Từ thực tiễn giải quyết một số vụ án xin nêu một số vấn đề về tình tiết "Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng" như sau.
Thứ nhất, về ý thức của hành vi cố tình thực hiện tội phạm đến cùng
Theo từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học,Chủ biên GS. Hoàng Phê, NXB Hồng Đức năm 2018.
"Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng" được hiểu là người phạm tội có ý thức quyết tâm thực hiện tội phạm để đạt được mục đích của mình mặc dù có sự can ngăn, ngăn chặn của người khác hoặc có những cản trở khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Người cố tình thực hiện tội phạm đến cùng có thể chưa đạt được mục đích, chưa gây ra hậu quả nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về tình tiết này”.
Trong tình tiết cố tình thực hiện tội phạm đến cùng ý thức trong thực hiện tội phạm là yếu tố quyết định, ý thức thực hiện tội phạm có thể hình thành trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội và phải thực hiện tội phạm bằng mọi cách, mọi thủ đoạn bất chấp mọi yếu tố cản trở, khó khăn trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Đây là điều kiện cần để xác định một hành vi phạm tội có được xem là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng hay không.
Thứ hai, mức độ tấn công, cường độ tấn công
Nếu ý thức quyết tâm là điều kiện cần thì mức độ tấn công, cường độ tấn công là điều kiện đủ để xác định xem một hành vi phạm tội có phải là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng hay không?
Yếu tố này chính là sự biểu hiện ra bên ngoài của tình tiết cố tình thực hiện tội phạm đến cùng. Thông thường một hành vi cố tình thực hiện tội phạm đến cùng có mức độ tấn công, cường độ tấn công mạnh, quyết liệt hơn vì chỉ có thực hiện như vậy mới không bị cản trở, khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Vấn đề này chỉ áp dụng đối với một số tội dnah xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, chiếm đoạt tài sản…có sự cản trở, gây khó khăn cho thực hiện tội phạm.
Thứ ba, thực hiện hành vi phạm tội khi không có sự cản trở
Đây là trường hợp bị cáo có quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội nhưng không cố ý thực hiện tội phạm đến cùng vì không có sự cản trở nào hoặc cản trở không đáng kể. Vấn đề này biểu hiện ở việc bị cáo thực hiện tội phạm âm thầm, lâu dài cho đến khi có hậu quả xảy ra.
Ví dụ: Do mâu thuẫn với chồng là anh Trần Thanh V. nên Hoàng Thị B. có ý định giết chồng mình để trả thù vì bị đánh đập thường xuyên. B. đã trộn lẫn một số loại thuốc độc lần thứ nhất vào ngày 13/4/2021 bỏ vào nước uống nhưng do liều lượng ít nên anh V. không chết chỉ bị ngộ độc nhẹ nhưng anh V. không phát hiện ra, đến ngày 07/5/2021 B. lại tiếp tục bỏ thuốc vào nước uống nhưng anh V. không uống nước đến lần thứ 4 thì anh V. uống nước có thuốc độc và tử vong.
Thứ tư, Không xem xét việc bị cáo có thực hiện được mục đích hay không
Đây là tình tiết mang yếu tố định tính tức là dựa trên việc đánh giá tâm lý tội phạm kết hợp với quá trình thực hiện hành vi phạm tội nên mục đích không phải là yếu tố bắt buộc.
Một số vấn đề rút kinh nghiệm.
Trong Thông báo số 18/TB-VC3-V1 ngày 20/4/2021 của VKS cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm về áp dụng tình tiết cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.
Nội dung vụ án:
Do có mâu thuẫn trước đó trong quán nhậu, khoảng 10 giờ 00 phút ngày 21/10/2019, bị cáo Vi Văn H. điều khiển xe mô tô đi đến đoạn đường giao nhau giữa đường H6 và đường D9 thuộc Khu công nghiệp MP, phường TH, thị xã BC, tỉnh B. nhìn thấy anh Phạm Văn T. đang ngồi trên xe mô tô hiệu Honda Wave Alpha ngay góc đường H6 - D9, đối diện Công ty P. H. điều khiển xe mô tô chạy lên song song với xe của T., cách T. khoảng 0,5 mét thì dừng xe lại và hỏi lý do tại sao T. đánh H., T. trả lời thích thì đánh. Đồng thời, T. dùng tay phải lấy trong ba lô hiệu Polo màu đen đeo phía trước một dao Thái Lan dài khoảng 20cm đâm H. làm thủng áo khoác màu đen và rách da vùng bụng bên trái, lúc này, H. dùng hai tay nắm tay đang cầm dao của T bẻ ngược lại hướng người T., rồi dùng sức đẩy dao đâm vào người T. khoảng 03 nhát làm T. ngã ngửa xuống mặt đường và H. cũng ngã theo đè lên người T. Sau khi cả hai cùng ngã, H. lấy được dao trên tay T. rồi đứng dậy, H. tiếp tục cầm dao bằng tay phải đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng bụng của T., T. dùng tay kháng cự và di chuyển lùi về sau hơn 10 mét trên đường D9 hướng về đường N6 thì bị vấp ngã nằm ngửa trên đường, H. tiến lại thì T. dùng chân đạp vào vùng bụng của H., H. tránh qua bên phải người T. và cầm dao bằng tay phải cúi người xuống đâm liên tiếp nhiều nhát vào người của T. làm gãy lưỡi dao, T. vùng dậy và tiếp tục bỏ chạy bộ thì H. đạp 01 cái trúng vào vùng mông của T. làm T. ngã xuống đường bất tỉnh.
