Ảnh tại hiện trường vụ việc.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Phú Thọ, cơ quan này đang điều tra sự cố xảy ra ở khu vực lò hơi của Công ty TNHH Miwon Việt Nam khiến 4 người tử nạn và một người đang cấp cứu.
Được biết, sự cố xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 18/7. Lúc này, Công ty TNHH Miwon Việt Nam thuê một đơn vị môi trường độc lập ở Hà Nội đến vệ sinh hố gas vi sinh. Trong quá trình vệ sinh, 2 công nhân của công ty môi trường này bị ngạt khí và đã hô hoán. Nghe thấy tiếng kêu cứu, 3 công nhân thuộc bộ phận lò hơi đang làm việc gần đó đã đến và nhảy xuống ứng cứu. Tuy nhiên, cả 5 người đều bị ngạt khí, ngất đi. Phía doanh nghiệp sau đó đã gọi điện báo cho lực lượng chức năng để ứng cứu. Tuy nhiên, 3 người được xác định tử vong tại chỗ, một người tử vong tại bệnh viện.
Trước sự việc nêu trên, dư luận lại một lần nữa phải đặt ra câu hỏi tại sao các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mỗi năm đều được kiểm tra về an toàn lao động nhưng tai nạn vẫn xảy ra, trách nhiệm trong các vụ việc thuộc về ai? Nạn nhân có được bồi thương không và mức bồi thường được xác định như thế nào?
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS cho biết, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Do đó, nếu các cơ quan chức năng xác định được những nạn nhân trong vụ nổ lò hơi thuộc trường hợp tai nạn lao động thì theo quy định tại Điều 38 Luật này, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường đối với người lao động bị tai nạn lao động dù cho lỗi thuộc về bên nào. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ có trách nhiệm trợ cấp tùy theo đối tượng được quy định. Trong trường hợp xác định định được có lỗi do người sử dụng lao động không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn lao động thì một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan có chức năng quản lý, giám sát trên địa bàn xảy ra vụ việc.
Ngoài ra, theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì phải có kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến yếu tố lỗi, mức độ suy giảm khả năng lao động, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động mới xác định chính xác được mức bồi thường.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
(i) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
(ii) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng. Trường hợp người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định tại Điều 45 Luật này thì sẽ được trợ cấp tùy theo suy giảm khả năng lao động. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Cách tính được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.
Đối với người lao động chết do tai nạn lao động, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Luật sư Hùng cho biết thêm, đối với những trường hợp để xảy ra vi phạm an toàn lao động phải được các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người".
Theo đó, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả của hành vi thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
PV