/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Áp dụng biện pháp tư pháp 'Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm' – Vướng mắc và kiến nghị

Áp dụng biện pháp tư pháp 'Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm' – Vướng mắc và kiến nghị

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một biện pháp tư pháp, không phải là hình phạt, có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho hình phạt đạt hiệu quả. Biện pháp tư pháp này được quy định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015), cùng với việc xét xử vụ án hình sự, Tòa án quyết định xử lý tiền, những vật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện tội phạm mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, kê biên.

TAND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm vụ án “Trộm cắp tài sản” – Ảnh: Đặng Đình Thành.

Biện pháp tư pháp là một trong các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có năng lực trách nhiệm hình sự hay đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm, nhằm hỗ trợ, thay thế hình phạt, có ý nghĩa quan trọng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo giải quyết triệt để vụ án hình sự; góp phần ngăn ngừa tội phạm, loại bỏ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội; khắc phục thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại.

1. Quy định của luật

Tại Điều 47 BLHS năm 2015, biện pháp ‘‘Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm’’ quy định như sau:

Việc tịch thu sung vào ngân sách: nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không được tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Việc xử lý với tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm được giải quyết cụ thể:

Thứ nhất, việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Đây là những công cụ, phương tiện mà người phạm tội đã sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, như: dao, súng, xe mô tô của người phạm tội sử dụng trong các vụ cướp tài sản, tiền mà người phạm tội sử dụng trong đánh bạc, đưa hối lộ mà có.

Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc đổi do đổi chác, mua bán những thứ ấy mà có là những vật hoặc tiền có được do việc thực hiện tội phạm như tham ô, trộm cắp, cướp, lừa đảo hoặc do sự mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có.

Vật thuộc loại nhà nước cấm lưu hành là những vật mà người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc là đối tượng của việc thực hiện tội phạm, những vật này thuộc loại nhà nước cấm lưu hành như: Văn hóa phẩm đồi trụy, vũ khí quân dụng, ma túy, chất cháy, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ.

Thứ hai, đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Có nghĩa là những vật, tiền này là của người khác và xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, trường hợp vật, tiền thuộc tài sản của người khác nếu người này có lỗi trong việc để cho người khác sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Trường hợp này luật quy định “có thể bị tịch thu”, được hiểu tùy vào từng vụ án, với loại tiền hoặc vật cụ thể Tòa án quyết định biện pháp xử lý có tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hay không. Khi quyết định vấn đề này, Tòa án cần nghiên cứu kỹ hình thức lỗi của người có tiền hoặc vật để người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm.

Nếu chủ sở hữu là người có lỗi cố ý hoặc vô ý thì ngoài việc có thể bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, hành vi của chủ sở hữu có thể là đồng phạm với vai trò giúp sức (nếu lỗi cố ý) hoặc có thể cấu thành một tội phạm độc lập khác (nếu là lỗi vô ý). Ví dụ: A biết B mượn súng (loại súng tự chế) để đi cướp tài sản nhưng A vẫn cho B mượn súng để đi cướp ngân hàng C. Khi thực hiện hành vi cướp ngân hàng C thì B bị bắt giữ, trường hợp này ngoài việc khẩu súng A cho B mượn sẽ bị tịch thu, A còn bị xử lý trách nhiệm hình sự là đồng phạm với B về tội Cướp tài sản với vai trò là người giúp sức.

2. Những vướng mắc, bất cập

Trong thực tiễn việc áp dụng biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm còn vướng mắc, bất cập; có những quan điểm, cách hiểu khác nhau, dẫn đến áp dụng chưa đúng, sai đối tượng; điều đó làm giảm ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp này và gây thiệt hại cho những người có liên quan.

Thứ nhất: Đối với những tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý, như vụ án giao thông, hiện nay giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự còn có những quan điểm khác nhau giữa tịch thu hay không tịch thu phương tiện gây tai nạn giao thông.

Ví dụ: Phan Ngọc P điều khiển xe mô tô 77C1.81158, do không chú ý quan sát, đi sai làn đường đã tông vào xe mô tô do anh S điều khiển chở theo chị B. Hậu quả làm cho anh S chết trên đường đi cấp cứu, chị B bị thương tỷ lệ thương tật 31 %.

