(LSO) - Sau đấu giá, Dự án Hòa Lân từ “cục nợ xấu” trở thành “cục vàng” bởi vị trí đắc địa khi thị xã Thuận An được nâng cấp lên thành phố. Từ đây, Thiên Phú trở mặt kiện ngân hàng.
Sự thật đã được phơi bày
Mới đây, ngày 14/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản số 3469/CSKT-P10 do Đại tá Nguyễn Văn Long ký, gửi TAND quận 7 trả lời kết quả phối hợp xác minh. Theo đó, văn bản nêu rõ: CQĐT nhận được Công văn 285/TAQ7 ngày 09/6/2020 của TAND quận 7 về việc đề nghị phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ liên quan "Đơn đề nghị rút đơn khởi kiện tại TAND quận 7" ghi ngày 18/5/2020 của ông Sơn và việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên Thiên Phú.
Căn cứ kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự TP. HCM thì "tại hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Thiên Phú do Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cung cấp cho cơ quan cảnh sát điều tra, toàn bộ chữ ký, chữ viết tên "Bùi Thế Sơn" đều không phải do bị can Bùi Thế Sơn ký và viết".
Trước đó, sau khi bị Bộ Công an bắt giữ, ông Bùi Thế Sơn đã có đơn gửi TAND quận 7 xin rút đơn kiện, và đề nghị đình chỉ việc thụ lý vụ án theo quy định pháp luật, đồng thời đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền với ông Nguyễn Văn Tuấn.
Tiếp nhận đơn của ông Sơn, ngày 25/6/2020, Thẩm phán Lê Thị Phơ đã vào trại giam để lấy lời khai đối với ông Bùi Thế Sơn. Trong biên bản lấy lời khai, ông Sơn xác nhận: “Tại thời điểm Thiên Phú khởi kiện, có 2 thành viên góp vốn, tôi là giám đốc (99% vốn điều lệ) và ông Đặng Bình Anh Trọng (kế toán công ty, 1% vốn điều lệ; sau này ông Trọng có đơn tố cáo ông Tuấn dùng giang hồ ép chuyển nhượng cho ông Phú). Sau khi khởi kiện tại TAND quận 7, Công ty Thiên Phú mới bổ nhiệm ông Tuấn làm Phó Giám đốc. Sau đó Công ty thay đổi đại diện ủy quyền cho bà Hà Thị Hồng Quyên tham gia tố tụng tại tòa thay ông Tuấn”. Ông Sơn khẳng định: “Nay tôi xác định tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu rút đơn tại TAND quận 7 và hủy bỏ ủy quyền”.
Trước khi biên bản lấy lời khai được tất cả các bên đọc lại và xác nhận là đúng, điều tra viên Nguyễn Chí Thành (đồng thời là người chứng kiến) xác nhận: “Căn cứ kết quả hỏi cung bị can, Bùi Thế Sơn xác định việc chuyển nhượng vốn góp cho bà Phạm Thị Hường chỉ ký thủ tục trước, chưa thực hiện việc chuyển nhượng theo quy định pháp luật”.
Mặc dù với những bằng chứng rõ ràng trên, nhưng vụ án “thật như đùa” này đã và đang xảy ra nhiều năm liền vẫn chưa có hồi kết.
Theo nội dung vụ việc, năm 2003, Công ty Thiên Phú vay Agribank 305 tỉ đồng và 18.643,3 lượng vàng; tổng dư nợ sau quy đổi là 1.117.689.720.000 đồng. Để bảo đảm khoản vay, Thiên Phú đã dùng Dự án Hòa Lân làm tài sản thế chấp. 15 năm sau, do không trả được nợ, Thiên Phú phải giao Dự án cho Agribank bán đấu giá. Phải trải qua 12 phiên đấu giá mới có 3 doanh nghiệp mua và Kim Oanh trúng đấu giá.
Sau đấu giá, Dự án Hòa Lân từ “cục nợ xấu” trở thành “cục vàng” bởi vị trí đắc địa khi thị xã Thuận An được nâng cấp lên thành phố. Từ đây, Thiên Phú trở mặt kiện ngân hàng.
