(LSO) - Việc khởi tố các bị can về tội danh nào cần phải căn cứ vào các hành vi cụ thể của bị can, đối chiếu với cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật để xem hành vi đó thỏa mãn dấu hiệu pháp lý của tội danh nào quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
Liên quan đến vụ việc một số cán bộ Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng nhận tiền để bỏ qua vi phạm ở Vĩnh Phúc, ngày 20/7, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Kim Liên (cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3, Bộ Xây dựng); Nguyễn Thùy Linh (thành viên Đoàn Thanh tra) và Đặng Hải Anh (chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2, thanh tra Bộ Xây dựng) cùng về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim Liên với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên trước đó, ngày 18/6/2019, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam với bà Nguyễn Thị Kim Anh (Trưởng đoàn Thanh tra) cùng hai thành viên là ông Đặng Hải Anh và Nguyễn Thuỳ Linh về tội “Nhận hối lộ”.
Vậy việc chuyển tội danh từ “Nhận hối lộ” sang tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với các bị can trong vụ án này liệu có hợp lý, đúng theo quy định của pháp luật không?
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì tội "Nhận hối lộ" được quy định tại Điều 354 với mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên; người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 355 với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên; người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy thì tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" có khung hình phạt nhẹ hơn tội "Nhận hối lộ".
Việc khởi tố các bị can về tội danh nào cần phải căn cứ vào các hành vi cụ thể của bị can, đối chiếu với cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật để xem hành vi đó thỏa mãn dấu hiệu pháp lý của tội danh nào quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
Về tội "Nhận hối lộ", chủ thể của tội này chỉ có thể là người có chức vụ quyền hạn và với chức vụ, quyền hạn đó của mình thì có thể thực hiện được việc làm hoặc không làm mà người đưa hối lộ yêu cầu. Mặt khách quan của tội nhận hối lộ được đặc trưng bằng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào. Chỉ thông qua thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chủ thể mới có thể nhận lợi ích vật chất để làm hoặc không làm việc mà người đưa hối lộ yêu cầu.
Việc nhận hối lộ có thể được thực hiện trước hoặc thực hiện sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Trong cả hai trường hợp nhận hối lộ đó, chủ thể đều phải thỏa thuận trước với người đưa hối lộ về việc làm hoặc không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Thỏa thuận có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói, bằng văn bản, bằng cách đưa ra các ám hiệu, kí hiệu các bên cùng hiểu hoặc những thỏa thuận ngầm.
Dù được thể hiện dưới hình thức nào thì thỏa thuận đó đều phải thể hiện rõ việc đồng ý làm hoặc không làm một việc cụ thể theo yêu cầu của người đưa hối lộ từ phía người nhận hối lộ. Của hối lộ có thể là bất kỳ lợi ích nào bao gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và lợi ích phi vật chất. Thực tế của hối lộ có thể đem lại lợi ích cho một người khác hoặc tổ chức khác mà không nhất thiết phải chính là người có chức vụ, quyền hạn.
Còn đối với tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", hành vi khách quan của tội này là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội trước hết dựa trên cơ sở chức vụ, quyền hạn có thực của mình và đã vượt ra ngoài phạm vi của chức vụ, quyền hạn đó. Hành vi chiếm đoạt tài sản có thể thực hiện bởi những hình thức như: lạm dụng chức vụ quyền hạn uy hiếp tin thần người khác để chiếm đoạt tài sản, người bị đe dọa vì sợ bị thiệt hại nên phải để cho người có chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ quyền hạn lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản của họ hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác được giao cho người phạm tội trên cơ sở tín nhiệm.
"Với vụ án trên, có thể ban đầu cơ quan công an khởi tố các bị can về hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra cụ thể hơn thì xác định, hành vi các bị can không cấu thành tội "Nhận hối lộ" mà lại cấu thành "Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản" nên mới ra quyết định thay đổi vụ án, thay đổi tội danh đối với các bị can", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.