Tại Kết luận giám định pháp y tử thi số 830/GĐPY ngày 24/10/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh B:
- Dấu hiệu chính qua giám định: Vùng ngực - bụng có 03 vết thủng da, cơ: Vết thương (01) thấu vào khoang màng phổi phải, thủng cơ hoành phải, gan phải, tĩnh mạch chủ dưới; Vết thương (02) thấu vào ổ bụng, thủng xuyên môn vị dạ dày, chạm phúc mạc thành sau; Vết thương (03) không thấu vào khoang màng phổi; mỏm cùng với bên trái có 01 vết đứt da và tổ chức dưới da; Bàn tay trái (có 04 vết thương): Mu bàn tay có 02 vết đứt da, tổ chức dưới da; Đốt 2 ngón 1 có 01 vết đứt da, gân cơ, đốt 1 ngón 2 có 01 vết đứt da, gân cơ, xương đốt gần; Phổi phải xẹp, tràn máu khoang màng phổi phải khoảng 2.500ml máu không đông và 500g máu đông; Ổ bụng chứa khoảng 800ml máu không đông và 200g máu đông.
- Cơ chế hình thành vết thương và đặc điểm hung khí: Các vết thương (01), (02) (như mô tả trong phần giám định) gây mất máu không hồi phục dẫn đến tử vong cho nạn nhân, vết thương được hình thành theo cơ chế đâm. Các vết thương: Vết thương (03); 01 vết đứt da, cơ vùng vai và 04 vết đứt da, gân cơ, xương vùng bàn tay trái (như mô tả trong phần giám định) được hình thành theo cơ chế đâm hoặc cắt. Đặc điểm hung khí: Các vết thương trên cơ thể nạn nhân có khả năng được tạo ra do vật sắc, nhọn, cứng, bản mỏng (như: Dao...).
- Kết luận: Nguyên nhân chết: Choáng mất máu do vết thương thấu ngực, bụng gây thủng gan, thủng tĩnh mạch chủ dưới, thủng dạ dày.
Quá trình giải quyết vụ án
Tại Bản án sơ thẩm số 81/2000/HS-ST ngày 07/9/2020 của TAND tỉnh B quyết định: Tuyên bố bị cáo Vi Văn H. phạm tội “Giết người”; áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 của BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Vi Văn H. 15 năm tù.
Ngày 14/9/2020, đại diện hợp pháp của bị hại Phạm Văn T. có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Vi Văn H. lên mức hình phạt "Chung thân" hoặc "Tử hình".
Ngày 16/9/2020, bị cáo Vi Văn H. kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Những nội dung cần rút kinh nghiệm
Căn cứ nội dung vụ án đã thu thập trong quá trình điều tra, xét xử xác định: Trong vụ án này có phần lỗi của bị hại Phạm Văn T. đánh bị cáo Vi Văn H. trước đó, khi gặp lại thì cũng chính bị hại lấy dao đâm bị cáo H., nên bị cáo H. khống chế lấy được dao và dùng dao đâm chống trả lại bị hại. Tuy nhiên, xét về tính chất, mức độ hành vi của bị cáo H. trong vụ án này không còn ở việc tự vệ bản thân, bị cáo không dừng lại ở nhát dao đầu tiên mà đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng bụng của bị hại làm lưỡi dao bị gãy; khi bị hại vùng dậy chạy thoát thân, bị cáo không buông tha mà còn chạy theo đạp bị hại ngã xuống đường bất tỉnh.
Điều này cho thấy bị cáo “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”, muốn tước đoạt mạng sống bị hại, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015, cấp sơ thẩm chưa áp dụng là thiếu sót. Hành vi phạm tội của bị cáo Vi Văn H. là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, tước đoạt tính mạng của bị hại một cách trái pháp luật; hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây đau thương, mất mát cho gia đình bị hại. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “Có tính chất côn đồ” và có thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”, Bản án phúc thẩm đã chấp nhận 01 phần kháng cáo của đại diện hợp pháp bị hại tăng hình phạt đối với bị cáo H. từ 15 năm tù lên 17 năm tù về tội “Giết người” là có căn cứ, đúng pháp luật.
Việc xác định một hành vi cố tình thực hiện tội phạm đến cùng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó chủ yếu đánh giá quá trình thực hiện tội phạm để vận dụng vào mỗi hành vi cho phù hợp.
TRẦN VĂN HÙNG
Thẩm phán Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4
Vướng mắc thực hiện quyền được bào chữa, bảo vệ trong quá trình tố giác tội phạm