/ Pháp luật - Đời sống
/ Thu thập thông tin sinh trắc học để làm thẻ căn cước

Thu thập thông tin sinh trắc học để làm thẻ căn cước

18/02/2024 13:40 |

(LSVN) - Đây là nội dung đáng chú ý tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước ban hành kèm Quyết định 175/QĐ-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Quyết định số 175/QĐ-TTg nêu rõ, mục đích của Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước 2023 này nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước 2023, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Căn cước 2023 trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, nâng cao nhận thức về Luật Căn cước 2023 và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thi hành Luật.

Theo đó, để triển khai thi hành kịp thời, thống nhất, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và cơ quan, tổ chức có liên quan về việc bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Cụ thể, đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để triển khai thu nhận mống mắt; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp; thu thập, khai thác, sử dụng thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói theo quy định của Luật; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Thời gian thực hiện nội dung là năm 2024 và các năm tiếp theo.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Căn cước 2023 thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan.

Theo Luật Căn cước 2023, thông tin sinh trắc học là một trong những thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước. Các thông tin sinh trắc học bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Trong đó, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định.

Còn thông tin về mống mắt sẽ được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước.

Trong trường hợp thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Tuy nhiên, đối với thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dưới 06 tuổi thì cơ quan quản lý căn cước sẽ không được thu nhận các thông tin này.

Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Căn cước diễn ra ngày 25/10/2023, bên cạnh các vấn đề về tên gọi của dự thảo Luật, tên gọi thẻ căn cước, các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, tích hợp thông tin vào thẻ căn cước… nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng quan tâm đến quy định tại dự thảo Luật về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm các thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học: Ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; thông tin về nghề nghiệp (trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu)...

Góp ý tại phiên họp, ĐBQH Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước, cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo Luật này. Tuy vậy, ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt.

Theo ĐBQH, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt giống như AND và giọng nói (tại Điều 16 của dự thảo Luật). Cụ thể, thông tin này người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt.

Do đó, ĐBQH Lưu Bá Mạc đề nghị có thể bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d, khoản 1, Điều 16.

Tranh luận lại về vấn đề này tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phân tích, trong sinh trắc học, các thông tin gồm có ảnh khuôn mặt, mống mắt, ADN…

Theo đó, với nhận dạng về khuôn mặt, thực tế hiện nay, vì nhu cầu làm đẹp, rất nhiều người chỉnh sửa, phẫu thuật thẩm mỹ nên gây khó khăn trong vấn đề nhận diện.

Trong khi đó, mống mắt bao gồm toàn bộ thủy tinh thể, lòng đen của con ngươi, không thể chỉnh sửa nên đây là thông tin cố định. Việc bắt buộc thu thập thông tin về mống mắt rất tốt cho công tác quản lý.

TRẦN MINH

Đề xuất cách xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân

Nguyễn Hoàng Lâm