Ảnh minh họa.
Căn cứ theo khoản 2, Điều 102, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”.
Như vậy, chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án là Người mua được tài sản bán đấu giá hoặc Chấp hành viên. Bởi Người phải thi hành án là người có tài sản bị cưỡng chế kê biên để thi hành án nên đã bị mất quyền là người có tài sản bán đấu giá, mất quyền là bên bán trong giao dịch bán đấu giá tài sản thi hành án.
Ngoài ra, đối với trường hợp Người phải thi hành án nếu có căn cứ xác định Chấp hành viên vi phạm quy trình thi hành án dân sự trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án không có quyền khởi kiện hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án nhưng có quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo quy định tại Điều 140 và Điều 154, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014). Người bị thiệt hại do quyết định thi hành án, hành vi thi hành án vi phạm pháp luật được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Có thể thấy rằng, quy định pháp luật về hủy kết quả bán đấu giá tài sản là vậy, tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều trường hợp Người phải thi hành án bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích khi tài sản bán đấu giá bị bán không đúng giá trị thực nhưng khi họ khiếu nại, tố cáo thì gần như không được giải quyết hoặc chậm giải quyết.
Đối mặt với tình trạng trên, có rất nhiều quan điểm cho rằng Luật Thi hành án dân sự, Luật Đấu giá tài sản vẫn còn những bất cập và nên bổ sung thêm chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản cụ thể là Người phải thi hành án – người phải chịu thiệt hại trực tiếp trong việc bán đấu giá.
Nếu bổ sung thêm chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá có thể giải quyết được vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho Người phải thi hành án dân sự nhưng chính điều này cũng gây ra việc khi cá nhân, tổ chức phải thi hành án lợi dụng điều này để kéo dài thời gian thi hành làm thiệt hại cho các cá nhân, cơ quan tổ chức, đặc biệt là đối với bên mua tài sản đấu giá ngay tình hợp pháp. Vì vậy, không những bảo vệ lợi ích hợp pháp của Người phải thi hành án mà còn cả những người mua tài sản đấu giá thực hiện đúng thủ tục pháp luật. Cụ thể, bên mua ngay tình hợp pháp vẫn được quyền sở hữu đối với tài sản mà mình đấu giá thành mà có.
Tóm lại, khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản, Người mua tài sản đấu giá hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu khởi kiện hủy kết quả đấu giá và Người phải thi hành án chỉ có quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm trong việc bán đấu giá. Hơn hết nữa, các nhà làm luật cũng cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc bán đấu giá tài sản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, cơ quan.
Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội