/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Vụ án lá cần sa (Kỳ 1): Bất ngờ từ hai bao lá mát...

Vụ án lá cần sa (Kỳ 1): Bất ngờ từ hai bao lá mát...

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Việt nghĩ ngợi lung tung, nhìn họ một lần nữa khám lại phòng ở... “Tại sao họ lại chỉ giữ mình? Nếu vì hai bao lá mát thì chính Hải quan Việt Nam cũng từng khám và cho mang lên tàu nữa kia mà?”...

Tàu Bình Minh đến Cảng Hồng Kông khoảng 2 giờ sáng ngày 08/10/1991. Đang ngủ chập chờn, Phạm Việt (tên nhân vật được thay đổi) bừng tỉnh khi nghe loa phóng thanh trên tàu thông báo. Suốt 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, anh ta cảm thấy mệt mỏi. Mặc dù đây là chuyến đi nước ngoài lần thứ tư, nhưng đối với Việt, mỗi một cảng đến là một khám phá mới, nhất là khi được dạo bước trên những đường phố sầm uất và hiện đại, xục sạo mua sắm hàng cho chuyến đi về. Lên boong tàu, Việt phóng tầm mắt ra ngoài cầu Cảng, hàng trăm ngọn đèn sáng trưng trên những con tàu đang neo đậu chờ cập Cảng. Ngọn gió lạnh thổi thốc sau lưng, Việt co ro bước về phòng, vừa đi vừa huýt một điệu sáo vu vơ...

Việt ghé qua phòng anh Phùng là bếp trưởng, định kêu dậy nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Nằm chợp mắt đến 7 giờ sáng, Việt nghe tiếng lao xao trên boong tàu, chạy lên thì biết được Hải quan Hồng Kông có quyết định khám tàu! Chắc là họ có nghi vấn gì đó – Việt nghĩ trong bụng, nhưng yên tâm trở về vị trí Đài trưởng của mình.

Tư liệu báo chí viết về vụ án.

Một tiếng sau, một nhóm nhân viên Hải quan Hồng Kông đi khám chi tiết phòng ở của từng người trên tàu, không bỏ qua một ngóc ngách nào. Họ cấp cho mỗi người một mảnh giấy nhỏ để đi lại làm việc trên tàu. Công việc diễn biến bình thường, không có gì đặc biệt xảy ra. Họ nghỉ giải lao trong phòng ăn khoảng nửa tiếng, đến 10 giờ 30 phút thì tiếp tục khám những nơi còn lại. Bỗng nhiên, được khoảng 10 phút, viên phụ trách khám tàu yêu cầu thuyền trưởng tập hợp tất cả thủy thủ tại nhà ăn, không cho bất kỳ ai đi lại tự do.

Thủy thủ nhìn nhau, lo lắng không biết có chuyện gì? Một nhân viên Hải quan kéo cửa bước vào, nhìn thủy thủ đang ngồi xung quanh bàn ăn rồi đi ra. Mấy phút sau đó, có lệnh gọi Đài trưởng Phạm Việt theo nhân viên Hải quan về phòng ở và bị canh giữ tại đó. Việt hết sức bất ngờ, thậm chí tỏ ra lo sợ vì chưa bao giờ anh ta gặp phải chuyện rắc rối cả. “Hay là chuyện liên quan đến 2 bao lá mát mà ông Trần gửi? Chẳng lẽ họ khám cả phòng để thức ăn dự trữ trên tàu?” – Việt nghĩ ngợi lung tung, nhìn họ một lần nữa khám lại phòng ở... “Tại sao họ lại chỉ giữ mình? Nếu vì hai bao lá mát thì chính Hải quan Việt Nam cũng từng khám và cho mang lên tàu nữa kia mà?”...

Đúng 2 giờ chiều, viên chỉ huy đội khám xét đi cùng một phiên dịch tiếng Việt đi vào phòng, tiến hành hỏi cung ngay:

- Hai bao lá cây trong khu nhà bếp có phải là của ông không?

- Vâng, tôi mang giúp cho một người quen ở TP. Hồ Chí Minh để gửi cho người nhà của họ tại Nhật Bản.

- Ông có biết đó là lá gì không?

Việt ngạc nhiên :

- Thưa ông, người gửi hàng chỉ nói với tôi đó là lá mát, dùng để chữa bệnh gan... Không lẽ...