Trong vụ án này, với động cơ mục đích trục lợi từ các hoạt động thanh tra, các bị can đã lợi dụng chức vụ được giao để thanh tra ngoài đối tượng, phạm vi thanh tra theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tự thu hồ sơ thanh tra tràn lan, đưa ra các lỗi vi phạm, kiến nghị xử lý rất nặng, không có cơ sở đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư, không chấp nhận giải trình của chủ doanh nghiệp, ép chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư phải đưa tiền để được giảm nhẹ hoặc bỏ qua lỗi vi phạm. Mức tiền này do các bị can tự áp đặt. Với thủ đoạn này các bị can đã chiếm đoạt tiền, thu lợi bất chính số tiền nhiều tỉ đồng. Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Ngoài ra, liên quan đến việc các bị can chiếm đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp, theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, hàng chục đơn vị đã đề nghị được trả lại tiền họ đã đưa cho Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng. Vậy việc các cá nhân, doanh nghiệp đã đưa tiền cho Đoàn thanh tra có được coi là hành vi “Đưa hối lộ” không?
Theo Luật sư Cường, đối với tội "Đưa hối lộ" được quy định tại Điều 364 BLHS 2015 thì mặt khách quan của tội này là hành vi đưa lợi ích một cách bất chính cho người có chức vụ, quyền hạn; lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Đối với hành vi đưa hối lộ thì luật quy định những biện pháp khoan hồng, nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự, đó là việc quy định những điều kiện xác định vô tội đối với hành vi đưa hối lộ và những điều kiện miễn TNHS đối với người phạm tội đưa hối lộ tại khoản 7 Điều 364 BLHS.
Cụ thể, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Như vậy, nếu việc đưa hối lộ không xuất phát từ ý muốn của người đưa mà do họ bị ép buộc và họ đã chủ động khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi đưa hối lộ của mình cũng như về hành vi nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn mà không phải chịu bất kỳ một áp lực nào từ người khác thì được coi là không có tội vì tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã bị loại trừ, Luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cũng cho rằng, đề nghị của các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị được lấy lại số tiền đã nộp cho đoàn thanh tra Bộ Xây dựng để được bỏ qua lỗi vi phạm là có căn cứ. Các bị can trong vụ án bị khởi tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Như vậy, việc các cá nhân, tổ chức đưa tiền cho Đoàn Thanh tra ở Vĩnh Phúc không phải là tự nguyện mà là bị “vòi vĩnh”, buộc phải đưa tiền nếu muốn đoàn thanh tra bỏ qua các lỗi vi phạm về trật tự xây dựng… Số tiền đó được xác định là tài sản mà các bị can có được do phạm tội mà có. Những cá nhân, tổ chức đưa tiền có thể được xác định vai trò tham gia tố tụng là bị hại, hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, tịch thu sung vào ngân sách nhà nước đối với vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Còn đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
Điều 48 Bộ luật này cũng quy định: "Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra".
Để có căn cứ xử lý, giải quyết đề nghị của những cá nhân, tổ chức này thì quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác minh, làm rõ nguồn gốc số tiền mà họ đã đưa cho Đoàn Thanh tra ở Vĩnh Phúc và xác định số tiền đó các bị can đã sử dụng chưa, sử dụng như thế nào, hiện đang ở đâu, để truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, tránh các đối tượng có hành vi tẩu tán tài sản. Pháp luật quy định bị cáo chiếm đoạt thì có trách nhiệm phải bồi hoàn lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu. Trường hợp nếu tài sản chiếm đoạt đang được người thứ ba cất giấu, nắm giữ hoặc đang được hưởng lợi thì tài sản đó được xác định là vật chứng và phải thu hồi trả cho chủ sở hữu.
Số tiền mà các bị can đã chiếm đoạt của những cá nhân, tổ chức trong vụ án trên có thể được trả lại cho những cá nhân, tổ chức đó. Tuy nhiên, nếu các cá nhân, tổ chức đó có sai phạm thực tế trong quá trình kinh doanh, sản xuất thì cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh, làm rõ để xử lý vi phạm đó theo quy định pháp luật.
THANH THANH