LSVNO - Trong suốt những năm qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ khá cao so với khu vực. Các đô thị có quy mô lớn phải trăn trở với việc quản lý tốt công tác quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị; cung cấp hiệu quả nhất các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên về đất đai và giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường...
Chính quyền TP.HCM đang tích cực triển khai công tác thực hiện đề án đô thị thông minh nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Mới đây, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học về “Xây dựng đô thị thông minh - chính quyền đô thị”. Theo đó, đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là xây dựng hoàn thiện - bền vững ít nhất 3 đô thị thông minh ở nước ta, trước năm 2025.
Đô thị thông minh đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng dựa trên công nghệ thông tin, viễn thông và nhiều yếu tố khác. Theo TS. Nguyễn Việt Hải (Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam), việc xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi phải có những hệ thống đồng bộ, kết nối quản trị đô thị theo từng lĩnh vực một cách thông minh. TS. Nguyễn Việt Hải còn nhấn mạnh: "Hạ tầng thông tin nói chung cần nhấn mạnh vào 2 vấn đề. Thứ nhất là tiêu chuẩn, thứ hai là kiến trúc. Tiêu chuẩn và kiến trúc sẽ giúp xây dựng thành phố thông minh một cách có quy hoạch. Chúng ta sẽ đưa những vấn đề liên quan đến an ninh bảo mật ngay vào trong thiết kế, ngay vào trong vận hành, chúng ta có ngay từ đầu nó sẽ tốt hơn rất nhiều".
Vì vậy, đây chính là sự khởi đầu cho một hành lang pháp lý thông thoáng, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc xây dựng các đô thị thông minh - chính quyền đô thị. Đề án yêu cầu các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, xem xét cải tiến, bãi bỏ các thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà, bãi bỏ nạn giấy tờ bàn giấy, tăng cường ứng dụng công cụ hỗ trợ - công nghệ tin học vào mọi hoạt động công quyền. Hạn chế, tiến tới bãi bỏ nạn gửi thư mời họp qua bưu chính, tăng cường các cuộc hội họp trực tuyến, giảm tốn kém đi lại, mất thời gian. Gọn nhẹ bộ máy hành chính, tinh giản biên chế tổ chức… Đô thị thông minh, chính quyền đô thị thật sự được xây dựng và đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải bắt đầu từ những công việc - cuộc cải biến cách mạng như vừa nêu.
Hiện nay, xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trong cả nước, với nhiều tác động khác nhau trên mọi lĩnh vực. Quản lý đô thị cần sự thay đổi, thích ứng trong việc hình thành và hoạt động hiệu lực, hiệu quả của những chính quyền đô thị. Cần thấy rằng, xây dựng đô thị thông minh là một xu thế tất yếu của kỷ nguyên số - bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là sự lựa chọn mang tính tự nguyện, đồng thời cũng mang tính bắt buộc, nếu không muốn chấp nhận sự tụt hậu, đứng bên lề sự phát triển. Xây dựng đô thị thông minh, nói cách khác là xây dựng mô hình quản lý chính quyền đô thị, chính quyền điện tử đang là đòi hỏi bức xúc xuất phát từ cuộc sống.
Hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể khái niệm chính quyền đô thị. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu chính quyền đô thị là bộ máy quản lý các vấn đề trên địa bàn lãnh thổ đô thị; là chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các vấn đề trên địa bàn có tính phù hợp với những đặc thù kinh tế - xã hội của đô thị. Quản lý Nhà nước ở đô thị có những tính chất, đặc điểm riêng, như mang tính tập trung cao; có tính đa dạng, phức tạp; đòi hỏi quản lý theo ngành là chủ yếu; quản lý theo quy hoạch; cơ quan hành chính của chính quyền đô thị số đông áp dụng chế độ thủ trưởng hành chính; việc quản lý thực hiện thống nhất, đồng bộ, nhanh nhạy, điều hành bởi chủ thể tạo ra sự liên kết phối hợp và tập trung.
Tại miền Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương đã đăng ký Đề án hướng tới xây dựng đô thị văn minh - chính quyền đô thị, theo đó tỉnh Bình Dương đến năm 2021, tầm nhìn 2030, từ tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ, theo mô hình liên kết “ba nhà” - Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào mô hình quản lý đô thị, lấy con người làm trung tâm, đô thị có môi trường sống thân thiện. Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đã và đang xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh - xây dựng chính quyền đô thị năng động, hiệu quả, đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Đô thị thông minh được hiểu là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền, sử dụng hiệu quả các nguồn lực năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Thành phố thông minh xây dựng môi trường sống lấy người dân làm trung tâm, bằng việc kết nối giữa đô thị và người dân trên các nền tảng số, cung cấp các giải pháp dịch vụ, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc do đô thị hóa mang lại.
Đoàn tàu công nghiệp 4.0 vun vút lao về phía trước. Không có ai đứng bên ngoài đoàn tàu 4.0, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng. Hãy kịp thời gia nhập đoàn quân của tri thức và công nghệ, mạnh mẽ hướng tới tương lai - Đô thị văn minh - Rạng rỡ, huy hoàng.
Minh Sơn