P bị điều tra, truy tố, xét xử về tội: ‘‘Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ’’ (Điều 260 BLHS). Sau tai nạn P đã thỏa thuận bồi thường toàn bộ thiệt hại, chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần cho gia đình anh S số tiền 120.000.000 đồng; bồi thường chi phí điều trị cho chị B số tiền 40.000.000 đồng. Vụ án trên có những quan điểm khác nhau về việc xử lý xe mô tô do P điều khiển là phương tiện gây tai nạn.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần tịch thu xe mô tô do P là chủ sở hữu điều khiển đã gây tai nạn làm chết 01 người, bị thương 1 người; xe mô tô là phương tiện dùng vào việc phạm tội, do đó áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS tịch thu sung quỹ nhà nước phương tiện này.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của P điều khiển xe mô tô đi sai làn đường, không chú ý quan sát, gây tai nạn giao thông hậu quả làm chết 01 người, bị thương 01 người với lỗi vô ý. Sau khi tai nạn và trước khi mở phiên tòa, P đã thỏa thuận bồi thường xong toàn bộ thiệt hại, chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần cho bị hại S và bồi thường xong thiệt hại, chi phí điều trị cho bị hại B, gia đình người bị hại không có ý kiến gì về bồi thường thiệt hại. Vì vậy, không tịch thu xe mô tô 77C1.81158, mà trả lại xe mô tô cho P.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai: không tịch thu đối với phương tiện đã gây tai nạn mà phải trả lại cho chủ sở hữu, khi P thực hiện xong việc bồi thường thiệt hại, các nghĩa vụ khác mà bản án đã tuyên; trường hợp nếu P chưa thực hiện xong việc bồi thường thiệt hại, án phí có thể tạm giữ xe mô tô để đảm bảo thi hành án. Khi P thực hiện xong việc bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ khác sẽ trả lại xe cho P, bởi hành vi phạm tội của P gây ra hậu quả chết 1 người, bị thương 1 người với lỗi vô ý, điều luật quy định là “dùng” vào việc phạm tội, chủ sở hữu trước khi gây tai nạn hoàn toàn không có ý định thực hiện hành vi phạm tội nên không thể áp dụng biện pháp tư pháp là tịch thu phương tiện được.

Thứ hai: Xác định công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, để áp dụng khoản 1 Điều 47 BLHS giữa các Tòa án chưa thống nhất, xác định không đúng phương tiện dùng vào việc phạm tội, nhầm lẫn giữa khái niệm vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có. Việc áp dụng của cơ quan tiến hành tố tụng mang tính tùy nghi, có trường hợp người phạm tội bị tịch thu có trường hợp lại không bị tịch thu.

Ví dụ: Vụ án thứ nhất: Khoảng 15 giờ ngày 15/3/2019, Lê Văn T sau khi hết giờ làm việc tại Công ty, T điều khiển xe mô tô về nhà. Trên đường đi về nhà do cần tiền tiêu xài, T quan sát thấy nhà anh N không đóng cửa, T nảy ý định và thực hiện hành vi trộm cắp 1 điện thoại di động, 1 máy tính lap top Dell và 3 triệu đồng. Khi T vừa ra khỏi cổng thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Cơ quan điều tra đã thu giữ 1 điện thoại đi động, 1 máy tính laptop Dell, 3 triệu đồng và chiếc xe mô tô. Xe mô tô được xác định là phương tiện phạm tội, là tài sản chung của vợ chồng T. Trường hợp này Tòa án có áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS để tịch thu xe mô tô sung vào ngân sách nhà nước hay không.

Vụ án thứ hai: Tối ngày 28/7/2019, Nguyễn Anh M có ý định trộm cắp tài sản bán kiếm tiền tiêu xài. Khoảng 21 giờ M điều khiển xe mô tô từ nhà đến khu vực trước cổng trường THPT H, thấy không có người, M lẻn vào lấy trộm 3 máy tính laptop Acer đem ra ngoài chuẩn bị chở đi thì bị nhân viên bảo vệ trường H phát hiện bắt giữ. Nguyễn Anh M bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”. Xe mô tô là tài sản chung của vợ chồng M, được xác định là phương tiện phạm tội. Trường hợp này Tòa án có áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hay không.

Qua hai vụ án trên, có những quan điểm khác nhau về việc xử lý xe mô tô. Có quan điểm cho rằng: Đối với vụ án thứ nhất, người chồng sử dụng xe đi làm sau đó trên đường về nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Người vợ hoàn toàn không biết và không có lỗi trong vụ án này. Do đó, ở vụ án thứ nhất không tịch thu xe mô tô sung vào ngân sách nhà nước. Vì nếu tịch thu sung ngân sách nhà nước sẽ vi phạm quyền tài sản của người vợ. Đối với vụ án thứ hai, người chồng có ý định trộm cắp tài sản đã điều khiển xe từ nhà đi tìm địa điểm để thực hiện hành vi trộm cắp. Do đó, trong vụ án thứ hai người vợ cũng có lỗi trong việc quản lý tài sản. Nên cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS tịch thu xe mô tô sung vào ngân sách nhà nước.

