Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ.
Dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh.
Tham dự lễ kỷ niệm còn có gần 1.000 đại biểu là cán bộ, đảng viên, công dân tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong diễn văn kỷ niệm, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được 08 lần đón Bác Hồ về thăm, đặc biệt trong lần thăm thứ 7, ngày 02/3/1963, Người đã căn dặn “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
60 năm qua, có thời điểm Vĩnh Phúc hợp nhất với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, rồi lại tách ra tái lập tỉnh, nhưng Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc lúc nào cũng khắc sâu lời dạy của Bác Hồ.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Là tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, cây trồng, làm thủy lợi và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Cùng với quân và dân toàn miền Bắc, quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn xiết chặt đội ngũ trong tư thế "tay cày, tay súng", "tay búa, tay súng", thanh niên "03 sẵn sàng'', phụ nữ ''03 đảm đang" quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội; không ngừng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Tổng kết các cuộc kháng chiến, có hàng chục vạn người con của quê hương Vĩnh Phúc đã tham gia, có gần 16 nghìn liệt sỹ, 1.600 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 500 cán bộ Lão thành cách mạng; và trên 700 cán bộ Tiền khởi nghĩa; có trên 12 nghìn thương, bệnh binh cùng hàng chục vạn người đang được hưởng chính sách người có công với cách mạng. Nhiều tập thể, cá nhân của tỉnh được Đảng và Nhà nước trao tặng, truy tặng huân chương và các danh hiệu cao quý. Trong đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau 26 năm tái lập tỉnh, vùng đất quê hương của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – “cha đẻ” của chủ trương “khoán hộ”, với quan điểm “phải để nông dân làm chủ ruộng đất của mình” đã vươn lên mạnh mẽ không ngừng, đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Từ khi tái lập năm 1997 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn giữ ở mức cao, có năm trên 20%, bình quân giai đoạn 1997 - 2022 đạt 13,27%/năm. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,29% (đứng thứ 9 cả nước). Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh đã phục hồi ấn tượng, tăng trưởng mạnh mẽ, đạt và vượt mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.
Từ một tỉnh thuần nông, với sự năng động, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo trong thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã trở thành một tỉnh công nghiệp – một trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy của cả nước, một địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH.
Tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 93,15%; nông lâm nghiệp, thuỷ sản chỉ còn 6,85%. Thu ngân sách hàng năm tăng nhanh và năm 2022 đạt hơn 40.000 tỉ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước; nhiều năm liền chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội. Công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển, thu hút đầu trở thành điểm sáng của cả nước.
Đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáng sống đang dần hiện hữu. Thị trấn Tam Đảo được công nhận là Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới; Khu danh thắng Tây Thiên, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các sân Golf Tam Đảo, Đầm Vạc, Đại Lải, Thanh Lanh đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện. Những địa danh in dấu chân Bác Hồ về thăm trước đây như Vĩnh Yên, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Phúc Yên nay đều là địa phương phát triển, địa danh đáng sống. Văn hóa, giáo dục được nâng cao vượt bậc, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Trong công cuộc chống dịch bệnh Covid-19 nhiều cam go, thử thách vừa qua, Vĩnh Phúc là địa phương được đánh giá cao về cách làm và hiệu quả, là mô hình để nhiều nơi áp dụng, mặc dù là địa phương đầu tiên trong cả nước ghi nhận ca nhiễm Covid-19, nhưng Vĩnh Phúc không hề nao núng, đã linh hoạt, sáng tạo, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thành công trong phát triển kinh tế đã tác động sâu sắc, tích cực đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người.
Với phương châm “lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, tỉnh đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Vĩnh Phúc coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tri ân các tầng lớp nhân dân, các thế hệ đi trước và quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”.
Những nỗ lực đó đã đem lại kết quả: GRDP bình quân ước đạt 127,9 triệu đồng/người năm 2022, đứng ở vị trí thứ 9 cả nước; tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 1% và kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới.
Vĩnh Phúc luôn nằm trong top đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; nhiều năm liên tục có học sinh đạt Huy chương trong các Kỳ thi Olympic Quốc tế. Hệ thống trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa, thể thao đã và đang được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại.
