(LSVN) - Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (từ ngày 09 - 15/11) tại Hà Nội được kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên.
RCEP là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Khi được ký kết và đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỉ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới. RCEP, gồm 15 nước thành viên, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động vượt ra khỏi tầm khu vực. RCEP sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể phục hồi trong thời gian tới.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), năm nay hội nghị thượng đỉnh RCEP được tổ chức trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các cuộc họp liên quan.
Dự kiến Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực RCEP được ký kết sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời đặt ra các quy tắc về truyền dữ liệu. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp ở các nước thành viên, đặc biệt những nước có quan hệ thương mại lớn và là những đối tác thương mại lớn của nhau.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đàm phán liên quan đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được hoàn tất. Hiện tại, 15 nước tham gia đàm phán đang hoàn tất các thủ tục nội bộ và nếu thủ tục được hoàn tất kịp thời lễ ký kết Hiệp định RCEP sẽ diễn ra vào ngày 15/11.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, các nước liên quan đã mất rất nhiều năm để đàm phán, thương lượng về RCEP và như vậy để thấy rằng, tầm quan trọng của hiệp định này có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng rất nhiều, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi đại dịch Covid-19.
Vì vậy, việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới, một cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là các nước tham gia ký kết. Điều này có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam nói riêng, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và góp phần giúp đạt được thỏa thuận để đi đến ký kết RCEP – hiệp định đã được mong đợi từ rất lâu.
Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng kỳ vọng, các nước hoàn tất nhanh quy trình nội bộ để Việt Nam hoàn tất ký kết vào ngày 15/11 và mở ra cơ hội các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam có trọng trách dẫn dắt và hợp tác với các nước đối tác để cùng phục hồi, thúc đẩy kinh tế toàn khu vực phát triển, như việc đưa ra các Tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác và hạn chế tác động của dịch Covid-19 giữa các nước ASEAN và các nước đối tác trong khu vực.
Để tiếp tục hướng tới phát triển và hợp tác khu vực bền vững, công cuộc hội nhập kinh tế ASEAN, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc điều chỉnh các chương trình hợp tác trong ASEAN một cách phù hợp với tình hình mới, nhất là thông qua việc đánh giá giữa kỳ quá trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.
Theo chương trình nghị sự ASEAN đã được thống nhất, các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương đại diện cho các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh RCEP lần thứ 4 vào ngày 15/11 theo hình thức trực tuyến để thảo luận việc đạt được một hiệp định được chờ đợi từ lâu vào cuối năm nay. Đây là hiệp định đầu tiên bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
"Đối với Việt Nam, Hiệp định RCEP khi được ký kết và đưa vào thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đánh giá về ý nghĩa của FTA này, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong bày tỏ, việc ký kết RCEP sẽ gửi đi một thông điệp vang dội về sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thúc đẩy niềm tin vào sự ổn định và hội nhập của nền kinh tế khu vực. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, điều quan trọng đối với ASEAN là phải cho thế giới thấy rằng chúng ta đang mở cửa kinh doanh, với một nền kinh tế ổn định và hội nhập, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Còn Đại sứ Indonesia Ibnu Hadi cho rằng, RCEP sẽ là một thành tựu lớn và rất lạc quan về việc Hiệp định sẽ được ký kết vào cuối Hội nghị lần này. Sau khi được ký kết, Hiệp định sẽ tạo ra một động lực nhằm phục hồi và tái sinh các hoạt động kinh tế. ASEAN cùng với 5 nước đối tác sẽ cùng nhau cố gắng phục hồi nền kinh tế.
Đánh giá về ý nghĩa của FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.
Đối với Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…
Thách thức và cơ hội từ RCEP đối với doanh nghiệp Việt Nam
Báo cáo về thách thức và cơ hội từ RCEP đối với doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, RCEP là thị trường lớn với lượng dân số hùng hậu đến từ Trung Quốc, thị trường chiếm 30% GDP toàn cầu (đặc biệt tại Trung Quốc và Nhật Bản) và chiếm 28% thương mại thế giới. Xét về thương mại, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam khi tham gia RCEP.
“Đặc biệt, đây cũng là thị trường không quá khó tính (ngoại trừ Úc, Nhật, New Zealand), có nhu cầu là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản vùng nhiệt đới và thực phẩm chế biến. Đặc điểm của chuỗi sản xuất RCEP là bao trùm cả chuỗi sản xuất gần như hoàn chỉnh của nhiều loại hàng hóa như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến…”, bà Nguyễn Thị Thu Trang (Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI) thông tin.
Tuy nhiên, VCCI cũng cảnh báo, trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…
RCEP là FTA được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2012, tại Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia). Tính tới hết năm 2019, các quốc gia tham gia RCEP có tổng dân số 3,6 tỉ người, với tổng GDP hơn 28.500 tỉ USD - chiếm 32,7% GDP toàn cầu. Khối lượng thương mại của các nước tham gia đạt 11.200 tỉ USD - tương đương 29,5% thương mại toàn cầu. |
THANH THANH (t/h)