Quan điểm tác giả: Xe mô tô trong hai vụ án trên đều được xác định là phương tiện phạm tội. Mặc dù là tài sản chung của vợ chồng, nhưng người chồng đã sử dụng làm phương tiện để trộm cắp tài sản nên áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 và khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015 tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong trường hợp xe mô tô là tài sản chung, là sinh kế quan trọng của hai vợ chồng, người chồng sử dụng xe để đi trộm cắp tài sản, nếu tịch thu xe dẫn đến người vợ không có phương tiện làm ăn sinh sống thì không tịch thu xe, đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật.

Thứ ba, trường hợp tài sản chung của vợ chồng là xe ô tô đã đem thế chấp ngân hàng (giấy tờ xe ô tô do ngân hàng quản lý) nhưng bị cáo sử dụng xe ô tô vào việc phạm tội, xử lý như thế nào, tịch thu hay không tịch thu xe ô tô là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Vấn đề này còn những quan điểm, cách hiểu khác nhau.

Ví dụ: Nguyễn Hữu B, quân nhân thuộc Lữ đoàn K sử dụng xe ô tô nhãn hiệu TOYOTA biển kiểm soát 77H – 6153 (xe ô tô đã được vợ chồng B đem thế chấp cho ngân hàng K để vay số tiền 300.000.000 đồng) vận chuyển trái phép chất ma túy và bị phát hiện, bắt giữ. B bị khởi tố, điều ta, truy tố, xét xử về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy’’ theo khoản 3 Điều 250 BLHS. Có những quan điểm khác nhau khi xử lý xe ô tô do B sử dụng làm phương tiện phạm tội.

Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Hữu B biết rõ hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng B vẫn bất chấp pháp luật, sử dụng xe ô tô để vận chuyển trái phép chất ma túy, xe ô tô TOYOTA biển kiểm soát 77H – 6153 là phương tiện B dùng vào việc phạm tội nên phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của Nguyễn Hữu B vi phạm pháp luật hình sự, bị xử lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Xe ô tô B sử dụng làm phương tiện phạm tội cần phải tịch thu sung ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, xe ô tô này vợ chồng B đã đem thế chấp cho ngân hàng K để vay 300.000.000 đồng, vì vậy cần phải định giá xem trị giá xe ô tô bao nhiêu (giá trị xe ô tô là 650.000.000 đồng), rồi đem bán đấu giá, sau khi trừ các chi phí và trả cho ngân hàng K số tiền 300.000.000 đồng, số tiền còn lại sẽ sung vào ngân sách nhà nước.

Quan điểm thứ ba: Theo quy định xe ô tô Nguyễn Hữu B dùng vào việc phạm tội phải bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, nhưng xe ô tô này là tài sản chung của vợ chồng B, vợ B không biết việc B sử dụng xe ô tô vận chuyển trái phép chất ma túy nên vợ B hoàn toàn không có lỗi. Nếu tịch thu xe ô tô sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ B, bởi vì xe ô tô này là tài sản chung của vợ chồng.

Đem bán đấu xe ô tô được 650.000.000 đồng, B và vợ B mỗi người được nhận một nửa giá trị của xe tương đương 325.000.000 đồng. Sau khi trả cho ngân hàng K 300.000.000 đồng tiền vay thế chấp xe, số tiền còn lại 25.000.000 phần của B sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.

Quan điểm tác giả: Nguyễn Hữu B sử dụng xe ô tô vận chuyển trái phép chất ma túy là vi phạm pháp luật, bị xử lý trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 250 BLHS. Xe ô tô TOYOTA biển kiểm soát 77H – 6153 là phương tiện B dùng vào việc phạm tội, theo quy định phải tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, xe ô tô này là tài sản chung của vợ chồng B, đã được đem thế chấp cho ngân hàng K để vay 300.000.000 đồng, giấy tờ xe ô tô hiện ngân hàng K đang giữ, vợ chồng K mới trả được một phần trong khoản vay nợ ngân hàng, vì vậy không thể tịch thu xe ô tô vì sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ngân hàng K – bên nhận thế chấp tài sản, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, tuyên trả lại xe ô tô cho Nguyễn Hữu B.

Thứ tư, bất cập trong áp dụng biện pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội.

Đối với các tội có tính chiếm đoạt, tại phiên tòa nếu bị hại không yêu cầu trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại thì có tịch thu tài sản không. Vấn đề này có hai quan điểm trái ngược nhau giữa tịch thu và không tịch thu tài sản đó. Ví dụ: Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 02/10/2019, Nguyễn Hải Y phá ổ khóa cửa vào Siêu thị điện máy K, lấy 5 điện thoại di động Oppo F9 bán cho anh Lê Hoàng Đ được 15.500.000 đồng (anh Đ không biết tài sản do phạm tội mà có). Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu lại 5 điện thoại di động Oppo F9 trả lại cho Siêu thị điện máy K. Anh Lê Hoàng Đ không yêu cầu Y trả lại 15.500.000 đồng. Trong vụ án này Tòa án có tịch thu sung ngân sách nhà nước số tiền 15.500.000 đồng hay không.

