Ảnh minh họa.
Quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 về phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 245 và điểm d khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung, theo đó các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung được phân chia thành các nhóm sau đây:
Nhóm thứ nhất, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có vi phạm thủ tục tố tụng. Ví dụ: Lệnh, quyết định của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát, nhưng không có phê chuẩn của Viện Kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền; không cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án cho người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác theo đúng quy định của pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền bào chữa, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác…. Các vi phạm về thủ tục tố tụng này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng hoặc ảnh hướng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Nhóm thứ hai, thiếu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Ví dụ: Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi đã xảy ra có đủ yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính và các trường hợp khác theo quy định của luật); chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào? Thiếu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội trong thực tiễn là thiếu các chứng cứ chứng minh một trong các yếu tố cấu thành tội phạm.
Nhóm thứ ba, vi phạm về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của BLTTHS. Ví dụ: Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nhóm thứ tư, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc bị can, bị cáo phạm tội khác. Ví dụ: Viện Kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can hoặc bị cáo đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác. Ngoài hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can hoặc bị cáo về một hay nhiều tội khác…
Bất cập, hạn chế
Thứ nhất, theo quy định tại điểm g khoản 1 Thông tư liên tịch số 02/2017 thì trường hợp “Chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo (tuổi, tiền án, tiền sự), lý lịch hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội (tên, địa chỉ, những vấn đề khác liên quan đến hồ sơ pháp lý của pháp nhân thương mại)” thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tuy nhiên, theo tác giả, quy định này chưa phù hợp, vì trong thực tiễn có trường hợp mặc dù đã điều tra, lập lý lịch của bị can nhưng việc điều tra, lập lý lịch bị can chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ: Tại Thông báo số 04/TB-VC2-V1 ngày 13/12/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng về rút kinh nghiệm về vấn đề xác minh tiền án, tiền sự, nhân thân của người phạm tội thể hiện nêu rõ: “Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 201/2018/HSST ngày 05/9/2018, TAND thành phố N áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm h, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T. 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Lý lịch người thực hiện hành vi phạm tội: Nguyễn Văn D., sinh năm 1982; nơi ĐKMCTT: 35/5 Tân Phước, Phước Long, thành phố N, tỉnh K; nghề nghiệp: Làm cửa sắt; trình độ học vấn: 04/12; họ tên cha: Nguyễn Văn C. (đã chết); họ tên mẹ: Nguyễn Thị T., sinh năm 1927; tiền án: Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2016/HSST ngày 26/2/2016 của TAND huyện C, tỉnh K xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, chấp hành xong hình phạt nhưng chưa đóng án phí; tiền sự: Không.
Nhân thân: Quyết định đưa vào trường giáo dưỡng số 3917 ngày 15/11/1999 của UBND tỉnh K, thời hạn 24 tháng; chấp hành xong ngày 11/02/2002; Bản án hình sự sơ thẩm số 78 ngày 08/4/1999 của TAND thành phố N xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, đã chấp hành xong bản án; Bản án hình sự phúc thẩm số 85 ngày 09/6/2009 của TAND tỉnh K xử phạt 01 năm 03 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, chấp hành xong hình phạt, chưa đóng án phí; Bản án hình sự sơ thẩm số 30 ngày 21/02/2011 của TAND thành phố N xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” chấp hành xong hình phạt, đóng án phí ngày 23/7/2018.
Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai của người thực hiện hành vi phạm tội (không có giấy tờ tùy thân nào) để lập hồ sơ, lý lịch, lập danh chỉ bản mà không tiến hành điều tra, xác minh làm rõ về đặc điểm nhân thân người phạm tội. Khi tra cứu tiền án, tiền sự cũng chỉ căn cứ danh bản mang tên Nguyễn Văn T. (do đối tượng tự khai nhưng không đúng) mà không đối chiếu, tra cứu tên chỉ bản (không so sánh dấu vân tay) nên không phát hiện được chính xác họ tên thật người phạm tội.
Căn cứ kết luận giám định trên thì trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn T. là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xác định sự thật vụ án, xác định không đúng nhân thân người phạm tội, chưa xác định chính xác chủ thể của tội phạm. Lẽ ra bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử trong vụ án là Nguyễn Văn D., việc cơ quan tiến hành tố tụng xác định bị cáo có nhân thân, lý lịch với tên gọi Nguyễn Văn T. là không đúng.
