/ Góc nhìn
/ Vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý khi cho người tham nhũng nộp tiền để được giảm án

Vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý khi cho người tham nhũng nộp tiền để được giảm án

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mục đích quan trọng của chống tham nhũng không chỉ là thu hồi tài sản thất thoát mà cao hơn là bảo vệ hệ thống pháp luật, quyền sở hữu của Nhà nước và sự liêm chính của bộ máy công quyền, trừng phạt người vi phạm.

Tiến sĩ, Luật Sư Lê Ngọc Khánh, Công Ty Luật TGS. 

Vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã đề xuất tăng biện pháp phòng ngừa, tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự với mục tiêu tăng tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng.

Theo quan điểm của tác giả, tuy đây là xu hướng lập pháp của một số nước tiên tiến, tuy nhiên để áp dụng vào Việt Nam thì cần điều chỉnh cho phù hợp. Vì mỗi quốc gia có phong tục tập quán, trình độ, nhận thức, ý thức pháp luật... cũng khác nhau.

Mục đích quan trọng của chống tham nhũng không chỉ là thu hồi tài sản thất thoát mà cao hơn là bảo vệ hệ thống pháp luật, quyền sở hữu của Nhà nước và sự liêm chính của bộ máy công quyền, trừng phạt người vi phạm. Tham nhũng là hành vi đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa vào nhóm tội phạm, quy định trong Bộ luật Hình sự thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Do đó, không thể dùng bất cứ biện pháp khắc phục nào để giảm trách nhiệm hình sự. Điều 31 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 chỉ rõ: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.

Bên cạnh đó, nếu chỉ cần nộp tiền để được giảm án hình sự sẽ gây ra tâm lý cứ tham nhũng xong nộp tiền là không cần phải ngồi tù. Điều này sẽ khiến người tham nhũng không biết sợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng nhiều hơn và mạnh hơn.

Có thể thấy, pháp luật hình sự bên cạnh yếu tố giáo dục, phòng ngừa thì còn có yếu tố răn đe. Do đó, nếu quy định khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại tiền thì không bị xử lý hình sự thì sẽ mất đi tính răn đe, trừng trị và sẽ mất đi tác dụng phòng ngừa chung, phòng ngừa riêng. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, đặc biệt, hiện nay công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đang đạt được những kết quả rất to lớn, đã tạo niềm tin cho toàn Đảng, toàn dân ta. Chính sự kiên quyết xử lý mạnh tay của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực (không có vùng cấm, không nể nang, kiên quyết xử lý bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì) là một trong những nguyên nhân tạo nên những kết quả đó. Tuy nhiên, do quy định về hình phạt đối với tội tham nhũng vẫn còn những kẽ hở, đặc biệt trong quá trình truy tố, xét xử đối với tội phạm này vẫn chưa có những hình phạt đủ mạnh nên tội phạm tham nhũng vẫn “chưa biết sợ”. Không thể để tội phạm tham những dùng tiền để đổi lấy hình phạt tù, không được để tình trạng “hy sinh đời bố để củng cố đời con” có đất để tồn tại được.

Tham nhũng chính là giặc từ bên trong của quốc gia, nó không chỉ là hành vi lợi dụng chức vụ để trục lợi kinh tế mà là sự suy đồi về đạo đức cá nhân và đạo đức công vụ do lòng tham. Do đó, cần thiết phải xử lý theo Bộ luật Hình sự đối với tội phạm tham nhũng để có tính răn đe cao nhất. Chỉ khi áp dụng chế tài hình sự thì mới có thể áp dụng các biện pháp tư pháp, hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời gian thì sẽ "triệt tiêu" nọc tham nhũng.

Trong từng vụ việc, chúng ta phải đánh giá mức độ nguy hiểm như thế nào để áp dụng hình phạt cho tương xứng. Pháp luật hình sự có quy định nhiều mức hình phạt như 3-7 năm, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ... Hội đồng xét xử có nghĩa vụ chứng minh, đánh giá, áp dụng các khung khoản, tình tiết nhẹ hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để cán bộ tự giác, tự nguyện nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị phát giác, phát hiện, xử lý nhằm tăng tỉ lệ thu hồi tài sản cho Nhà nước. Nếu người vi phạm nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện hoặc trước khi bị khởi tố có thể được xem xét không bị điều tra, truy tố.

Tuy nhiên, nếu cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng sau khi bị cơ quan thanh tra, điều tra phát hiện hoặc đang trong quá trình điều tra, truy tố thì chỉ nên coi là tình tiết giảm nhẹ kỷ luật hoặc mức án. Trường hợp khắc phục ngay toàn bộ tài sản tham nhũng có thể được xem xét khoan hồng đặc biệt hay mức xử lý nhẹ nhưng vẫn phải có xử lý theo quy định của pháp luật chứ không phải là tha bổng.

Tiến sĩ, Luật sư LÊ NGỌC KHÁNH

Công Ty Luật TNHH TGS

Cần tăng cường công tác quản lý đối với nghệ sĩ sử dụng trái phép chất ma túy

Lê Minh Hoàng