/ Pháp luật - Đời sống
/ Tổng hội sinh viên Đông Dương với Cách mạng tháng 8 năm 1945

Tổng hội sinh viên Đông Dương với Cách mạng tháng 8 năm 1945

19/08/2023 07:58 |

(LSVN) - Một trong những tổ chức có ảnh hưởng mạnh nhất trong sinh viên Hà Nội trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là Tổng hội sinh viên Đông Dương. Tổng hội này ra đời từ năm học 1935 - 1936 do Phan Anh làm Hội trưởng, từ năm 1941 do Dương Đức Hiền làm Hội trưởng.

Bản nhạc Tiến quân ca và bài báo về cuộc họp do Tổng hội sinh viên tổ chức tại Việt Nam học xá, Bình Minh, 23/8/1945. Ảnh tư liệu.

Tổng hội sinh viên Đông Dương không chỉ có các hội viên là sinh viên, mà còn thu nạp thêm học sinh trường Bưởi, đoàn viên Đoàn Rồng, hội Jacquin,… Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Tổng hội đã tổ chức nhiều hoạt động để kích thích tinh thần yêu nước như diễn các vở kịch Đêm Lam Sơn (Huỳnh Văn Tiểng), Hội nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước); diễn thuyết về “Trận Bạch Đằng” (Nguyễn Ngọc Minh), “Ngoảnh nhìn lại giang sơn” (Vũ Đình Liên), “Mục đích đi về phía trước của Tổng hội sinh viên” (Huỳnh Văn Tiểng), “Thanh niên và tiếng Việt” (Xuân Diệu), “Tinh thần dân tộc trong ca dao” (Nguyễn Đình Thi), “Phong trào giành độc lập của nhân dân Ái Nhĩ Lan” (Phan Mỹ), “Ca ngợi Bình Ngô Đại Cáo”, “Con đường của thanh niên” (Đặng Ngọc Tốt).

Những bài hát chứa chan lòng yêu nước của Lưu Hữu Phước, tiêu biểu như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Tiếng gọi sinh viên được Tổng hội xuất bản và phát hành. Ngoài ra, Tổng hội còn tổ chức lễ kỷ niệm các anh hùng dân tộc, tổ chức sinh viên đi thăm các di tích lịch sử để thức tỉnh lòng yêu nước, chí đánh đuổi ngoại xâm và trách nhiệm của sinh viên trước vận mệnh sống còn của dân tộc: “Bài toán một mất một còn của nước ta đã đặt ra và phải giải quyết vì vận mệnh của dân tộc, sinh viên tự thấy nhiệm vụ của họ là phải góp phần làm việc cho đồng bào. Nghĩ xa hơn nữa: là cho đất nước” (Nguyễn Xuân Sanh). Những hoạt động yêu nước của sinh viên Hà Nội đã lan tỏa đến những thành phố khác trong nước, tiêu biểu là Sài Gòn: “Từ năm 1942 - 1943 thấy phong trào tự phát của thanh niên, sinh viên từ Hà Nội về và học sinh các trường trung học nam nữ, rầm rộ hết sức công khai mà biểu lộ rõ tính yêu nước” (Trần Văn Giàu). 

Phát xít Nhật tìm cách lôi kéo Tổng hội sinh viên Đông Dương đi về phe Nhật. Nguyễn Tường Tam, thủ lĩnh đảng Đại Việt Duy Dân thân Nhật, dụ dỗ Hội trưởng Dương Đức Hiền ủng hộ thuyết Đại Đông Á của Nhật nhưng không thành công. Năm 1943, Hoàng thân Cường Để đang ở Nhật đã gửi một bức thư về nước, phong Dương Đức Hiền làm Trưởng Đoàn Thanh niên Bắc Bộ, nhưng ông đã khéo từ chối chức vụ đó. Năm 1943, Quốc Dân Đảng cử người tiếp xúc với Dương Đức Hiền hòng lợi dụng tinh thần chống Pháp của sinh viên trong Tổng hội để lái họ đi vào con đường thân Nhật.