Với quan điểm xuyên suốt “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, với khát vọng xây dựng con người Vĩnh Phúc có những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời phát huy đặc điểm nổi trội “tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 17 đã ban hành Nghị quyết “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong đó quyết định đầu tư và huy động các nguồn lực cho văn hóa, phấn đấu đầu tư cho văn hóa tối thiểu 02% tổng chi ngân sách năm và dành từ 8 - 10% trên tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh cho phát triển lĩnh vực văn hóa. Nhiều “Làng văn hóa kiểu mẫu” đang được triển khai nhằm xây dựng những làng quê có cơ sở hạ tầng hiện đại, cảnh quan kiến trúc khang trang, người dân có đời sống văn hóa tinh thần phong phú; kinh tế các hộ gia đình phát triển, thu nhập được cải thiện và nâng cao, để làng quê không chỉ là nơi ở mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nơi cân bằng cảm xúc, với môi trường sống trong lành, gần gũi thiên nhiên, với những tập tục, hương ước, quy ước tiến bộ.
Để có được Vĩnh Phúc “giàu có, phồn vinh” như hôm nay, các thế hệ cán bộ, đảng viên trong tỉnh luôn khắc ghi lời dạy thiêng liêng của Bác kính yêu và thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó lấy đổi mới phương thức lãnh đạo và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân làm nòng cốt.
Đặc biệt ở tất cả các nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn đổi mới phương thức lãnh đạo mạnh mẽ theo hướng:
(1). Đổi mới việc ban hành các nghị quyết tập trung vào những yêu cầu cấp bách, những vấn đề khó, vấn đề mới đang là "điểm nghẽn" cần phải tập trung giải quyết. (2). Đổi mới công tác cán bộ bằng việc thu hút, trọng dụng nhân tài, bằng việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm.
(3). Đổi mới trong công tác kiểm tra, giám sát bằng việc tự kiểm tra để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa từ xa không để khuyết điểm nhỏ trở thành khuyết điểm lớn, với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".
Có được những thành tích ấn tượng qua các thời kỳ như trên là sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có sự cố gắng của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, trí tuệ, đồng lòng, nhất trí cao. Nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đã và đang thật sự gương mẫu trong công tác và lối sống, trở thành niềm tin vững chắc cho Nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Những thành tựu ấy đã tạo nên nền tảng vững chắc, là động lực thúc đẩy Vĩnh Phúc phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn mới. Là niềm tự hào để báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày hôm nay.
Đảng ta đã khẳng định, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ đàng hoàng, to đẹp, vững chắc như ngày nay. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được củng cố. Hòa chung vào thế nước đang lên, Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng tốc phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của đất nước.
Để xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh “giàu mạnh, phồn vinh” như mong muốn của Bác, thời gian tới, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh phải thật sự đoàn kết, chung một ý chí, kiên định mục tiêu tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong quá trình phát triển, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, để “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển” và các quyết sách của tỉnh phải nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu mạnh, phồn vinh như lời căn dặn của Bác, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa lời căn dặn của Bác; phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra, quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc thành vùng đất đáng sống, thành địa chỉ đầu tư đáng tin cậy và điểm đến văn hóa, du lịch; cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vĩnh Phúc kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng và 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh.
Biểu dương, chúc mừng những thành tựu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đạt được qua các thời kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Vĩnh Phúc là vùng đất lịch sử, chính trị và văn hóa lâu đời. Xứng đáng với sự quan tâm và tình cảm của Bác Hồ, 60 năm qua, trong đó có hơn 36 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh không ngừng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trước mắt, Vĩnh Phúc cần đánh giá, tổng kết một bước việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu tới giữa nhiệm kỳ; nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu phù hợp, đồng bộ với các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục tìm tòi, đổi mới phương thức, làm chuyển biến thực chất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị nhằm nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò, hiệu quả lãnh đạo của các tổ chức Đảng, vai trò, nhiệm vụ quản lý của các cấp chính quyền. Đổi mới bộ máy hệ thống chính trị thật sự gọn nhẹ, chuyên nghiệp, liên thông gắn với lộ trình số hóa, nâng cao hiệu quả quản trị. Chủ động phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân tiêu biểu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập, làm theo Bác và những lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Vĩnh Phúc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học–công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy cao nhất tiềm năng, các lợi thế, xây dựng Vĩnh Phúc xứng đáng là tỉnh giữ vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tăng cường xây dựng nông thôn mới, đủ tiêu chí và điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa, xã hội; bảo vệ, phát triển toàn diện môi trường sống một cách nhân văn, trên nền tảng các giá trị truyền thống, mang bản sắc của vùng đất và con người Vĩnh Phúc, hài hòa với vùng, với cả nước và sự tiến bộ của thời đại. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, trực tiếp bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh công nghiệp; bảo đảm môi trường sống và sản xuất an toàn, ổn định, thân thiện để thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước vì mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện.
THƯƠNG NGUYỄN
Tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030