Ảnh minh họa.
Trước đây, tại khoản 1, Điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định cấm bác sĩ từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, quy định mới tại khoản 2, Điều 7, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã nêu rõ, nghiêm cấm hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật này. Đây cũng là quy định mới được bổ sung tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Theo đó, tại Điều 40, Luật Khám khám, chữa bệnh 2023 quy định về quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ, người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp:
Trường hợp 1: Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Trường hợp 2: Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Trường hợp 3: Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.
Trường hợp 4: Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.
Trường hợp 5: Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a, khoản 2 và điểm a, khoản 3, Điều 15 của Luật này không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Điều 15. Việc thực hiện quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bệnh là người chưa thành niên và người bệnh không có thân nhân 1. Trường hợp người bệnh là người thành niên và rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng trước đó đã có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về khám bệnh, chữa bệnh của mình thì thực hiện theo nguyện vọng của người bệnh. 2. Trường hợp người bệnh là người thành niên và rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng trước đó không có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về khám bệnh, chữa bệnh của mình thì thực hiện như sau: a) Nếu có người đại diện quy định tại các điểm a, b, c và d, khoản 2, Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người đại diện; b) Nếu không có người đại diện quy định tại các điểm a, b, c và d, khoản 2, Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 3. Trường hợp người bệnh là người chưa thành niên thì thực hiện như sau: a) Nếu có người đại diện quy định tại điểm c và điểm d, khoản 2, Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người đại diện; b) Nếu không có người đại diện quy định tại điểm c và điểm d, khoản 2, Điều 8 của Luật này thì thực hiện theo quyết định của người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Điều 8. Người đại diện của người bệnh 1. Một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm. 2. Người đại diện của người bệnh phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bao gồm: a) Người do người bệnh là người thành niên tự lựa chọn; b) Người do thành viên gia đình của người bệnh lựa chọn trong trường hợp người bệnh là người thành niên không thể tự lựa chọn và không có ủy quyền trước khi rơi vào tình trạng không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; c) Người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự; d) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc người được pháp nhân phân công mà pháp nhân đó chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự; đ) Người không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này nhưng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự. 3. Việc thay thế người đại diện được thực hiện như sau: a) Trường hợp thay thế người đại diện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì phải có xác nhận của người bệnh; b) Trường hợp thay thế người đại diện quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì phải có xác nhận của người bệnh hoặc thành viên gia đình của người bệnh; c) Trường hợp người đại diện là cha mẹ đối với con chưa thành niên thì khi thay thế người đại diện không phải có xác nhận của người bệnh; d) Trường hợp người đại diện là người giám hộ, người do Tòa án chỉ định, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được pháp nhân phân công thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; đ) Trường hợp người đại diện là người đại diện theo ủy quyền thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng văn bản ủy quyền theo quy định. 4. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện, hậu quả pháp lý của hành vi đại diện, thời hạn đại diện, phạm vi đại diện thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. |
Ngoài ra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng quy định rõ về 05 trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, tại Điều 20 quy định, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị cấm hành nghề nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật;
- Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật;
- Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện;
- Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Đồng thời, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng quy định thêm 03 nhóm đối tượng phải có giấy phép hành nghề y, áp dụng từ năm 2024 gồm: Dinh dưỡng lâm sàng; cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng; mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc; giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
HOÀNG NGUYÊN
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ cụm từ "lấn đất"