/ Trao đổi - Ý kiến
/ Tội "Gây rối trật tự công cộng": Những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật

Tội "Gây rối trật tự công cộng": Những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật

23/12/2024 06:48 |

(LSVN) - Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi gây mất ổn định trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phạm vi bài viết tập trung phân tích, làm rõ quy định về tội “Gây rối trật tự công cộng” và những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật đối với tội phạm này, để từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật.

Gây rối trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội, gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân. Hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự (ANTT) và an toàn xã hội là những hành động làm xáo trộn hoặc đe dọa sự ổn định, yên bình của cộng đồng. Những hành vi này có thể phá vỡ kỷ cương xã hội, khiến người dân, khu vực sinh sống hoặc cả cộng đồng lo lắng, sợ hãi, phẫn nộ, đồng thời xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nó cũng làm tổn hại đến các giá trị đạo đức và chuẩn mực xã hội được cộng đồng công nhận và tuân thủ. Do đó, cần có các biện pháp xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe để ngăn chặn và hạn chế tình trạng này.

Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi gây mất ổn định trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phạm vi bài viết tập trung phân tích, làm rõ quy định về tội “Gây rối trật tự công cộng” và những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật đối với tội phạm này, để từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Quy định của pháp luật

Điều 318 BLHS quy định:

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm".

Khái niệm

"Gây rối trật tự công cộng" được hiểu là hành vi làm rối loạn trật tự ở những nơi công cộng (như quảng trường, công viên, rạp hát) hoặc nơi đông người dưới bất kỳ hình thức nào (như tụ tập, đánh nhau, phá hoại tài sản...), gây xáo trộn nghiêm trọng sinh hoạt của một cồng đồng dân cư, làm rối loạn hoạt động nơi công cộng.

Trật tự công cộng được hiểu là những quy tắc chung (của cộng đồng dân cư hay các quy định của pháp luật) nhằm mục đích bảo đảm cho các hoạt động công cộng của cộng đồng dân cư trên một địa bàn nhất định được diễn ra bình thường, ổn định, có tổ chức, có kỷ luật nơi công cộng, an ninh trật tự được bảo đảm. Tại Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Các yếu tố cấu thành tội "Gây rối trật tự công cộng":

- Mặt khách quan:

Hành vi khách quan: Có hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là hành vi của những người có thái độ coi thường trật tự ở những nơi (địa điểm) đông người như công sở, quảng trường, chợ, trường học, nhà thờ, công viên, nhà ga, bến xe, bến tàu, đường giao thông, khuôn viên chung cư... Cụ thể như: Có lời nói thô tục xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng; Có hành vi, thô bạo xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng (đặc biệt là phụ nữ); Có hành vi dừng vũ lực để quậy phá, làm hư hỏng tài sản của nhà nước, của công dân ở nơi công cộng (như đập phá tượng đài, làm hư các biểu tượng, tranh cổ động, xe ô tô...).

Hậu quả của hành vi phạm tội: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, xã hội có nghĩa là hành vi gây rối đã dẫn đến tình trạng mất ổn định, hỗn loạn, vô tổ chức, vô kỷ luật ở nơi công cộng mà hành vi đó thực hiện; Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời còn xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

- Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, tức là người phạm tội biết rõ hành vi của mình gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện. Động cơ, mục đích của người phạm tội trong tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm và không có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm

- Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, có nghĩa là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định của BLHS (đủ 16 tuổi trở lên và có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình). Pháp nhân thương mại không phải là chủ thể của tội phạm này.

Một số vướng mắc khi áp dụng pháp luật đối với tội "Gây rối trật tự công cộng"

Về địa điểm thực hiện hành vi phạm tội

Đối với tội “Gây rối trật tự công cộng” ngay từ tên của điều luật đã thấy rõ hành vi phạm tội bắt buộc phải được thực hiện ở nơi công cộng. Nơi công cộng là nơi không thuộc quyền quản lý, sử dụng của cá nhân ở đó các hoạt động chung của xã hội, cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên. Có trường hợp đặc biệt, hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa, phiên họp không được coi là gây rối trật tự công cộng. Người có hành vi gây rối tại phiên tòa, phiên họp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối phiên tòa, phiên họp” theo Điều 391 BLHS.

Một vấn đề đặt ra là những địa điểm đông người như trụ sở doanh nghiệp tư nhân, quảng trường, chợ, trường học tư, công viên tư, bến xe tư, bến tàu tư, khuôn viên chung cư thuộc quyền sở hữu, sử dụng của tư nhân... (nói chung là thuộc sở hữu của cá nhân hoặc của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh), thì có được coi là nơi công cộng hay không, vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, cách hiểu về nơi công cộng vẫn còn khá chung chung và chưa có quy định thống nhất, có rất nhiều các quy định của pháp luật về địa điểm công cộng ví dụng như tại khoản 7 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012; Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia,…. Tuy nhiên tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng đã xác định xác định: “Hoạt động Karaoke là dịch vụ văn hóa công cộng, địa điểm có thể là nơi công cộng hoặc khu vực sở hữu tư nhân. Theo đó, cần phải xác định các quán karaoke là nơi công cộng, mặc dù là có chủ sở hữu, có người quản lý”. Các văn bản trên nhắc đến “địa điểm công cộng” nhưng không đưa ra định nghĩa cụ thể. Điều này dẫn đến việc các cơ quan chức năng có thể hiểu khác nhau về phạm vi và ý nghĩa của khái niệm này.

Việc có một quy định thống nhất về khái niệm địa điểm công cộng là rất cần thiết để đảm bảo sự minh bạch và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đặc biệt khi xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến trật tự công cộng. Hiện nay, khái niệm “địa điểm công cộng” chưa được định nghĩa cụ thể và thống nhất trong hệ thống pháp luật, dẫn đến những bất cập trong thực tiễn áp dụng.

Về hậu quả của tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 318 BLHS

Theo quy định tại khoản1 Điều 318 BLHS:

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".

Hậu quả được quy định tại điều luật trên là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Việc đánh giá hậu quả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền, chẳng hạn như Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích pháp luật hay Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Vì vậy, trong thực tiễn áp dụng pháp luật, các cơ quan tố tụng có các quan điểm xử lý vấn đề này theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến thiếu sự thống nhất.

Trước đây, khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội "Gây rối trật tự công cộng" như sau:

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".

Điều luật này đã được cụ thể hóa bởi Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Ti cao. Theo đó, “hậu quả nghiêm trọng” và “gây cản trở giao thông nghiêm trọng” trong tội "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 được giải thích rõ ràng thông qua các trường hợp cụ thể tại các tiểu mục 5.1 và 5.2 như sau:

“5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;

b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;

c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;

d. Chết người;

đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;

g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;

h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...

Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

5.2. “Gây cản trở giao thông nghiêm trọng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu)".

Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999, do đó, nội dung hướng dẫn này chỉ có giá trị tham khảo.

Sự khác nhau cơ bản của tội "Gây rối trật tự công cộng" của BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đó là quy định về hậu quả của tội phạm. Tại Điều 245 BLHS năm 1999 quy định việc gây rối trật tự công cộng phải “gây hậu quả nghiêm trọng” và tình tiết này đã được hướng dẫn cụ thể trong tiểu mục 5.1 cuả Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP. Còn đối với Điều 318 BLHS năm 2015 việc gây rối trật tự công cộng phải “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Theo quy định hiện nay tại Điều 318 trong BLHS năm 2015, tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được quy định như một yếu tố định tính trong việc xử lý các hành vi gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền về cách hiểu và áp dụng tình tiết này điều này dẫn đến nhiều khó khăn và bất cập trong thực tiễn đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm. Tình tiết “ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” còn mang tính chất trừu tượng, khó định lượng cụ thể, khiến việc áp dụng dễ phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế, xã hội của từng khu vực.

Bên cạnh đó, trong tình hình hiện nay ngoài các hậu quả hữu hình, thực tiễn xét xử cũng ghi nhận sự tồn tại của các hậu quả phi vật chất. Những hậu quả này bao gồm việc gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự xã hội; hoặc làm tổn hại đến các mối quan hệ xã hội, quan hệ ngoại giao. Những khía cạnh này, mặc dù không trực tiếp đo đếm được bằng các hậu quả vật chất nhưng lại mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển chung của xã hội.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan có thẩm quyền là rất cần thiết. Những hướng dẫn này sẽ giúp tạo ra sự thống nhất trong việc đánh giá và xử lý các hành vi gây rối trật tự công cộng, góp phần đảm bảo hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ trật tự xã hội.

Về tình tiết định khung tăng nặng “Dùng hung khí” tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS năm 2015, hành vi gây rối trật tự công cộng sử dụng “hung khí” có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Tuy nhiên, việc áp dụng tình tiết này gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản pháp luật định nghĩa rõ ràng “hung khí” là gì.

Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 không có quy định cụ thể về khái niệm “hung khí”. Điều này gây khó khăn trong thực tiễn xét xử khi không có căn cứ pháp lý để xác định rõ thế nào là “hung khí” trong các trường hợp cụ thể. Trước đây, tại hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS năm 1999:

“3.1. Tình tiết "dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS năm 1999 là: “Dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Viện dẫn đến tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS quy định:

“2.1. "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).

2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

a. Về công cụ, dụng cụ

Ví dụ: Búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra

Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

c. Về vật có sẵn trong tự nhiên

Ví dụ: Gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”.

Các hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP và Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định đến khái niệm “hung khí nguy hiểm” được áp dụng cho Bộ luật Hình sự năm 1999, hiện nay các hướng dẫn trên đều chỉ mang tính tham khảo. Từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực đến nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về cách hiểu và áp dụng khái niệm thế nào là “hung khí” trong thực tiễn. Việc không có định nghĩa pháp lý cụ thể khiến việc xác định thế nào là “hung khí” dựa nhiều vào nhận thức chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này gây ra sự không thống nhất trong xử lý vụ án giữa các cơ quan tiến hành tố tụng dễ dẫn đến việc xử lý không đúng người, đúng tội, dẫn đến các hệ quả như oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Một số kiến nghị, đề xuất

Từ những vướng mắc đã được phân tích ở phần trên. Tác giả đưa ra một số để xuất, kiến nghị nhằm khắc phục các vướng mắc như sau:

Thứ nhất, cần có quy định thống nhất về thế nào địa điểm công cộng, các cơ quan như Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần ban hành nghị quyết hoặc văn bản giải thích cụ thể khái niệm này. Đề xuất cần xác định “địa điểm công cộng” là những nơi mọi người có quyền tự do ra vào mà không cần sự cho phép đặc biệt, bao gồm các khu vực như công viên, quảng trường, bến xe, nhà ga, trường học, bệnh viện, đường phố, chợ, trung tâm thương mại, và các địa điểm khác phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Quy định rõ các nhóm địa điểm công cộng dựa trên chức năng, như khu vực giao thông, khu vực vui chơi giải trí, cơ sở hành chính, và các địa điểm tôn giáo. Bên cạnh đó, có thể cho phép các cơ quan chức năng tại địa phương bổ sung địa điểm công cộng phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng, đặc trưng của từng dân tộc nhưng vẫn phải tuân thủ các tiêu chí chung của pháp luật.

Thứ hai, cần có một văn bản hướng dẫn hoặc nghị quyết giải thích rõ thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, quy định các trường hợp cụ thể mà hành vi gây ảnh hưởng xấu được coi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiêu chí để đánh giá mức độ ảnh hưởng đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự (về vật chất, tinh thần, môi trường, an ninh xã hội) giúp các cơ quan tố tụng thống nhất trong việc xử lý và tránh việc hiểu sai hoặc xử lý không công bằng, tránh bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai. Đề xuất, có thể dựa trên tinh thần của tiểu mục 5.1 cuả Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng” để ban hành văn bản quy định về “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tuy nhiên, cũng cần phải dựa vào tình hình thực tế hiện nay đối với tội phạm này.

Thứ ba, cần ban hành hướng dẫn hoặc nghị quyết giải thích rõ ràng về khái niệm “hung khí”, bao gồm các loại công cụ, vật dụng có khả năng gây thương tích hoặc sát thương cao. Đồng thời, cần phân biệt rõ hung khí với vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ để tránh sự nhầm lẫn trong quá trình xét xử. Ngoài việc định nghĩa, các cơ quan chức năng cần đưa ra các ví dụ cụ thể về các loại vật dụng có thể được coi là hung khí trong từng trường hợp. Ví dụ: Dao, kiếm, mã tấu, súng tự chế hoặc bất kỳ công cụ nào có khả năng gây thương tích nặng. Việc phân loại này giúp các cơ quan tố tụng có thể áp dụng một cách thống nhất và công bằng hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Việc ban hành các hướng dẫn và quy định rõ ràng sẽ giúp các cơ quan tố tụng thực thi pháp luật một cách công bằng và chính xác. Những văn bản hướng dẫn chi tiết sẽ tạo ra sự đồng nhất trong việc áp dụng pháp luật, tránh tình trạng áp dụng sai hoặc thiếu thống nhất, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, tránh oan sai người vô tội, hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực hành chính, bỏ lọt tội phạm và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội./.

PHẠM CAO SƠN
Tòa án Quân sự khu vực Hải quân

Các tin khác