Ngày này cách đây tròn 80 năm, 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Tổ quốc qua cột mốc 108 (thuộc xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tám thập kỷ đã qua, mốc 108 (nằm sát cột mốc quốc giới 675 trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc) đã trở thành dấu mốc lịch sử, đánh dấu sự mở đầu cho trang sử mới của cách mạng Việt Nam.
Mùa Xuân đang đến, núi rừng Pác Bó tươi tắn với những triền đào khoe sắc trải dài. Khuổi Nậm vẫn rì rào chảy như một dải lụa mềm xanh màu ngọc bích. Con đường độc đạo với những phiến đá rêu xanh ẩn trong sương mù bảng lảng dẫn lên Mốc 108, được dựng theo Hiệp ước Pháp - Thanh cuối thế kỉ 19 và là một trong 314 cột mốc dùng để phân định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc vào thời điểm đó.
Sau 30 năm bôn ba qua gần 30 quốc gia, lãnh thổ để tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Bác trở về, dừng chân bên cột mốc biên giới 108. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là nơi Bác chọn dừng chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc là Pác Bó - nơi đầu nguồn một dòng suối thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sát biên giới Việt - Trung. Bác về Pác Bó đúng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, một ngày xuân khởi đầu cho những mùa xuân mới của dân tộc.
Người dân Pác Bó khi đó rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng không sợ hiểm nguy, cùng nhau bí mật nuôi dấu cán bộ cách mạng. Nơi Bác đến nghỉ chân đầu tiên là nhà ông Lý Quốc Sùng (còn gọi là ông Máy Lỳ), dân tộc Nùng - một cơ sở cách mạng của ta. Sau đó ít ngày, bà con đã bố trí Bác ở tại hang Cốc Bó để đảm bảo an toàn.
Hàng ngày, Bác thường ngồi làm việc bên con suối, được Bác đặt tên là suối Lê Nin, tối lại trở về nghỉ ngơi trong hang Cốc Bó. Sau đó, Bác tiếp tục chuyển đến hang Lũng Lạn gần đó, chỗ ngủ không ván, không chiếu mà chỉ có lá cây rừng trải xuống đất để nằm và đến cuối tháng 3/1941, do địch lùng sục gắt gao, Người rời sang lán Khuổi Nậm (cách hang Cốc Bó khoảng 1km).
Tháng 5/1941, Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh)… Trong tâm trí những người dân nơi đây, Bác Hồ thường mặc một bộ quần áo màu chàm, đi giầy vải như một ông ké địa phương, luôn quan tâm, ân cần hỏi han công việc, đời sống, sức khỏe từ người già đến trẻ nhỏ. Cuộc sống thiếu thốn, kham khổ, bữa ăn hàng ngày chỉ “cháo bẹ, rau măng” nhưng Người luôn vui vẻ, lạc quan, tin tưởng vào sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Cách mạng thành công, tháng 2/1961 Bác mới có dịp trở lại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và có buổi nói chuyện thân mật với đồng bào các dân tộc nơi đây.
Ông Quán Chí Khàng, một người dân xóm Trường Hà có vinh dự được gặp Bác, bồi hồi nhớ lại, năm Bác về thăm, thì lúc đó ông khoảng 17 tuổi. Trong kí ức của ông, lúc nghe tin Bác về thăm ai cũng vui mừng, phấn khởi, háo hức, mong gặp Bác : "Về tình cảm thì giữa nhân dân Pác Bó với Bác đã keo sơn từ ngày Bác về đây hoạt động rồi, Bác với dân như người cùng xóm cùng làng. Nên Bác vẫn nói là bà con gọi tôi thì cứ gọi ông Ké là được rồi. Nhân dân chúng tôi rất tự hào, điều này chúng tôi sẽ không bao giờ quên đâu. Nhân dân Pác Bó chúng tôi sẽ cố gắng học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, như những ngày Bác ở đây mà bà con vẫn gọi là già Thu".
Trong căn nhà nhỏ của ông Khàng, cũng như hầu hết người dân xóm Pác Bó đều có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở nơi trang trọng nhất. Nhớ Bác, làm theo lời căn dặn của Người, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng bản làng giàu đẹp.
Ông Nông Thanh Bằng, Bí thư Chi Bộ, Trưởng xóm Pác Bó kể, sau khi làm lễ tang Bác Hồ năm 1969, ở xóm Pác Bó nhà nào cũng có bàn thờ Bác và một năm thường sẽ thắp hương, cúng Bác 3 lần. Lần thứ nhất là ngày sinh nhật Bác, thứ nữa là ngày Bác mất và ngày Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc. Cúng thì có hương hoa, mâm lễ, hoa quả, bánh kẹo… không khác gì so với cúng gia tiên.
Ơn Bác, nhớ Bác… tròn 80 năm qua người dân xóm Pác Bó và đồng bào các dân tộc Cao Bằng luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no như lời dạy của Người; cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn những di tích gắn với một chặng đường hoạt động cách mạng của Bác trên quê hương Cao Bằng.
Ông Nông Thanh Bằng cho biết thêm, qua 80 năm phải nói những nơi di tích gốc này bà con rất tâm huyết, luôn bảo vệ giữ gìn nguyên trạng. Với Mốc 108 đã có Ban Quản lý di tích và Bộ đội Biên phòng quản lý, nhưng xóm vẫn có một tổ thường xuyên phối hợp tuần tra, phát dọn. Còn riêng Suối Lê Nin xóm Pác Bó có quy ước bảo vệ, hàng tuần sẽ tổ chức ít nhất 1 buổi làm vệ sinh, dọn rác, quét dọn đường làng ngõ xóm.
Bóng hình Bác sẽ mãi còn đó với núi rừng, nước non và mãi ở trong lòng các thế hệ những người dân Pác Bó. Và những cái tên Khuổi Nậm, Hang Cốc Bó, Núi Các Mác, Suối Lê Nin… gắn với tên tuổi, sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là niềm tự hào đối với dân tộc Việt Nam nói chung và những người dân Pác Bó nói riêng.
CÔNG LUẬN/VOV