Có quan điểm cho rằng: Anh Đ không biết 5 điện thoại đi động Oppo F9 do Y trộm cắp của Siêu thị điện máy K nên đã mua với giá 15.500.000 đồng. Cơ quan điều tra đã thu lại 5 điện thoại Oppo F9 trả cho Siêu thị điện máy K. Anh Đ không yêu cầu Y trả lại 15.500.000 đồng, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, Tòa án không tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 15.500.000 đồng Y thu lợi bất chính do phạm tội mà có. Việc mua bán giữa anh Đ và Y là giao dịch dân sự. Anh Đ không yêu cầu Y trả lại số tiền 15.500.000 đồng, cũng có nghĩa là số tiền này anh Đ cho bị cáo Y. Đây là quyền tự định đoạt về tài sản của anh Đ nên Tòa án không được tịch thu số tiền này, mà chỉ ghi nhận anh D không yêu cầu bị cáo Y trả lại số tiền 15.500.000 đồng.

Quan điểm tác giả: Trong vụ án này, anh Đ không biết 5 điện thoại đi động Oppo F9 do Y trộm cắp mà có nên đã mua với giá 15.500.000 đồng. Cơ quan điều tra đã thu lại 5 điện thoại này trả cho Siêu thị điện máy K. Bị cáo Y phải có trách nhiệm trả lại 15.500.000 đồng cho anh Đ. Tuy nhiên, anh Đ không yêu cầu bị cáo Y trả lại số tiền này. Như vậy, số tiền 15.500.000 đồng Y thu lợi bất chính do trộm cắp mà có cần phải áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, như thế mới giải quyết triệt để vụ án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Để áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 233/TANDTC-PC, ngày 01/10/2019 trao đổi nghiệp vụ, theo hướng không tịch thu tài sản thu lợi bất chính do phạm tội mà có với lý do là: Theo Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu có quyền, tặng cho hay từ bỏ quyền sở hữu, do đó: “trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án”. Mặc dù công văn của Tòa án nhân dân tối cao không phải là một hình thức của văn bản quy phạm pháp luât nhưng trong thực tế có giá trị bắt buộc đối với hoạt động xét xử của Tòa án các cấp, tác giả cho rằng, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao đã góp phần tích cực đối với việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử.

Tuy nhiên, xét ở góc độ hợp lý, cần phải cân nhắc thêm vấn đề này vì những lý do sau: Thứ nhất, mặc dù quyền tặng cho, hay từ bỏ quyền sở hữu là quyền của chủ sở hữu, nhưng nếu cho phép người phạm tội được hưởng lợi từ việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản thì việc làm này đã vô tình khuyến khích việc thực hiện tội phạm; Thứ hai, nếu không tịch thu tài sản do thu lợi bất chính mà có sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật hình sự, làm giảm hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, tác giả cho rằng, tài sản thu lợi bất chính từ việc phạm tội cần phải được tịch thu sung vào ngân sách của Nhà nước.

3. Một số kiến nghị

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập khi áp dụng biện pháp tư pháp ‘‘Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm’’ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn những vấn đề sau:

Thứ nhất, đối với những tội phạm thực hiện do lỗi vô ý, như vụ án giao thông khi chủ sở hữu phương tiện đã thực hiện xong việc bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ khác thì không tịch thu đối với phương tiện gây đã tai nạn mà phải trả lại cho chủ sở hữu.

Thứ hai, đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có trường hợp nào không bị tịch thu, trường hợp nào tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.

Thứ ba, trường hợp tài sản chung của vợ chồng là xe ô tô đã đem thế chấp ngân hàng (giấy tờ xe ô tô do ngân hàng quản lý) bị cáo sử dụng xe ô tô vào việc phạm tội, xử lý như thế nào.

Thứ tư, cần có quy định trong mọi trường hợp tài sản hoặc tiền thu lợi bất chính từ việc phạm tội cần phải bị tịch thu sung vào ngân sách của Nhà nước, như thế mới giải quyết triệt để vụ án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

ThS. LÊ ĐÌNH NGHĨA, TAQS KV1QK5
Tạp chí Tòa án
/phu-huynh-vao-lop-tum-toc-danh-be-2-tuoi-o-truong-mam-non-doi-dien-hinh-phat-nao.html