/
/ Tọa đàm: Nhận diện sai phạm của Luật sư theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Tọa đàm: Nhận diện sai phạm của Luật sư theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

30/03/2023 10:58 |

(LSVN) - Sáng ngày 25/3/2023, Học viện Tư pháp đã tổ chức buổi Tọa đàm để nhận diện sai phạm của Luật sư theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Khách mời tham gia trao đổi gồm: Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang. 

Về phía Học Viện Tư pháp có ông Trương Thế Côn, Phó Giám đốc Học Viện Tư pháp; bà Vũ Thị Hòa, Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư, các thầy cô trong Khoa Đào tạo Luật sư Học Viện tư pháp, cùng khoảng 300 học viên các lớp TUVXY Khóa Đào tạo nghề Luật sư khóa 24.2.

Trong một buổi sáng các khách mời cùng thành viên tham dự đã cùng nhau tập trung thảo luận, trao đổi về xoay quanh các nội dung chính gồm:

Nhận diện các nhóm sai phạm của Luật sư

Trong đó tập trung phân tích, thảo luận theo nhóm quan hệ của Luật sư như sai phạm trong qua hệ với khách hàng; sai phạm của Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp; sai phạm của Luật sư trong quan hệ với Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; sai phạm của Luật sư trong quan hệ với cơ quan báo chí, truyền thông.

Trong mối quan hệ giữa Luật sư và khách hàng, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đã thông tin về 09 loại hành vi sai phạm đặc trưng, điểm hình mà khách hàng hay tố cáo khiếu nại và Liên đoàn thụ lý giải quyết.

Luật sư Trần Văn An cũng cung cấp phân loại sai phạm theo quy định của pháp luật đặc biệt theo quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam gồm các nhóm sai phạm chính: Nhóm sai phạm liên quan việc tiết lộ bí mật của khách hàng; Nhóm sai phạm liên quan đến tiền, lợi ích vật chất; Nhóm sai phạm liên quan đến việc hứa hẹn kết quả; cung cấp thông tin cho khách hàng không đúng sự thật, không đúng bản chất vụ việc; thông tin, hứa hẹn vượt quá khả năng thực hiện của luật sư; Nhóm sai phạm do không thực hiện đúng hợp đồng và quy định của pháp luật; thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, thực hiện công việc cẩu thả khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng; Nhóm sai phạm các quy định của pháp luật, quy định của Tổ chức mặc dù khách hàng không có ý kiến phản đối; Nhóm sai phạm các quy định về xung đột lợi ích, phân biệt đối xử với khách hàng khi giải quyết vụ việc,…

Tìm hiểu quy định và làm rõ các loại trách nhiệm Luật sư có thể phải gánh chịu nếu thực hiện hành vi sai phạm

Theo đó người Luật sư có thể phải gánh chịu trách nhiệm nếu thực hiện hành vi sai phạm: Từ trách nhiệm trước nhà nước là trách nhiệm về hình sự, trách nhiệm về hành chính; tiếp đến trách nhiệm trước khách hàng hoặc bên thứ ba là trách nhiệm dân sự (bồi thường, bồi hoàn); và trách nhiệm theo quy định của tổ chức xã hội nghề nghiệp tức việc bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các mức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên đến xóa tên.

Tọa đàm phân định và làm rõ thẩm quyền xử lý vi phạm của Luật sư theo quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Theo đó trước ngày 08/3/2023 sẽ thực hiện theo quy định Quyết định 203/HĐLSTQ ngày 19/12/2019 ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, kỷ luật luật sư gồm 58 Điều. Từ ngày 08/3/2023 căn cứ theo Quyết định số 50/QĐ – HĐLSTQ ngày 08/3/2023 gồm 04 phần, 10 chương, 58 Điều.

Thảo luận làm rõ một số quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm.

Thảo luận, trao đổi để làm rõ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước, quan điểm của Tổ chức xã hội nghề nghiệp khi xử lý sai phạm của Luật sư nếu có

Theo đó nhất quán nguyên tắc uốn nắn, giáo dục, giúp đỡ Luật sư vi phạm nhận ra sai lầm khuyết điểm để hoàn thiện mình và giảm nhẹ các trường hợp: Người vi phạm đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của sự việc vi phạm; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của sự việc vi phạm; Vi phạm nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Vi phạm lần đầu và thừa nhận sai phạm, có thiện chí khắc phục; Người vi phạm có thiện chí hợp tác với các cơ quan của Đoàn luật sư trong quá trình xem xét giải quyết sự việc vi phạm; Người vi phạm có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư; Người vi phạm đã được Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư hoặc cơ quan có thẩm quyền khen thưởng…

Kiên quyết xử lý kỷ luật và có thể bị áp dụng tăng nặng với các trường hợp: Đã bị xử lý kỷ luật và đang còn trong thời gian chưa được xoá kỷ luật mà tiếp tục vi phạm; không chấp hành các yêu cầu của Ban Chủ nhiệm hoặc Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật; không thừa nhận sai phạm hoặc cố ý cản trở hoạt động xử lý kỷ luật,…

Tọa đàm cung cấp một số thông tin về thực trạng việc khiếu nại, tố cáo đối với hành vi sai phạm của Luật sư cùng một số kết quả thực hiện việc xử lý của Liên đoàn Luật sư việt Nam. Đồng thời đề cập một số bài học kinh nghiệm được rút ra cho Luật sư, người tập sự hành nghề cũng như công tác quản lý của Liên đoàn và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố.

Tại buổi tọa đàm các học viên cùng các vị khách mời đã trao đổi, giải đáp về một số vấn đề cụ thể như: Có nên cho người tập sự hành nghề Luật sư thực hiện một số dịch vụ pháp lý hay không; người không phải là Luật sư có được cung cấp dịch vụ pháp lý hay không; trách nhiệm về bảo mật thông tin của khách hàng; trách nhiệm của Luật sư hoặc cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp khi có xung đột giữa quy định pháp luật, Bộ Quy tắc Đạo đức với yêu cầu, đề nghị của người quản lý; nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức hành nghề Luật sư với Luật sư thành viên và cán bộ, nhân viên và ngược lại; vi phạm về tiền, thù lao Luật sư với khách hàng. Việc tuân thủ và đảm bảo mối quan hệ trong sáng giữa Luật sư và khách hàng,…

Qua một buổi sáng trao đổi được kết thúc bằng lời phát biểu tâm huyết của Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Theo đó, Luật sư Thịnh nhấn mạnh: Đạo đức là gốc dễ và quan trọng nhất với nghề Luật sư, và rằng đã là Luật sư dù nhiều hoặc ít kinh năm kinh nghiệm cũng đều phải thấm nhuần và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp như nhau khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng

Bùi Thị Thanh Loan