/ Tin nổi bật
/ Ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng trong năm nay

Ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng trong năm nay

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Trả lời các chất vấn của các đại biểu về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, trong đó có bảo vệ trẻ em và...

(LSVN) - Trả lời các chất vấn của các đại biểu về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, trong đó có bảo vệ trẻ em và cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã đăng đàn làm rõ vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong tháng 4, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã đồng ý về mặt nội dung, nhưng đề nghị Bộ cân nhắc thêm về thẩm quyền ban hành.

Ông cho biết ngay trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ về thẩm quyền ban hành. “Chắc chắn trong năm 2020, Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ký”, ông nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng cũng được lồng ghép trong Bộ quy tắc ứng xử. Trong đó, Chính phủ yêu cầu nhà cung cấp nội dung tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền trẻ em. Nhà cung cấp phải ứng xử và giáo dục trẻ em và vị thành niên sử dụng mạng xã hội. Bộ cũng được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sang tạo và lành mạnh trên môi trường mạng, giai đoạn 2020-2025, đề án đưa ra yêu cầu tạo đầu mối duy nhất tiếp nhận các phản ánh về xâm hại trẻ em, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm, chủ động ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên không gian mạng… Đề án này đã được trình Chính phủ và chắn chắn sẽ được ký trong năm 2020 này.

Trả lời câu hỏi quá trình chuyển đổi số cho bà con vùng miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Với Đề án chuyển đổi số mà Chính phủ đã phê duyệt, thì việc này được coi là ưu tiên vì “chỗ nào càng khó khăn thì chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả”. Do đó, chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó trước.

Sẽ có điện thoại thông minh giá 600.000 đồng cho bà con miền núi

Về hạ tầng viễn thông, Bộ TT&TT đang chỉ đạo phủ sóng để tất cả bà con vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đều có mạng 3G, 4G, 5G và Bộ TT&TT hợp tác với các nhà sản xuất điện thoại và nhà mạng để bán điện thoại thông minh giá rẻ khoảng 600.000 đến 700.000 đồng/điện thoại, phổ cập giáo dục trực tuyến, hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho bà con, thương mại điện tử đã sẵn sàng và đã triển khai thí điểm xây dựng “xã thông minh” để bà con bán được quả cam, nải chuối với giá cao. Cuối năm 2020 này sẽ sơ kết mô hình “xã thông minh” để nhân rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ TT&TT đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có thể nhận diện được mình đã và đang làm gì, cần làm gì để đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm rõ vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đã sắp xếp và sáp nhập nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Trả lời về cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Để cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ đã giảm từ 1.996 cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuống còn 1.909 cơ sở và giảm 77 cơ sở công lập. Như vậy đã hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại trước năm 2021 như quy định. Giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam từ chỗ chưa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng đến nay đã đứng thứ mức 90/158 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 10 bậc so với năm 2019.

Về quy hoạch lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao trong tháng 4/2021 tập trung sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng 2 trong 1 hoặc 3 trong 1. Đó là, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục tổng hợp thì ngoài việc bồi dưỡng và đào tạo ra thì cũng là cánh tay nối dài của các cơ sở đào tạo; kiên quyết giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém mà hoạt động trong 3 năm liền không có hiệu quả; sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trùng chức năng, nhiệm vụ, chương trình đào tạo theo hướng ngoài các trung tâm đào tạo, mỗi tỉnh thành chỉ còn 1-2 trường cao đẳng để các trường này đào tạo đa ngành, đa hệ, đa lĩnh vực như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng theo hướng mở; khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục tư thục có vốn đầu tư nước ngoài, gắn với việc sử dụng nhân lực cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với Bộ luật Lao động sửa đổi 2019.

Theo đó, Bộ khuyến khích đầu tư phát triển và hình thành các hệ thống chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo cấp độ, công bố ngay khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu trình độ ASEAN, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, công nhận các văn bằng chứng chỉ của các nước ASEAN và một số nước đào tạo nghề phát triển cao (tập trung vào 3 nước Australia, Nhật và Đức), áp dụng một số cách thức mới phù hợp với xã hội số thông qua đào tạo trực tuyến cho các em, nhất là học sinh ở độ tuổi phân luồng, thúc đẩy sáng tạo cho thanh niên và của người lao động vừa học vừa làm việc từ xa, vừa học trường nghề, làm việc kết hợp với nghỉ ngơi…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mục tiêu đến 2030, đào tạo nghề của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của ASEAN, trong đó có 100 trường chất lượng cao, 15 trường đạt trình độ các nước phát triển G20, 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4, quy mô tuyển sinh tăng gấp 3 lần hiện nay.

LÊ SƠN/VGP

/ket-qua-trien-khai-chien-luoc-phat-trien-nghe-luat-su-o-viet-nam-den-nam-2020.html