Sau khiếu nại đòi hủy kết quả đấu giá tới Thanh tra Bộ Tư pháp không thành, Thiên Phú quay sang khởi kiện ra tận... TAND quận 7 TP. HCM. Thiên Phú chỉ cần bỏ ra 1 tỷ “ký quỹ”, đổi lại, ngày 27/02/2019, TAND quận 7 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa Dự án Hòa Lân. Sau gần 1 năm 8 tháng bị phong tỏa, cùng với các cơ hội đầu tư bị mất đi, chỉ tính riêng số vốn 1600 tỉ bị “chôn” vào Dự án, Kim Oanh đã thiệt hại trên 200 tỉ đồng.
Cuộc chơi “1 ăn 200” với thiệt hại ngày càng gia tăng theo hành trình vụ án bị kéo dài khiến Kim Oanh phải làm đơn kêu cứu về nguy cơ bị phá sản.
Từ người giải cứu trở thành nạn nhân của môi trường cạnh tranh không lành mạnh
Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến vụ “mua nợ xấu” đầy ngang trái này.
- Thưa bà, được biết Dự án Hòa Lân được Kim Oanh giải cứu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên đến nay Dự án chưa thể triển khai, khiến cho nguy cơ nợ xấu ngày càng xấu đi, bà có nhận định gì về việc này?.
- Công ty Kim Oanh mua tài sản bán đấu giá theo cơ chế đặc biệt “xử lý nợ xấu” theo chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết 42 của Quốc hội về tham gia chính sách chủ trương xử lý nợ xấu nền kinh tế, giảm nợ xấu hệ thống tài chính (Ngân hàng) nâng năng lực tài chính của doanh nghiệp,... từ đó Công ty Kim Oanh tham gia mua tài sản bán đấu giá từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.
Chúng tôi đã thanh toán tổng số tiền gốc mua tài sản đấu giá hơn 1.353 tỉ đồng và tổng số tiền lãi giãn tiến độ thanh toán là gần 100 tỉ đồng. Công ty Kim Oanh đã chi phí để triển khai thực hiện dự án đầu tư, chi tiền bồi thường cho các hộ dân theo suất tái định cư là 29,8 tỉ đồng, chi tiền mua đất của các hộ dân nằm trong ranh Dự án Hòa Lân để hoàn thiện dự án, với số tiền lên đến gần 50 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi Công ty Kim Oanh trúng đấu giá tài sản là khu đất của Dự án Hòa Lân thì mới được biết Công ty Thiên Phú cho rất nhiều hộ dân kinh doanh lấn chiếm trên phần đất của Dự án lâu ngày, không chịu di dời để trả lại mặt bằng. Công ty Kim Oanh phải tự bỏ chi phí để di dời các hộ dân này ra khỏi khu đất Dự án.
Tài sản Công ty Kim Oanh trúng đấu giá vẫn chưa xác định được ranh đất Dự án trên thực địa, mãi đến tháng 5/2018, Công ty Kim Oanh phải tự bỏ chi phí để ký hợp đồng đo đạc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương tiến hành đo đạc xong và có biên bản xác định ranh đất của Dự án và có sự chênh lệch giữa diện tích trên sổ sách và thực tế, theo đó diện tích đất trên thực tế ít hơn sổ sách 8.452m2.
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Dự án còn nợ thuế (Công ty Thiên Phú không thực hiện nghĩa vụ thuế) và giao cho Cục Thuế tỉnh Bình Dương tính toán lại để chủ đầu tư nộp. Đến tháng 7/2018, Cục Thuế tỉnh Bình Dương mới tính toán xong và thông báo cho chủ đầu tư nộp. Theo đó, Công ty Kim Oanh đã tự ứng tiền để nộp thay cho Công ty Thiên Phú trong tháng 8/2018 nhằm hoàn thành nghĩa vụ đối với cơ quan Nhà nước.
Tổng số tiền Công ty Kim Oanh đã đầu tư vào Khu đất Dự án tính đến nay đã hơn 1.600 tỉ đồng. Thế nhưng, sau khi mua đấu giá thành công, một số cá nhân đã liên tiếp có các hành vi cản trở, làm đơn yêu cầu thanh tra, tố cáo chúng tôi một cách vô căn cứ.
