Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra theo quy định của pháp luật hiện hành

15/02/2021 03:39 | 3 năm trước

(LSVN) - Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi, là người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Do đó, trong nhiều trường hợp, giao dịch của người chưa thành niên phải được thực hiện thông qua người đại diện, người giám hộ để nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ thể này. Trong trường hợp người chưa thành niên có hành vi gây thiệt hại cho người khác thì pháp luật cũng quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính chủ thể bị thiệt hại.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định khác. Tuy nhiên, người chưa chưa thành niên là chủ thể đặc biệt, do đó Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định riêng đối với chủ thể này tại Điều 586 như sau:

- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định một trường hợp khác về bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý tại tại Điều 599 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

- Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

- Trường học không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy pháp luật chia làm hai trường hợp đối với người chưa thành niên, bao gồm chủ thể từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và chủ thể chưa đủ 15 tuổi. Trong đó nguyên tắc bồi thường đối với chủ thể từ chủ thể từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Trong trường hợp chủ thể này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ thì việc bồi thường do người giám hộ thực hiện bằng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Còn đối với chủ thể chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Trong trường hợp người này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha mẹ thì việc bồi thường sẽ do người giám hộ thực hiện bằng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Đối với người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại trong trường học thì cần căn cứ vào yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về nhà trường hay cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi; về nguyên tắc nếu nhà trường có lỗi thì nhà trường có trách nhiệm bồi thường, nếu nhà trường không có lỗi thì cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi bồi thường.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG 
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Một số ý kiến về nhận diện rủi ro, xung đột phát sinh trong thuê và mua chung cư ở nước ta