Ảnh minh họa.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã gửi ý kiến góp ý bằng văn bản với Bộ GD&ĐT chỉ rõ đợt bùng phát dịch Covid-19 thời gian qua đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân TP. Hồ Chí Minh. Các vấn đề biến động về chính trị, xã hội trên thế giới… cũng tác động đến mức giá, chi phí sinh hoạt.
Vào thời điểm đầu năm học, phụ huynh phải chi nhiều khoản như sách giáo khoa, đồ dùng học tập… Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và kinh tế TP. Hồ Chí Minh đang từng bước ổn định, phục hồi nhưng đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc tăng học phí vào thời điểm này, mặc dù thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP/2021/NĐ-CP là vấn đề hết sức nhạy cảm, tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh.
Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất điều chỉnh lộ trình học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với năm học 2022 - 2023 và từ năm học 2023 - 2024 theo đề xuất của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, đối với năm học 2022 - 2023, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập bằng mức học phí đã ban hành năm học 2021 - 2022 ở tất cả cấp học.
Từ năm học 2023 - 2024, HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non, phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.
Riêng về các khoản thu khác ngoài học phí cho năm học 2022 - 2023, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn nội dung và mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, không bao gồm học phí như mức thu trường tiên tiến, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, môn tự chọn, học nghề, tổ chức phục vụ bán trú, vệ sinh lớp bán trú… Trong đó, tiếp tục duy trì và giữ nguyên các nội dung và mức thu các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, theo quy định đang thực hiện trong năm học 2021 - 2022 để tiếp tục thực hiện cho năm học 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương đề xuất chính sách miễn học phí cho học sinh THCS từ năm học 2022 - 2023 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, đưa ra số liệu về số học sinh và mức hỗ trợ được tính toán nếu thực hiện việc hỗ trợ học sinh THCS.
Cụ thể, năm học 2022 - 2023, thành phố có tổng số 453.518 học sinh bậc THCS. Trong đó, đã có 8.720 học sinh THCS được miễn học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP/2021/NĐ-CP. Số học sinh THCS chưa được miễn học phí là 444.798 người.
Hiện nay, mức thu học phí bậc THCS mà thành phố đang áp dụng là 60.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 1 là các quận nội thành và 30.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 2 là các huyện ngoại thành. Từ đó, tính ra tổng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp bù miễn học phí cho học sinh THCS là hơn 378 tỉ đồng, trong đó ngân sách địa phương tự cân đối là 167 tỉ đồng. Số kinh phí thành phố đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ là hơn 211 tỉ đồng.
Để chuẩn bị cho năm học mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát các khoản thu của cơ sở giáo dục, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán góp phần thực hiện tốt chủ trương thanh toán không sử dụng tiền mặt của Chính phủ, Sở GD&ĐT đề nghị 100% các cơ sở giáo dục triển khai việc thu học phí và các khoản thu khác bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường thực hiện với nhiều hình thức, không giới hạn các ngân hàng thanh toán. Ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ POS, liên kết tài khoản, thẻ ngân hàng qua các kênh trực tuyến…, tạo mọi điều kiện để phụ huynh học sinh thuận lợi trong việc thanh toán.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tổ chức ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS toàn quốc từ năm học 2022 - 2023.
Cụ thể, trong kiến nghị của Bộ GD&ĐT gửi tới Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã đề nghị ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện. Đồng thời, giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024.
Bên cạnh đó, về học phí của hệ THCS, Bộ GD&ĐT đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh THCS từ năm học 2022 - 2023 (ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí: 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỉ đồng/năm học). Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỉ đồng trong giai đoạn 3 năm (từ năm 2022 đến năm 2024, sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).
Với các cấp học còn lại, Bộ GĐ&ĐT cũng có những kiến nghị cụ thể:
Về học phí giáo dục mầm non (GDMN) công lập năm học 2022-2023: Đối với cơ sở GDMN chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021 - 2022; Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021 - 2022: HĐND cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021 - 2022 đến hết năm học 2022 - 2023.
Từ năm học 2023 - 2024, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm. Đối với giáo dục đại học công lập: Lùi khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thêm 1 năm.
Năm học 2022 - 2023, mức học phí của cơ sở GDĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP là 25%) so với năm học 2021 - 2022.
Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP). Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).
Đối với hệ THPT: Đề nghị giữ ổn định mức học phí như năm học 2021 – 2022 đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên; Đối với cơ sở giáo dục THPT tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình UBND cấp tỉnh để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết định mức thu học phí năm học 2022 – 2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021 – 2022: HĐND cấp tỉnh giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021 – 2022 đến hết năm học 2022 – 2023.
Từ năm học 2023 – 2024, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí đối với trung học phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.
Các nội dung không nêu tại Nghị quyết của Chính phủ đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ GD&ĐT cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành hữu quan, trình Chính phủ để ban hành nghị quyết về các nội dung nêu trên cho kịp triển khai từ năm học 2022 – 2023.
VŨ TRẦN