/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Đồng Nai: Có thể khởi tố về nhiều tội danh đối với hàng loạt bị can

Vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Đồng Nai: Có thể khởi tố về nhiều tội danh đối với hàng loạt bị can

02/06/2023 19:28 |

(LSVN) – Theo Luật sư, trong vụ trục lợi bảo hiểm xã hội ở Đồng Nai, có thể sẽ có rất nhiều đối tượng bị xử lý về tội “Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự. Việc sử dụng giấy khám sức khỏe, các giấy tờ giả do cơ sở y tế cấp để thực hiện hành vi nhận tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trái quy định pháp luật là hành vi sử dụng tài liệu giả. Do đó, người thực hiện hành vi này có thể đối mặt với hình phạt cao nhất tới 07 năm tù.


Công an khám xét Phòng khám tại Đồng Nai.

Tạm giữ hình sự 18 đối tượng trong vụ trục lợi tiền bảo hiểm

Ngày 02/6, Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, liên quan đến vụ trục lợi tiền bảo hiểm tại các phòng khám ở thành phố Biên Hòa, Cơ quan Công an đã ra quyết định tạm giữ hình sự 18 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trong số 18 đối tượng bị tạm giữ có 5 bác sĩ (trong đó, 3 bác sĩ là Trưởng các phòng khám: Đa khoa Long Bình Tân, đa khoa Tân Long và đa khoa Hiền Phước; 1 bác sĩ là Phó trưởng Phòng khám đa khoa Tam Đức; 1 bác sĩ chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức). 13 đối tượng còn lại là dược sĩ, nhân viên y tế và môi giới để làm giả các loại giấy tờ liên quan.

Trước đó, sáng 30/5, Công an thành phố Biên Hòa phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt khám xét 8 địa điểm (trong đó có 6 phòng khám đa khoa tư nhân) trên địa bàn thành phố.

Quá trình khám xét tại các phòng khám, địa điểm liên quan, lực lượng Công an đã phát hiện và thu giữ hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng bảo hiểm xã hội; hơn 400 giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám. Ngoài ra, để phục vụ công tác điều tra, lực lượng chức năng cũng thu giữ 100 thùng tài liệu, hơn 40 CPU máy vi tính, điện thoại di động và các tài liệu, tang vật có liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh tại các phòng khám này.

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định, các đối tượng trên đã làm giả các loại giấy tờ bán cho công nhân, người lao động tại các công ty trên địa bàn để quyết toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Các đối tượng còn lập hồ sơ rút tiền bảo hiểm y tế đối với công nhân (trên thực tế công nhân không bị bệnh và cũng không đi khám nhưng các phòng khám vẫn được hưởng tiền khám, chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế). Việc làm này đã làm thất thoát ngân sách nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Cơ quan Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án và xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể khởi tố về nhiều tội danh với nhiều bị can

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, đây là vụ trục lợi bảo hiểm lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, có nhiều tổ chức cá nhân cùng tham gia nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi và xem xét các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Với những hành vi cấp giấy tờ giả, các giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe, hồ sơ bệnh án không đúng quy định của pháp luật về khám chữa bệnh thì đây là hành vi giả mạo trong công tác đối với những người có chức vụ quyền hạn ở trong phòng khám, các cơ sở y tế. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 359 Bộ luật Hình sự về tội “Giả mạo trong công tác.

Tội “Giả mạo trong công tác là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm về chức vụ quyền hạn. Người thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ quyền hạn như các cán bộ nhân viên phòng khám, bệnh viện, những người có chức vụ hoặc có quyền hạn trong việc thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Mức hình phạt thấp nhất của tội danh này là 01 năm tù và mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tùy thuộc vào tính chất của vụ việc và số lượng giấy tờ giả mà người phạm tội đã thực hiện.

Đối với những người không có chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi làm giả tài liệu, giả con dấu của cơ quan tổ chức thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự với chế tài cao nhất tới 07 năm tù (nếu làm ra từ 06 tài liệu con dấu trở lên).

Tội danh này là tội ghép bao gồm hai hành vi là hành vi "làm giả" và hành vi "sử dụng tài liệu, con dấu giả". Tội danh này áp dụng với bất kỳ ai nếu như có hành vi làm giả tài liệu; làm giả con dấu của cơ quan tổ chức hoặc có hành vi biết là giấy tờ tài liệu giả nhưng vẫn sử dụng để thực hiện mục đích trái pháp luật.

Theo Luật sư Cường, trong vụ án này có thể sẽ có rất nhiều đối tượng bị xử lý về tội danh này. Việc sử dụng giấy khám sức khỏe, các giấy tờ giả do cơ sở y tế cấp để thực hiện hành vi nhận tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trái quy định pháp luật là hành vi sử dụng tài liệu giả. Do đó, người thực hiện hành vi này có thể đối mặt với hình phạt cao nhất tới 07 năm tù.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (nếu có). Những hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Đối với người có chức vụ quyền hạn nhưng vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.

DUY ANH

Bàn về chế định án treo: Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Bùi Thị Thanh Loan