Mặt trận Việt Minh đã cử người tiếp xúc với những thủ lĩnh của Tổng hội như Dương Đức Hiền, Nguyễn Dương Hồng, Cù Huy Cận để thuyết phục họ đi theo Việt Minh. Ngày 30/6/1944, Đảng Dân Chủ được thành lập. Đây là “một chính đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản trí thức yêu nước tiến bộ làm cho thành phần tổ chức của Việt Minh càng thêm phong phú và khả năng hiệu triệu các tầng lớp trung gian tham gia đánh đuổi Nhật Pháp được tăng thêm một bước” (Thanh Đạm). Dương Đức Hiền là Tổng thư ký Đảng Dân Chủ. Một số sinh viên yêu nước trong Tổng hội đã gia nhập Đảng Dân Chủ. Đảng có ban xung phong tuyên truyền, đội tự vệ và đội danh dự trừ gian. Tờ Độc Lập là cơ quan ngôn luận của Đảng Dân Chủ, do nhạc sĩ Văn Cao và Nguyễn Đình Thi phụ trách. Nhiều đảng viên Đảng Dân Chủ tự coi mình là Việt Minh. 

Tổng hội ra tờ Tự Trị làm công cụ tuyên truyền. Ban biên tập gồm nhiều trí thức trẻ như Lê Văn Giạng (chủ nhiệm), Nguyễn Xuân Sanh (chủ bút), Thép Mới, Lê Khánh Cận, Nguyễn Sĩ Quốc và Nguyễn Bá Huấn. Nhiều bài của báo Tự Trị có nội dung gần gũi với đường lối của Việt Minh.

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Trong khi Trung ương Đảng đang họp ở Tân Trào thì tình thế cách mạng xuất hiện ở Hà Nội. Tối ngày 17/8, Thành ủy Hà Nội họp hội nghị mở rộng tại làng Dịch Vọng, xác định thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, và ấn định thời gian khởi nghĩa là ngày 19/8. Sáng ngày 19/8, nhiều học sinh, sinh viên trong tổ chức Tổng hội sinh viên Hà Nội xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền. Chiều ngày 19/8, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thành công rực rỡ. 

Tổng hội sinh viên Đông Dương tổ chức một cuộc họp tại Hà Nội sau ngày khởi nghĩa. Nguyễn Dương Hồng được bầu làm Hội trưởng, Lê Văn Giạng làm Hội phó. Tổng hội này xin gia nhập Việt Minh, và đổi tên thành Tổng hội sinh viên cứu quốc. Tổng hội sinh viên cứu quốc triệu tập một cuộc họp có sự tham gia của nhiều trí thức danh tiếng ở Hà Nội để biểu thị sự ủng hộ Việt Minh. Ngay sau buổi họp, bốn trí thức là Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Văn Huyên và Hồ Hữu Tường đã cùng nhau đánh một bức điện vào Huế, yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Tờ Tự Trị của Tổng hội sinh viên được đổi tên thành Gió Mới và do Nguyễn Xuân Sanh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Tổng hội sinh viên Đông Dương là tổ chức thu hút đông đảo học sinh, sinh viên yêu nước. Tổng hội đã tổ chức được nhiều hoạt động đấu tranh chống Pháp, Nhật và tay sai trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Những hoạt động này đã góp phần khơi lên tình yêu nước và ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc trong lòng người Hà Nội. Khi thời cơ đến, nhiều thành viên của Tổng hội đã cùng với các tầng lớp nhân dân anh dũng đứng lên giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần quyết định đưa cuộc Tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi hoàn toàn trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Tài liệu tham khảo: 

1. Tuyên truyền cách mạng trước năm 1945, Nxb. Quân đội Nhân dân, HN, 2005.

2. Những ngày tháng Tám (hồi ký cách mạng), Nxb Văn học, HN, 1961.

3. 19/8 cách mạng là sáng tạo, Hội khoa học lịch sử xuất bản, HN, 1995.

4. Hà Nội mùa thu cách mạng, Nxb HN, HN, 2009.

5. Cách mạng Tháng Tám một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2005.

6. Hồi ký Thanh Nghị, Nxb Văn học, HN, 2000.

PGS.TS TRẦN VIẾT NGHĨA

Đại học Quốc gia Hà Nội

Thêm 07 án lệ mới được Toà án nhân dân Tối cao công bố

Nguyễn Hoàng Lâm