/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ án Alibaba: Các bị hại có phải bắt buộc đến Tòa?

Vụ án Alibaba: Các bị hại có phải bắt buộc đến Tòa?

29/12/2022 08:54 |

(LSVN) - Theo Luật sư, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có nghĩa vụ phải tham gia phiên tòa. Vụ án này có rất nhiều người bị hại, về nguyên tắc, Tòa án phải triệu tập tất cả những người bị hại tham dự phiên tòa để trình bày ý kiến, đưa ra yêu cầu và thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng quy định tại Điều 62, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng không yêu cầu một cách tuyệt đối là bị hại vắng mặt thì phiên tòa được mở hay không mà việc có tiến hành xét xử hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí, sự xem xét, cân nhắc của Hội đồng xét xử, quy định này cho phép bị hại được phép vắng mặt tại Tòa và trường hợp vẫn muốn Tòa án tiến hành xét xử bình thường, người bị hại phải làm đơn xin vắng mặt kèm theo yêu cầu, nguyện vọng của mình gửi cho Tòa án trước thời điểm mở phiên tòa.

Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm tại toà.

Theo thông tin, phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi), Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" được đánh giá là phiên tòa "kỷ lục" trong lịch sử tố tụng với số lượng hồ sơ gồm 01 triệu bút lục, đựng trong 140 thùng hồ sơ. Từ ngày 13/12 đến 15/12, đã có hơn 1.700 bị hại được Tòa triệu tập để tham gia xét hỏi liên quan đến 10 dự án.

Theo Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Trần Minh Châu cho biết, quá trình xét xử vụ án, hàng trăm người dân đến Tòa nộp các tài liệu, chứng minh việc đã mua dự án của Công ty Alibaba và đề nghị được tham gia phiên tòa với tư cách người bị hại trong vụ án. Đến sáng ngày 13/12, bộ phận Thư ký Tòa vẫn tiếp tục nhận được đơn tố cáo và chứng cứ kèm theo, đây là các bị hại chưa được cơ quan điều tra xác định.

Với số lượng bị hại trong vụ án lên đến hàng nghìn người, vậy theo quy định pháp luật những người này có cần thiết phải đến Tòa để tham gia tố tụng? Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có nghĩa vụ phải tham gia phiên tòa. Vụ án này có rất nhiều người bị hại, về nguyên tắc, Tòa án phải triệu tập tất cả những người bị hại tham dự phiên tòa để trình bày ý kiến, đưa ra yêu cầu và thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng quy định tại Điều 62, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng không yêu cầu một cách tuyệt đối là bị hại vắng mặt thì phiên tòa được mở hay không mà việc có tiến hành xét xử hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí, sự xem xét, cân nhắc của Hội đồng xét xử. Quy định này cho phép bị hại được phép vắng mặt tại Tòa và trường hợp vẫn muốn Tòa án tiến hành xét xử bình thường, người bị hại phải làm đơn xin vắng mặt kèm theo yêu cầu, nguyện vọng của mình gửi cho Tòa án trước thời điểm mở phiên tòa. Nếu người bị hại vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc chưa xác định được lý do nhưng đã có lời khai trình bày trong quá trình giải quyết vụ án, đã đưa ra yêu cầu cụ thể bằng văn bản trong quá trình điều tra, truy tố, Hội đồng xét xử có thể vẫn quyết định xét xử mà không phải hoãn phiên tòa.

"Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy người bị hại đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt có lý do chính đáng, Tòa án có thể xử vắng mặt người bị hại, nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho họ. Trong trường hợp Tòa án thấy có thể ra bản án, quyết định theo hướng không có lợi cho người bị hại vắng mặt, phải hoãn phiên toà", Luật sư Khuyên nói.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nếu người bị hại đã được triệu tập hợp lệ, không gặp khó khăn, trở ngại đến mức không thế có mặt theo giấy triệu tập được, mà cố tình vắng mặt, Tòa án có quyền xét xử vắng mặt người bị hại, kể cả việc ra bản án, quyết định không có lợi cho họ.

"Vụ án trên có rất nhiều người bị hại, nhiệm vụ của Tòa án là phải triệu tập hợp lệ, đầy đủ tất cả những người bị hại. Khi xét xử cũng phải xem xét có người bị hại nào có yêu cầu xin hoãn phiên tòa hay không và lý do người bị hại đưa ra có chính đáng hay không", Luật sư Đồng cho biết.

Cũng theo Luật sư, trong trường hợp người bị hại có đơn xin hoãn phiên tòa và có lý do chính đáng do trở ngại khách quan, các tài liệu trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để giải quyết quyền lợi của người bị hại, Tòa án có thể hoãn phiên tòa. Còn trường hợp người bị hại vắng mặt nhưng không có lý do chính đáng hoặc không biết là lý do vắng mặt có chính đáng hay không nhưng hồ sơ đã đầy đủ căn cứ để giải quyết quyền lợi cho người bị hại, xét thấy không cần thiết phải hoãn phiên tòa, Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục giải quyết vụ án.

Với những vụ án có nhiều người tham gia tố tụng và quá trình xét xử kéo dài nhiều ngày, Tòa án thường sẽ tiếp tục xét xử, trong thời gian xét xử sẽ tiếp tục triệu tập những người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Họ có thể vắng mặt ở một vài buổi đầu và trong trường hợp cần thiết, Tòa án sẽ triệu tập họ tham gia những buổi xét xử sau. Với những người làm chứng quan trọng mà cố tình vắng mặt, việc vắng mặt có thể ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, Tòa án có thể áp dụng biện pháp dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa để trình bày những nội dung mà họ biết về vụ án. Còn đối với người bị hại, đã triệu tập hợp lệ mà cố tình không đến, Tòa án vẫn xét xử vắng mặt, quyền lợi của họ có thể sẽ không được đảm bảo nếu như họ từ bỏ quyền lợi tố tụng. Bị hại nào dành thời gian tâm huyết theo dõi vụ án, đưa ra yêu cầu đề nghị và yêu cầu thi hành án sớm có thể sẽ được đảm bảo quyền lợi. Người nào từ bỏ không tham gia, không đưa ra yêu cầu, có thể ít có cơ hội được lấy lại tài sản.

TRẦN QUÝ

Vụ đại biểu HĐND Quảng Nam bị tố đánh nữ nhân viên phục vụ golf: Hành vi có dấu hiệu hình sự?

Nguyễn Hoàng Lâm