Trong vụ án này, Nguyễn Văn D. thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp tài sản khi chưa được xóa án tích nhưng do cơ quan tiến hành tố tụng xác định không đúng nhân thân, lý lịch người phạm tội, xác định không đúng chủ thể của tội phạm nên áp dụng không đúng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và điểm s “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và bỏ lọt tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52, chưa điều tra làm rõ hành vi “hành hung để tẩu thoát” để làm căn cứ truy tố, xét xử Nguyễn Văn D. theo khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015, từ đó quyết định hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, không phù hợp với nhân thân người phạm tội”.
Theo Thông báo rút kinh nghiệm này thì trong quá trình điều tra mặc dù đã xác minh tiền án, tiền sự, nhân thân của người phạm tội nhưng việc xác minh này chưa đầy đủ, không đúng quy định của pháp luật nên dẫn đến việc xét xử đánh giá không đúng nhân thân, lý lịch của người phạm tội.
Trường hợp nêu trên không thuộc trường hợp chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo quy định tại điểm g khoản 1 Thông tư liên tịch số 02/2017 mà thuộc trường hợp mà thuộc trường hợp đã xác minh này chưa đầy đủ, không đúng quy định của pháp luật nhưng trong Thông tư không quy định đối với trường hợp đã xác minh nhưng chưa đầy đủ, không đúng quy định của pháp luật là một trường hợp để trả hồ sơ để điều tra bổ sung là chưa đầy đủ.
Trong thực tiễn có trường hợp bị can cư trú ở nhiều địa phương khác nhau nhưng Cơ quan điều tra chỉ xác minh tiền án, tiền sự ở nơi xảy ra tội phạm là không đầy đủ, không đúng quy định của pháp luật mà phải xác minh tiền án, tiền sự ở từng địa phương hoặc do cơ quan Trung ương xác minh trong phạm vi cả nước, đây là một trường hợp đã xác minh tiền án, tiền sự nhưng chưa đầy đủ và đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 6 Thông tư số 02/2017 trường hợp “Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự” là trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tuy nhiên, luật không quy định cụ thể vi phạm đến mức độ nào thì chứng cứ, tài liệu đã thu thập không có giá trị chứng minh tội phạm?
Ví dụ: Theo Biên bản bắt người phạm tội quả tang của Công an thành phố B văn bản được lập tại quán cà phê số 03, sau đó, đưa tất cả người và tang vật về trụ sở Công an thành phố B nhưng dấu và chữ ký của Công an phường M mà không phải là của Công an thành phố B, đây là vi phạm về thủ tục tố tụng khi thu thập tài liệu là biên bản bắt người phạm tội quả tang, vậy vi phạm này có thuộc trường hợp để trả hồ sơ điều tra bổ sung theo điểm k khoản 1 Điều 6 Thông tư số 02/2017 hay không?
Thứ ba, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 về quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tuy nhiên, trong thông tư chưa quy định đối với trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân phát hiện, điều tra sau đó chuyển thẩm quyền cho Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân khi có các vấn đề phát sinh về trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn điều tra của Công an nhân dân thì xử lý như thế nào?
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, bổ sung quy định tại điểm g khoản 1 Thông tư liên tịch số 02/2017 thì trường hợp “Chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định hoặc xác định chưa đầy đủ những đặc điểm quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo (tuổi, tiền án, tiền sự), lý lịch hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội (tên, địa chỉ, những vấn đề khác liên quan đến hồ sơ pháp lý của pháp nhân thương mại)”.
Thứ hai, trong thực tiễn tồn tại hai dạng vi phạm Vi phạm về thủ tục tố tụng và vi phạm về nội dung, theo đó dạng vi phạm về mặt nội dung là dạng vi phạm làm thay đổi bản chất vụ án, không đảm bảo tính khách quan do đó các tài liệu này không có giá trị chứng minh tội phạm, vì vậy, theo chúng tôi một tài liệu, chứng cứ vi phạm thủ tục tố tụng nhưng phản ánh đúng bản chất sự việc không có vi phạm về nội dung thì vẫn có giá trị chứng minh tội phạm. Đối với trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo điểm k khoản 6 Thông tư số 02/2017 theo tác giả Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cần đánh giá để xác định xem trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ, tài liệu đó có vi phạm thủ tục tố tụng hay không? Vi phạm đó có làm tài liệu chứng cứ đó không có giá trị chứng minh tội phạm hay không? Trên cơ sở đó Tòa án xem xét đánh giá trong bản án cho phù hợp.
Thứ ba, liên ngành trung ương cần ban hành quy định đối với trường hợp vụ án do cơ quan điều tra trong Công an nhân dân phát hiện, điều tra sau đó chuyển thẩm quyền cho cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân khi có các vấn đề phát sinh về trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn điều tra của Công an nhân dân, để trong thực tiễn áp dụng được thống nhất./.
TRẦN VĂN HÙNG
Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4