Vì vậy, rất nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra, tiêu biểu là vụ việc chó Pitbull tấn công chủ, khiến 04 người nhập viện ở Bắc Giang, hay vụ việc một đàn chó gần 10 con tấn công và giết chết cháu bé 07 tuổi ở Hưng Yên. Vậy, trong những trường hợp như trên, chủ sở hữu của chó, mèo sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước hậu quả mà vật nuôi của mình gây ra. Hãy cùng tác giả tìm hiểu trong bài viết này.
Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018
5. Vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi.
6. Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.
Vậy, có thể xếp chó, mèo vào nhóm gia súc. Bản chất súc vật là động vật hoang dã, mang bản tính thú dữ đã được thuần hóa, chăn nuôi, nằm trong sự kiểm soát hoặc sống cùng môi trường với con người.
khoản 4 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018
Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu để để chó, mèo tấn công người khác thì chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Tùy vào tính chất, mức độ thiệt hại, độ nguy hiểm của chó, mèo, mà chủ sở hữu chó, mèo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo các căn cứ sau:
Trường hợp 1
Thiệt hại do chó, mèo gây ra là thiệt hại về tài sản, không có thiệt hại về người. Vậy, chủ sở hữu chó, mèo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trường hợp 2
Thiệt hại do chó, mèo gây ra là thiệt hại về người, cụ thể là các trường hợp nạn nhân bị chó, mèo hung dữ tấn công dẫn đến bị thương hoặc chết người. Trong trường hợp này cần xác định chó, mèo là thú dữ, được pháp luật dân sự coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, chủ sở hữu chó, mèo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Đối với điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 601 và Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 về cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên đối với Điều 601, pháp luật đã quy định trong một số trường hợp ngay cả khi chủ sở hữu không có lỗi nhưng thú dữ do mình nuôi gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu vẫn phải có trách nhiệm bồi thường. Ví dụ anh A. nuôi ba con chó pitbull rất dữ, mặc dù anh A. đã nhốt ba con chó trong chuồng và khóa chặt cửa, nhưng chúng vẫn đào hố chui ra và cắn chị B. là người đi đường. Trong trường hợp này, dù anh A. không có lỗi nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chị B. theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.
Sở dĩ pháp luật quy định như vậy nhằm nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của nguồn nguy hiểm cao độ và những tổn thất to lớn mà chúng gây ra; đồng thời tạo áp lực khiến chủ sở hữu phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn, đề cao cảnh giác, cẩn thật hết sức nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Trách nhiệm hình sự
Hành vi nuôi chó mèo thả rông cắn người gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo trường hợp cụ thể, có thể bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự về việc vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Cụ thể, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc trường hợp làm chết người hoặc gây thương tích (từ 61% trở lên) thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Cá biệt, trong một số trường hợp, vì lý do cá nhân mà chủ sở hữu đã xua đàn chó tấn công một người, khiến người đó bị thương hoặc tử vong. Lúc này, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ sở hữu về tội Giết người theo điểm i khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung tăng nặng "Thực hiện tội phạm một cách man rợ". Tính chất man rợ của hành vi giết người thể hiện ở chỗ, làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại, khổ sở trước khi chết bằng cách để cho một hoặc nhiều con chó cắn xé nạn nhân đến chết. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thể hiện sự dã man, máu lạnh của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội, nên có khung hình phạt là hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Con chó lúc này được coi là công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội.
Một ví dụ điển hình là vụ việc thả chó cắn người xảy ra tại TP. Đà Nẵng. Cụ thể, khoảng 15h ngày 29/5/2022, Đ.V.N. cùng T.A.T. ngồi nhậu tại nhà của N. ở phường T.. Tại đây, N. kể cho T. nghe mâu thuẫn của mình với T.Đ.T. về đất đai. Khoảng 30 phút sau, T. qua nhà gọi T. đến nhà N. để giải quyết mâu thuẫn. T. qua gặp N. rồi cả hai xảy ra cãi vã, đánh nhau. T. cùng với N. xông đến đánh T. ngã xuống sân. T. đứng dậy chạy về trước nhà lấy một cái xẻng quay lại đánh trả. Khi T. đưa xẻng lên đánh thì T. chụp được và đánh làm T. ngã xuống mặt đường… N. xông đến giật lấy xẻng và đánh liên tiếp vào vùng đầu phía sau của T. T. về nhà dẫn một con chó pitpull, một con chó béc giê đang nhốt trong chuồng qua nhà N. T. thả con chó pitpull xông vào cắn gây thương tích cho N. ở nhiều vị trí trên cơ thể như đầu, cổ, tay, chân. N. kêu cứu thì T. lấy cây hai chỉa đánh đuổi chó. Thấy vậy, T. xông đến đánh T. rồi giằng co lấy cây hai chỉa. Khi thấy N. bất tỉnh, T. dẫn hai con chó về nhà.
Cáo trạng cáo buộc T., N. đã có hành vi dùng xẻng là hung khí nguy hiểm, đánh nhiều cái vào vùng mặt, đầu, sau gáy của T., gây tỉ lệ thương tích 14%.Còn T. có hành vi về nhà dẫn hai con chó chạy qua nhà N. để cho chó pitpull cắn ở nhiều vị trí trên cơ thể của N. gây tỉ lệ thương tích 29%. Ngày 20/6, TAND TP Đà Nẵng xét xử ba bị cáo: T.A.T. (40 tuổi), Đ.V.N. ( 37 tuổi), T.Đ.T. (47 tuổi) cùng trú phường T. (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) về tội "Giết người". Tòa án đã tuyên phạt bị cáo T., N. 09 năm tù; bị cáo T. 10 năm tù, cùng về tội "Giết người".
Ngoài ra, khi thấy có người bị chó, mèo tấn công nhưng chủ sở hữu không can thiệp để cứu giúp người đó mặc dù có đủ điều kiện, cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chỉ tính riêng năm 2023, cả nước ta đã có 82 ca tử vong do mắc bệnh dại và gần 675.000 trường hợp phải tiêm vắc xin phòng bệnh do bị chó, mèo cắn. Đây quả thực là một con số đáng quan ngại. Việc nuôi chó, mèo nhưng không đáp ứng các quy định về chuồng trại, tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh, chăn thả rông,... ở Việt Nam từ trước đến nay luôn là một vấn đề nhức nhối. Sự chủ quan, đơn giản trong suy nghĩ và hành động đã ăn sâu vào nhận thức cùa nhân dân, đồng thời, các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự chủ động trong công tác tuyên truyền, xử lý những trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi chó, mèo theo Luật Chăn nuôi 2018. Trong thời gian tới, các cấp các ngành cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền những quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, đồng thời tích cực xử lý những trường hợp vi phạm, vì một xã hội yên bình.