và chấm dứt dịch vụ khi công việc đã kết thúc là rất cần thiết.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam