/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Tiêu chuẩn lao động quốc tế về xoá bỏ lao động cưỡng bức và sự tương thích của pháp luật Việt Nam

Tiêu chuẩn lao động quốc tế về xoá bỏ lao động cưỡng bức và sự tương thích của pháp luật Việt Nam

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) - Việt Nam đang chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức. Việc phê chuẩn Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và mới đây là Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh con số ước tính toàn cầu của ILO cho thấy, khẩn thiết phải thực hiện các biện pháp hiệu quả, khẩn cấp để xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc của ILO (Công ước 29) đã đưa ra định nghĩa khá đầy đủ về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc.

Điều 2:
Tất cả các công việc hay dịch vụ mà một người thực hiện dưới sự đe dọa phải chịu một hình phạt và vì hình phạt này người đó không tự nguyện làm việc.

Khái niệm mà Công ước 29 đưa ra không bó hẹp dưới dạng các hành động cụ thể thể hiện dưới dạng cả đe dọa và cả hành động liên quan tới bạo lực, hay hạn chế về thân thể, hay tước đoạt quyền tự do và các đặc quyền khác của người lao động. Về đối tượng của đe dọa hay áp dụng các hình phạt nhằm ép buộc người lao động phải làm những công việc mà bản thân họ không tự nguyện hoặc trong những điều kiện lao động tồi tàn theo khái niệm của Công ước 29 không chỉ đối với người lao động mà còn có thể đối với cả thân nhân của họ.

Về công việc sử dụng lao động cưỡng bức theo khái niệm của Công ước 29 cũng không chỉ bó hẹp trong phạm vi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động hay trong quan hệ lao động mà đó có thể là bất kỳ một công việc hoặc dịch vụ nào mà một người ép buộc phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó mà bản thân người đó không tự nguyện làm.

Trong pháp luật Việt Nam, khái niệm lao động cưỡng bức được quy định tại khoản 10 Điều 3 của Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012.

Điều 3:
...
Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ.

Theo đó cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ. Quy định này chủ yếu nhấn mạnh yếu tố không tự nguyện là do việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, trong khi thực tế có rất nhiều những dạng ép buộc, cưỡng bức khác. Thuật ngữ “thủ đoạn khác” chưa được giải thích một cách rõ ràng nên rất khó xác định.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn có sự khác biệt về cách gọi tên giữa “cưỡng bức lao động” (theo BLLĐ 2012) và “lao động cưỡng bức” (theo Công ước số 29).

Theo quy định của khoản 2 Điều 2 Công ước 29, lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc không bao gồm:

Thứ nhất, mọi công việc hoặc dịch vụ buộc phải làm theo các đạo luật về nghĩa vụ quân sự bắt buộc và trong những công việc có tính chất quân sự thuần túy.

Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định. Về điểm này, quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với quy định của Công ước 29 về lao động cưỡng bức.

Thứ hai, mọi công việc hoặc dịch vụ thuộc những nghĩa vụ công dân bình thường của công dân trong một nước tự quản hoàn toàn.

Pháp luật Việt Nam trước đây có quy định trong Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích năm 1999 về nghĩa vụ của người dân đóng góp ngày công để làm những việc vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, cùng với điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, Pháp lệnh này đã được bãi bỏ. Hiện nay, quyền cũng như nghĩa vụ của công dân trong từng lĩnh vực được pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực đó quy định rõ ràng, cụ thể. Theo Hiến pháp 2013,về cơ bản công dân chỉ cần đảm bảo những nghĩa vụ bình thường trong chế độ xã hội chủ nghĩa tự do, tự nguyện, bình đẳng. Quy định về vấn đề này phù hợp với quy định về mọi công việc hoặc dịch vụ thuộc những nghĩa vụ công dân bình thường của công dân trong một nước tự quản hoàn toàn không được coi là lao động cưỡng bức.

Thứ ba, mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người buộc phải làm do một quyết định của Tòa án, với điều kiện là công việc hoặc dịch vụ đó phải tiến hành dưới sự giám sát và kiểm tra của những nhà chức trách công cộng, và người đó không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của những tư nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân.

Lao động trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án đối với người nghiện ma túy; lao động trong các trường giáo dưỡng theo quyết định đưa vào trường giáo dưỡng của Tòa án đối với trường hợp người chưa thành niên phạm tội; lao động trong trại giam ttheo bản án, quyết định phạt tù của Tòa án đối với trường hợp người phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự.

Thứ tư, mọi công việc hoặc dịch vụ buộc phải làm trong những trường hợp khẩn cấp, nghĩa là trong những trường hợp có chiến tranh, xảy ra tai họa hoặc có nguy cơ xảy ra tai họa như là cháy, lụt, đói, động đất, dịch bệnh dữ dội của người và gia súc, sự xâm hại của thú vật, côn trùng hoặc ký sinh trùng, và nói chung là mọi tình thế gây nguy hiểm cho đời sống hoặc cho sự bình yên của toàn thể hoặc một phần dân cư.

Luật Quốc phòng 2018 tại Điều 37 có quy định: "Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực cơ bản, chủ yếu của quốc phòng". Khi có chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ (Điều 30 Luật Quốc phòng 2018). Đây là việc huy động sức dân trong đảm bảo an ninh chung cho toàn xã hội, bảo vệ tài sản chung của nhân dân, của Nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế và không được coi là cưỡng bức lao động.

Tuy nhiên, đối với quy định tại Điều 107 BLLĐ 2012 về việc người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong một số trường hợp.

Điều 107. Làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

Trên thực tế, việc thực hiện những công việc của thôn xã là vì lợi ích của tập thể và trên tinh thần tự nguyện, dân chủ của nhân dân, không có quy định ép buộc công dân phải tham gia lao động công ích cho thôn xã.

Chế tài đối với việc cưỡng bức hoặc bắt buộc lao động

ILO có quy định về việc áp dụng chế tài đối với việc cưỡng bức lao động. Điều 25 Công ước số 29 và Điều 2 Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Điều 25 Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc:
Việc huy động bất hợp pháp lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc sẽ bị trừng phạt như tội phạm hình sự, và mọi quốc gia thành viên phê chuẩn công ước này có nghĩa vụ bảo đảm rằng những hình phạt do pháp luật quy định thực sự thích đáng và được thi hành nghiêm ngặt.
Điều 2 Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức:
Mọi nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế đã phê chuẩn Công ước này cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức bắt buộc.

Theo pháp luật Việt Nam, cưỡng bức lao động là hành vi trái pháp luật. Người thực hiện hành vi này có thể phải chịu các chế tài về dân sự, hành chính và hình sự.

Về chế tài dân sự

Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm phải được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Về chế tài hành chính

Theo Điều 8 BLLĐ 2012 thì cưỡng bức lao động là hành vi bị cấm. Bên cạnh đó, xuyên suốt trong Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 cũng quy định việc xử phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi có dấu hiệu của lao động cưỡng bức.

Về chế tài hình sự

Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tội cưỡng bức lao động tại Điều 297. Trong đó quy định rõ tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà việc phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù được áp dụng đối với người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Bên cạnh đó, chế tài hình sự cũng được áp dụng đối với một số trường hợp cưỡng bức lao động nếu có các dấu hiệu như giam giữ người trái pháp luật, cưỡng ép bán dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em...

____________________________________
1. http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210257.
2. https://www.ilo.org/hanoi/Areasofwork/international-labour-standards/lang--vi/index.htm.

MỸ LINH

/danh-gia-viec-quan-ly-thu-thue-doi-voi-hoat-dong-kinh-doanh-tren-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-va-de-xuat-phuong-an-hoan-thien-phap-luat.html