/ Tích hợp văn bản mới
/ Quy định và trình tự bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội

Quy định và trình tự bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Đại biểu Quốc hội là người được nhân dân tín nhiệm, thay mặt nhân dân tham gia các Kì họp của Quốc hội để trao đổi, chất vấn các vấn đề đang diễn ra...

(LSVN) - Đại biểu Quốc hội là người được nhân dân tín nhiệm, thay mặt nhân dân tham gia các kì họp của Quốc hội để trao đổi, chất vấn các vấn đề đang diễn ra. Tuy nhiên, trong trường hợp Đại biểu quốc hội không phù hợp với tiêu chuẩn hoặc không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân sẽ bị bãi nhiệm theo quy định của pháp luật.

Quốc hội sẽ bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nguồn: Quốc hội.

Việc bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đã có trước đây, cụ thể hồi năm 2016, dư luận từng ồn ào trước câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách Đại biểu Quốc hội vì có thêm quốc tịch Malta.

Việc nhập quốc tịch Malta không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Các cơ quan chức năng xác định việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật.

Ngay sau khi vụ việc bà Hường có 2 quốc tịch bị phát hiện, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu kín, kết quả 100% thành viên hội đồng có mặt biểu quyết xác nhận bà Hường không đủ tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Tương tự, ngày 02/11, Quốc hội có phiên họp riêng để bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều 02/11, Quốc hội tiến hành họp riêng về công tác nhân sự. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm vì lý do không khai báo trung thực khi có thêm Quốc tịch Síp.

Dự kiến chiều 03/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn Đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến về việc bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Quốc hội sẽ dành thời gian để ông Phạm Phú Quốc phát biểu ý kiến (nếu có) và thành lập Ban kiểm phiếu.

Sau đó, Quốc hội sẽ bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu và nghị quyết bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc được thực hiện cùng ngày.

Theo Luật Tổ chức quốc hội 2014 quy định, Đại biểu Quốc hội cần phù hợp với các tiêu chuẩn như trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác...

Điều 22. Tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Như vậy, Đại biểu Quốc hội cần đạt tiêu chuẩn như Luật Tổ chức quốc hội 2014 quy định tại Điều 22 thì mới có thể đủ tư cách để trở thành Đại biểu Quốc hội, có sự tín nhiệm của nhân dân, thay mặt người dân để trao đổi, giám sát hoạt động của Nhà nước.

Tuy nhiên, đối với sự việc Đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có thêm quốc tịch Malta hay sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hoá Síp và đã có quốc tịch Cộng hoà Síp nhưng cả hai không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội 2014.

Trong trường hợp Đại biểu Quốc hội không phù hợp với tiêu chuẩn hoặc không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì theo Điều 7 Hiến pháp năm 2013 và Điều 40 Luật Tổ chức quốc hội 2014, thì Đại biểu Quốc hội sẽ bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm. Cụ thể quy định pháp luật như sau:

Điều 7
1. Việc bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.  
Điều 40. Việc bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội
1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.  

Trình tự bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 41 Nội quy kỳ họp quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 cụ thể như sau:

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội.
2. Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
4. Trước khi Quốc hội thảo luận, Đại biểu Quốc hội bị đề nghị bãi nhiệm có quyền phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể, trừ trường hợp bị tạm giam theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các trường hợp khác do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
5. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
6. Quốc hội bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
7. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.
8. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội.

PHẠM HƯƠNG

/phat-bieu-cua-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-tai-dot-hop-tap-trung-ky-hop-thu-10.html