(LSO) - Nghề luật sư được luật hóa trở thành nghề “độc lập tương đối, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư Việt Nam”.
Ngày 05 tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1072/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội, bảo đảm ngày càng có nhiều luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và quốc tế.
Về quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển: Trong chiến lược nêu 5 nội dung cơ bản, đến nay đã thực hiện được đó là: Đội ngũ luật sư đã phát triển về số lượng (đến năm 2020 có từ 18.000 đến 20.000 luật sư) thì hiện nay đã có 14.375 luật sư hoạt động tại trên 2.000 tổ chức hành nghề luật sư (tính đến tháng 7 năm 2020). Hướng chuyên nghiệp hóa đã được nhiều tổ chức hành nghề luật sư quan tâm, xây dựng bằng các tiêu chí cụ thể, thiết thực, đáp ứng được nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao, thực hiện chức năng xã hội và trách nhiệm của luật sư đối với cộng đồng đã được đề cao, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả. Đến nay đã có một số lĩnh vực hành nghề luật sư chuyên sâu, độ bền vững của nghề luật sư ngày càng được khẳng định góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ những luật sư và người tập sự hành nghề luật sư.
Nghề luật sư được luật hóa trở thành nghề “độc lập tương đối, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư Việt Nam”. Đó cũng là đề cao vai trò tự chủ của luật sư và tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Hướng lấy bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề là gốc của nghề luật sư ở Việt Nam. Xuất phát từ hoạt động độc lập tương đối, từ tính tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp thì càng phải phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư.
Để thực hiện mục tiêu bổ sung nguồn cho các chức danh tư pháp và chức danh quản lý Nhà nước từ đội ngũ luật sư giỏi, có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức phải tiến hành tốt việc quản lý luật sư và đánh giá chất lượng luật sư. Từ thẩm định kết nạp (đầu vào) của luật sư phải làm tốt từ khâu chọn nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành. Thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc thể hiện như:
1. Lãnh đạo, quản lý luật sư là việc làm khó nhất trong các loại hình lãnh đạo quản lý trong xã hội bởi lãnh đạo, quản lý luật sư không tiến hành đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, điều động luật sư mà hoàn toàn là việc làm nêu gương, lấy uy tín làm trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ luật sư. Việc đánh giá luật sư cũng vậy, chưa có tiêu chí, giải pháp cụ thể nên đánh giá luật sư mới chỉ là cảm tính.
2. Việc hành nghề luật sư chưa phổ biến tính chuyên nghiệp, một số lĩnh vực chưa chuyên sâu, thậm chí còn một lực lượng luật sư hành nghề chưa chuyên tâm nên chất lượng còn hạn chế.
3. Tổ chức hành nghề luật sư vẫn còn nhỏ, ít thành viên, chưa tự khẳng định được chính mình trong nghề cao quý nên chưa nâng cao được vị thế của luật sư.
4. Cơ chế lãnh đạo của Đảng trong tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cụ thể là “lãnh đạo tự quản” với lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt được thực hiện thế nào chưa được làm rõ…
Để tiếp tục phát triển nghề luật sư trong giai đoạn cách mạng mới ở Việt Nam, chúng ta phải xác định: Nghề luật sư là nghề chiến lược, nghề mũi nhọn bởi sự tác động đến mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức và mỗi các nhân. Chính vì vậy Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp hãy sử dụng luật sư vào các công việc của chính quyền và giao nhiệm vụ cho luật sư giúp Đảng, chính quyền trong những công việc trung tâm, nếu làm được như vậy thì luật sư sẽ góp phần trực tiếp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tăng hệ số ủng hộ ngày càng cao của luật sư. Nghiên cứu thiết chế tổ chức xã hội – nghề nghiệp, toàn quốc có Hội đồng Luật sư toàn quốc, đại diện là Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên có Hội đồng Luật sư tỉnh (thành) đại diện là Chủ tịch Hội đồng luật sư tỉnh (thành) và con dấu pháp lý của các đoàn luật sư được đổi thành Hội đồng Luật sư tỉnh (thành). Có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc.
Phía trước chúng ta còn vô vàn khó khăn, phức tạp, nhưng nghề luật sư sẽ dần được khẳng định và phát triển bền vững, mỗi đoàn luật sư phải thực sự quyết liệt trong kế hoạch xây dựng củng cố và phát triển đội ngũ luật sư của mình tạo nên sự kết nối bao trùm chính là góp phần xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam vững mạnh.
Luật sư LÊ ĐỨC BÍNH Bí thư Đảng ủy Đoàn Luật sư TP. Hà Nội |