Người phiên dịch quay sang thông báo cho Việt biết, Hải quan Hồng Kông đã khám xét và phát hiện hai bao lá cần sa được nén chặt trong 2 thùng carton thường dùng để đóng gói mì ăn liền. Lệnh tạm giữ Việt được công bố. Họ hỏi tiếp:

- Ông Phùng liên quan thế nào?

- Thưa, tôi chỉ để nhờ trong kho nhà bếp, anh Phùng không biết gì cả... Mong các ông xét lại... Như các ông thấy, người gửi hàng ghi rõ ngoài bao hàng là “lá mát gửi Trung”...

- Được rồi, mời ông và ông Phùng về trụ sở Hải quan làm việc.

Đến 6 giờ chiều, cả hai bị áp giải về trụ sở Hải quan Cảng. Tại đây, mỗi người một phòng, cách ly nhau. Riêng Việt bị thẩm vấn liên tục cho đến 9 giờ sáng hôm sau thì đưa về đồn cảnh sát (Harbour Police Station). Tại đây, Việt chính thức làm cung để sáng 10/10/1991, cảnh sát đưa Việt đến Pháp viện khu Đông (Eastern Court) để xét xử. Riêng Phùng bếp trưởng được thả về tàu vì không liên quan đến hai bao lá cần sa... Lúc này, Việt coi như mất liên lạc với tàu, không một ai được phép vào thăm. Sáng hôm đó, tòa chưa xét xử được nên đến buổi chiều, Việt được đưa về trung tâm tiếp nhận các phạm nhân chưa thành án (Lai Chi Kok Receiption Centre) địa chỉ tại số 5 Butterfly Vallery Road và mang số thẻ O/NR 2999...

Cho đến ngày 25/10/1991, Việt đã 3 lần đến Pháp viện khu Đông - Hồng Kông để xét xử nhưng điều bị hoãn lại. Ở Việt Nam theo điện báo của tàu Bình Minh về Công ty thì Việt đã bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ vì mang 2 bao lá cần sa nặng 28,95kg. Tất cả mọi người đều sửng sốt trước tin này, nhưng chưa rõ ngọn ngành ra sao?

Riêng ông Văn là cha ruột, mãi đầu tháng 11/1991 mới nhận được thư của Việt viết từ trại Lai Chi Kok. Ông Văn không sao cầm được nước mắt khi đọc được những dòng chữ của con... “Giờ này, ở nhà chắc ba mẹ và 2 em cũng như toàn thể người thân của con đã biết tin con khi tàu hành trình đến Hồng Kong. Hôm nay (25/10/1991), con mới được trại cho viết thư để báo tin cho gia đình hay. Con xin lỗi ba mẹ và người thân vì sự việc đau lòng vừa rồi... Trong lần con về Việt Nam kỳ rồi, con có quen anh Trần ở quận I. Anh ta có hứa giúp đỡ trong công việc làm ăn của con, mà cụ thể anh ấy sẽ gọi điện thoại cho em ruột của anh ấy ở Nhật Bản để chuẩn bị hàng hóa cho con. Cũng lần sau đến chơi, anh ấy nói nhờ con mang giúp hai gói hàng mà anh ta gọi là “lá mát” cho người chú ở Nhật Bản, theo lời anh ta nói là dùng thuốc nam này hợp với bệnh gan của ông chú hơn là thuốc Nhật Bản. Anh ta nói năm nào cũng phải gửi từ 1-2 lần. Vì con tin anh ấy nên nhận lời và mang xuống tàu... Đó là sự việc đúng hoàn toàn như lời con nói, chỉ vì quá tin người nên con đánh mất tất cả, con rất ân hận và đã khóc rất nhiều khi nghĩ đến ba mẹ và hai em ở nhà”...

Suy nghĩ suốt một ngày, ông Văn phân vân chưa biết xử trí như thế nào, sau quyết định đến Phòng tiếp dân Công an TP. Hồ Chí Minh báo cáo lại sự việc. Tại đây, ông Văn viết bản tường trình theo nội dung Văn viết, sau đó ông đến báo cho Phòng tổ chức Công ty ở đường Điện Biên Phủ. Đến cuối buổi chiều, ông quyết định đến gặp Trần là người đã gởi hàng cho con ông...

(Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Vụ án lá cần sa (Kỳ 2): Ông ăn chả, bà ăn nem” sẽ được đăng tải vào ngày 12/7/2020).

PHONG LINH

/ve-si-cho-trung-tuong-hoa-ky-dom-ky-2.html