Ảnh minh họa.
Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân nêu rõ dãy số này gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Theo đó, 12 con số này đều có ý nghĩa riêng, cụ thể:
Ba chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh. Ví dụ: TP. Hà Nội là 001, Hải Phòng có mã 031, TP. HCM là 079,...
Một chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân. Cụ thể, mã thế kỷ và mã giới tính được quy ước như sau:
- Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;
- Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;
- Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;
- Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;
- Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.
Hai chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân, được thể hiện bằng hai số cuối năm sinh của công dân. Chẳng hạn, công dân sinh năm 1998 thì mã năm sinh của công dân sẽ là 98.
Sáu chữ số tiếp theo là khoảng số ngẫu nhiên (012345; 999999...).
Như vậy, khi nhìn vào số thẻ căn cước công dân của một người sẽ biết được ba thông tin của người đó, gồm: nơi công dân đăng ký khai sinh, giới tính và năm sinh.
Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, từ ngày 01/7/2021, Bộ Công an đã tổ chức vận hành chính thức hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và đã trả hơn 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân.
Cũng theo Bộ Công an, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần,…
VĂN QUANG