Quyền được bố mẹ chăm sóc
Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em được Việt Nam phê chuẩn ngày 20/02/1990 thừa nhận gia đình, với ý nghĩa là tế bào xã hội cơ bản và môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mọi thành viên, nhất là trẻ em, cần được sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết để đảm đương được đầy đủ trách nhiệm của mình trong cộng đồng. Về quyền được sống cùng cha mẹ được quy định cụ thể tại Điều 9:
- Các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng trẻ em không bị tách khỏi cha, mẹ trái với ý muốn của họ, trừ trường hợp do các cơ quan có thẩm quyền quyết định với sự thẩm định của tòa án rằng theo pháp luật và các thủ tục áp dụng thì việc tách khỏi cha, mẹ như vậy là cần thiết cho lợi ích tốt nhất của trẻ em. Quyết định này có thể là cần thiết trong những trường hợp đặc biệt như trẻ em bị cha mẹ lạm dụng hay bỏ mặc, hoặc khi cha mẹ sống ly thân và cần có một quyết định về nơi cư trú của trẻ em.
- Các quốc gia thành viên phải tôn trọng quyền của đứa trẻ phải sống cách ly khỏi cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, được duy trì những quan hệ riêng tư và được tiếp xúc trực tiếp với cả cha và mẹ một cách đều đặn, trừ khi việc này trái với lợi ích tốt nhất của đứa trẻ.
Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 37 khoản 1: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tại Điều 70 quy định rằng, con được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
Điều 22 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Về quyền được bố mẹ chăm sóc có thể hiểu là quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Quyền nuôi con sau khi ly hôn
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Theo đó, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, cùng nhau chăm sóc nuôi dưỡng con đến khi con 18 tuổi, hoặc trường hợp con đã thành niên hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, con chưa thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 82 như sau:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn vẫn có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con, cấp dưỡng và được thăm nom con.
Quy định của pháp luật về việc giao con cho người có quyền nuôi con
Theo quy định tại các Điều 45, 48, 118, 120 Luật Thi hành án dân sự hiện hành, thi hành bản án, quyết định về giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng là loại việc thi hành án liên quan đến việc thực hiện một công việc nhất định.
Theo đó, người phải thi hành án có một khoảng thời gian để tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình (10 ngày, kể từ ngày họ nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án). Hết thời hạn này, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thực hiện sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện, thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án .
Tình huống cụ thể
Anh Hồ Đ.N., sinh năm 1983, thường trú tại xã T, thành phố M, tỉnh M tố cáo chị Nguyễn Thị L.P. sinh năm 1985 (có cùng địa chỉ thường trú với anh Đ.N.) đã không chấp hành bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh M, không giao con trai của hai người là Hồ Đ.L. sinh ngày 28/12/2012 cho bố nuôi dưỡng theo quyết định của Tòa án và không cho con tiếp xúc với cha đẻ. Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh M đã có hiệu lực, nhưng chị L.P. đã không chấp hành bản án mà còn mang con đi nơi khác, gia đình, người thân không rõ tung tích của cháu Đ.L. Chị L.P. không có nghề nghiệp ổn định và anh Hồ Đ.N. thường xuyên nhận được những tin nhắn dạng tống tiền từ chị L.P.
Công an tỉnh M đã xác định cháu Đ.L. hiện đang tạm trú và đi học tại xã N, tỉnh N. Anh Đ.N. đã nhiều lần làm đơn ra chi cục thi hành án để can thiệp nhưng đến nay vẫn không thi hành án được.
Đối với vụ việc trên, hành vi không chấp hành bản án của chị L.P. vi phạm quy định của pháp luật tại Điều 165 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 và Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Bản án, quyết định phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội không chấp hành án như sau:
“1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Hành vi không cho cháu Đ.L. tiếp xúc với cha đẻ, mang con đi nơi khác khiến gia đình không rõ tung tích của cháu Đ.L. của chị L.P. sau khi bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh M đã có hiệu lực là vi phạm quy định tại Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con sau khi ly hôn như sau: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
Theo quy định trên thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi cũng như tôn trọng quyền được nuôi con của người trực tiếp nuôi. Vì vậy, hành vi không cho cháu Đ.L tiếp xúc với cha đẻ, mang con đi nơi khác khiến gia đình không rõ tung tích của cháu Đ.L của chị L.P. đã vi phạm vào quy định về quyền và nghĩa vụ nuôi con sau ly hôn của cha, mẹ trực tiếp nuôi con và cha, mẹ không trực tiếp nuôi con tại Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình. Trong vụ việc trên, anh Đ.N cần làm đơn đề nghị thi hành án nuôi con đối với chi cục thi hành án, đồng thời cung cấp địa chỉ mà cháu Đ.L đang sinh sống với mẹ của mình là chị L.P. cho cơ quan chức năng. Nếu chị P. không thi hành án, cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế thi hành án buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án.
Như vậy, đối với thi hành án về nuôi con, người được thi hành án cần chủ động thỏa thuận với người phải chuyển giao quyền nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì cần nộp đơn thi hành án đến cơ quan thi hành án để có cơ sở thi hành án. Quyền nuôi con sau ly hôn là một trong những quyền của cha, mẹ, đối với trường hợp quyền nuôi con đã được tòa án giao cho một bên thì bên phải thi hành án có trách nhiệm thực hiện đúng theo bản án để tránh những tranh chấp và hậu quả pháp lý do không thực hiện nghĩa vụ giao con theo bản án. Trường hợp sau này khi chứng minh được vợ hoặc chồng không bảo đảm lợi ích của con khi nuôi con thì có thể làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Công ty Luật TNHH Đức An
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội