/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vướng mắc, bất cập khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015

Vướng mắc, bất cập khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015

13/02/2023 08:15 |

(LSVN) - Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật ưu đãi đối với người có công với đất nước, trong đó nổi bật nhất là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm tri ân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và thân nhân của họ. Tuy nhiên việc áp dụng trường hợp này như là một tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội trong vụ án hình sự như hiện nay còn có nhiều bất cập.

Ảnh minh họa.

Vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, còn chưa có sự thống nhất giữa quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) với các văn bản có liên quan về đối tượng được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm x, khoản 1 Điều 51 BLHS cụ thể như sau:

Theo điểm x, khoản 1, Điều 51 BLHS quy định đối tượng được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ”. Như vậy có thể hiểu người phạm tội khi là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ này vì là thân nhân của liệt sĩ.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội quy định thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm “Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ". Như vậy ngoài các đối tượng được quy định tại điểm x, khoản 1 Điều 51 BLHS còn một đối tượng khác được pháp lệnh quy định là thân nhân của người có công là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

Theo quan điểm của tác giả việc chưa cho người trực tiếp nuôi dưỡng liệt sĩ được hưởng tình tiết giảm nhẹ này là chưa hợp lý và chưa đáp ứng được chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ hai, việc cho người phạm tội được hưởng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm x, khoản 1, Điều 51 BLHS theo quan điểm của tác giả là chưa hợp lý. 

Trên thực tế có những bị cáo phạm tội nhiều lần, đã bị xét xử với nhiều bản án khác nhau nhưng đều được hưởng tình tiết này, đối chiếu với tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 51 BLHS là: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” khi người phạm thuộc trường hợp trên thì hình phạt đối với họ sẽ được giảm nhẹ hơn so với người đã phạm tội nhiều lần, đã bị kết án trước đây.

Theo quan điểm của tác giả, Hội đồng xét xử chỉ nên áp dụng tình tiết này một lần duy nhất tại một bản án đầu tiên đối với người phạm tội giống như áp dụng tình tiết quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 51 BLHS là hợp lý hơn vì việc được hưởng tình tiết giảm nhẹ này không xuất phát từ bản thân của chính bị cáo (VD: Người phạm tội tự thú, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả…) mà xuất phát từ công lao, đóng góp của thân nhân của bị cáo. Do đó việc chỉ ghi nhận một lần tình tiết giảm nhẹ này vừa để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, vừa để răn đe những người phạm tội và bảo đảm tính nghiêm minh của xã hội, đồng thời thể hiện sự trân trọng các đóng góp mà người có công được hưởng. Việc chỉ dùng thành tích của người có công để làm tình tiết giảm nhẹ quá nhiều lần thể hiện sự coi thường pháp luật và tạo tâm lý lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để phạm tội.

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất kiến nghị bổ sung đối tượng “người trực tiếp nuôi dưỡng liệt sĩ” vào là đối tượng được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm x, khoản 1, Điều 51 BLHS.

Thứ hai kiến nghị sửa quy định tại điểm x, khoản 1 Điều 51 BLHS theo hướng với trường hợp bị cáo bị kết án nhiều lần với nhiều bản án khác nhau mà bị cáo là thân nhân của người có công với cách mạng, liệt sĩ thì Hội đồng xét xử chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v, khoản 1 Điều 51 BLHS một lần đầu, nếu có căn cứ cho rằng đã bị áp dụng nhiều lần thì không áp dụng.

NGUYỄN HỮU ĐỨC

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1

Luật sư cần giữ hòa khí khi giải quyết tranh chấp với đồng nghiệp

Bùi Thị Thanh Loan