/ Góc nhìn
/ Từ sách giáo khoa - Nỗi lo cho nền giáo dục

Từ sách giáo khoa - Nỗi lo cho nền giáo dục

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sách giáo khoa là tài liệu chính thức và chính thống để giảng dạy và học tập trong nhà trường đòi hỏi phải có sự chuẩn mực cao, phổ thông và đại chúng, phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của mỗi cấp học hoặc chuyên ngành. Sách giáo khoa không chỉ là sự tổng hợp có chọn lọc tri thức nhân loại, lịch sử nước nhà mà còn truyền tải đạo lý làm người, thể hiện mục tiêu và xu hướng chính trị của nền giáo dục của mỗi quốc gia. Vì thế, điều tiên quyết là sách giáo khoa cần một sự ổn định tương đối, không thể nay sửa đổi, mai bổ sung tùy tiện được.

Ảnh minh họa.

Thế nhưng, thực trạng của sách giáo khoa hiện nay đang có những biểu hiện không đúng với những chuẩn mực mà sách giáo khoa cần phải có. Đặc biệt, là việc thay đổi sách liên tục, tăng giá vô tội vạ, biến sách giáo khoa thành thứ hàng hóa “dùng một lần”, đưa các cuốn sách không cần thiết vào cả bộ sách để bắt phụ huynh mua, chưa nói đến chuyện đưa cả những nội dung nhảm nhí, vô bổ, thô thiển hoặc dùng từ địa phương vào sách,… 

“Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo không?” – cách đặt vấn đề một cách quyết liệt như vậy của một nữ đại biểu trên diễn đàn Quốc hội cho thấy mức độ nghiêm trọng và sự bức xúc của cử tri thể hiện trong lĩnh vực sách giáo khoa nói riêng và tình trạng giáo dục nói chung. Những sai sót trong các bộ sách giáo khoa mới cho lưu hành được báo chí và dư luận chỉ ra từ nhiều tháng nay, từ kỳ họp Quốc hội lần trước tới lần này vẫn chưa được khắc phục, thậm chí, nữ đại biểu này còn thẳng thắn chỉ ra những gì mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn trước Quốc hội là “Tuy nhiên, thực tế không đúng như Bộ trưởng trả lời”.

Và lần này, dư luận lại tiếp tục thất vọng trước sự giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông cho rằng sách giáo khoa tăng giá là do “khổ lớn, giấy đẹp”, không hề có ý mỉa mai nhưng nhiều ý kiến cho rằng câu trả lời này chỉ xứng tầm với các nhà kinh doanh sách giáo khoa mà thôi việc gì ông Bộ trưởng lại phải bao biện thay cho họ. “Khổ lớn” thì học sinh và phụ huynh càng khổ chứ được ích gì, các em nhỏ cần những cuốn sách nhỏ, mỏng phù hợp với mình, không phải đeo cặp như cõng gạch khổ sai như tình trạng hiện nay. 

Còn “giấy đẹp” ư? Nếu cần dùng lâu dài thì cần đến sự bền đẹp thật đấy nhưng các vị đã biến sách giáo khoa thành thứ dùng một lần rồi, cần gì phải gây lãng phí cho xã hội đến thế. Lại còn thủ đoạn biến sách giáo khoa thành vở (tập) nữa khi để các em làm bài tập trực tiếp vào đó thì hy vọng dùng lại bị loại trừ.

Thương mại hóa giáo dục đã trở thành căn bệnh di căn khó chữa, thấm sâu vào từng tế bào những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà. Một thời tươi đẹp của nền giáo dục Việt Nam dân chủ cộng hòa còn lưu dấu ấn trong tâm khảm nhiều người. Khi đó, mặc dù khó khăn, nghèo đói, chiến tranh nhưng học sinh không phải đóng học phí, không phải mua sách giáo khoa, vào trường trung cấp hay đại học, dạy nghề đều được nhà nước chu cấp ăn ở, hơn thế, lại còn được cấp tiền sinh hoạt mỗi tháng, ra trường có việc làm phù hợp ngay.

Hiện trạng giáo dục hôm nay khiến nhiều người tự hỏi: “Giáo dục là quốc sách mà thế này ư?”.

NHỊ NGỌC

Chuyện mới mà không mới

Loan B T Thanh