Ngày 24/12/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Kết luận thanh tra số 62/KL-TTR kết luận nội dung tố cáo trong đơn nặc danh là không có cơ sở; việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá, hoạt động mua lại tài sản bán đấu giá của Công ty Kim Oanh không có vi phạm pháp luật. Kết luận này một lần nữa được tái khẳng định trong Báo cáo số 91/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 09/3/2019.
- Được biết, vụ khiếu kiện đã được Thanh tra Bộ Tư pháp, là cơ quan đầu ngành trong việc mua bán đấu giá tài sản xử lý, và đã có kết luận rõ ràng, tại sao đến bây giờ Tòa án nhân dân quận 7 vẫn chưa giải quyết xong, thưa bà?.
- Sau khi Thanh tra kết luận nội dung tố cáo không có cơ sở thì ngày 14/02/2019 Công ty Thiên Phú đã nộp đơn khởi kiện vô căn cứ đến Tòa án nhân dân quận 7 và bằng cách nào đó yêu cầu được Tòa án quận 7 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa và ngăn chặn toàn bộ tài sản chúng tôi đã bỏ ra mua Dự án với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng. Tài sản bị phong tỏa khiến cho tất cả các thủ tục liên quan đến Dự án bị chặn lại không thể đầu tư kinh doanh. Thiệt hại của Công ty Kim Oanh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân quận 7 tính đến nay đã gần 02 năm là rất lớn.
Biểu hiện của hàng loạt hoạt động chống phá chúng tôi còn được thể hiện rất rõ ở chỗ sau khi chúng tôi mua đấu giá, có thông tin cho rằng Công ty Thiên Phú đang vướng vào các nghĩa vụ phải trả tiền cho các cá nhân, nhóm người khác, nếu không thực hiện việc cản trở, ngăn chặn Dự án của chúng tôi thì họ sẽ chịu nghĩa vụ trả tiền cho các đối tượng này. Nhiều sự kiện mang tính chất đe dọa, có sự can thiệp của thế lực xã hội đen đã xảy ra với các cá nhân, tổ chức có liên quan đến Dự án Khu dân cư Hòa Lân.
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái luật của Tòa án quận 7, TP. HCM đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Kim Oanh. Công ty Kim Oanh không phải là đơn vị có tranh chấp tài sản với Công ty Thiên Phú; Công ty Kim Oanh chỉ là bên trúng đấu giá và mua được tài sản từ cuộc bán đấu giá được tổ chức công khai, hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này thì khoản 2 Điều 133 BLDS quy định: Người thứ 3 ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá tài sản tại tổ chức có thẩm quyền không bị vô hiệu. Căn cứ các quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Công ty Kim Oanh là người thứ 3 ngay tình mua tài sản thông qua tổ chức bán đấu giá phải được pháp luật bảo vệ cho dù giao dịch giữa Công ty Thiên Phú và Agribank hay Agribank và Công ty Đấu giá nếu có vô hiệu thì các bên Công ty Thiên Phú, Agribank, Công ty Đấu giá tự giải quyết bồi thường lẫn nhau chứ không có quyền hủy Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 01/7/2017.
Tỉnh Bình Dương vào cuộc xử lý, nhưng liệu có dứt điểm? Ngày 15/9/2020, Chủ tịch UBND Bình Dương Trần Thanh Liêm có Văn bản 4538/UBND-KT phúc đáp nội dung đơn phản ánh kiến nghị của Kim Oanh về một số dự án tại địa phương này. Theo văn bản của tỉnh Bình Dương, đối với Dự án Hòa Lân, qua phân tích và đối chiếu với quy định pháp luật, UBND tỉnh Bình Dương chưa xem xét việc chuyển đổi chủ đầu tư Dự án Hòa Lân. Sau khi bán đấu giá, Kim Oanh có nộp hồ sơ xin chuyển đổi chủ đầu tư, UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu. UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo TAND quận 7 đẩy nhanh việc xét xử làm cơ sở để UBND tỉnh Bình Dương hướng dẫn Kim Oanh thực hiện hiện thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư theo đúng quy định. |
PV