/ Kết nối
/ Bàn về tình tiết ‘Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội’ theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự

Bàn về tình tiết ‘Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội’ theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự

05/09/2021 03:30 |3 năm trước

(LSVN) - Người dưới 18 tuổi là đối tượng được cả xã hội quan tâm, chăm lo để phát huy đầy đủ tư duy, tố chất khi trưởng thành, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ tốt hơn cho người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên nhiều quy định trong BLHS đối với người dưới 18 tuổi vẫn còn nhiều bất cập hạn chế trong đó có việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.

Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Xúi giục là dùng lời lẽ dễ nghe để tác động đến người khác nhằm làm cho nghe theo mà làm một việc gì đó một cách thiếu suy nghĩ, thường là việc đáng lẽ không nên làm”.

Dưới góc độ pháp luật xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội là việc dùng lời lẽ dễ nghe để tác động đến tâm lý của người dưới 18 tuổi để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mặc dù BLHS năm 2015 có quy định cụ thể về độ tuổi của đối tượng bị xúi giục là người dưới 18 tuổi, tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng tình tiết này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế:

Thứ nhất: Có áp dụng tình tiết xúi giục người chưa thành niên phạm tội hay không khi người chưa thành niên không bị truy cứu TNHS?

Đối với vấn đề này hiện nay tồn tại hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội ngay cả khi người dưới 18 tuổi không bị truy cứu TNHS, vì tình tiết này quy định chung chỉ cần khi có chứng cứ chứng minh người phạm tội đã kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người dưới 18 tuổi phạm tội và người dưới 18 tuổi đã nghe theo mà thực hiện tội phạm.

Quan điểm thứ hai cho rằng (Chúng tôi đồng tình với quan điểm này): Để áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì phải thỏa mãn hai điều kiện:

Điều kiện thứ nhất: Người phạm tội phải có hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội, đây là điều kiện cần.

Điều kiện thứ hai: Người dưới 18 tuổi phải bị truy cứu TNHS, đây là điều kiện đủ.

Đồng thời cũng giống như một số tội phạm trong BLHS như tội “Che dấu tội phạm” Điều 18, tội “Không tố giác tội phạm” Điều 19… để thỏa mãn các yếu tố của các hành vi phạm tội này thì phải có tội phạm thực tế xảy ra được quy định trong BLHS. Nếu đã có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng người dưới 18 tuổi không bị truy tố tức là đối tượng bị xúi giục chưa thỏa mãn các yếu tố của tội phạm quy định trong BLHS nên không áp tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội khi người dưới 18 tuổi chưa bị truy cứu TNHS.

Thứ hai: Người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì có áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội không?

Theo cuốn "Giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động hành chính và tố tụng" của Tòa án Nhân dân Tối cao xuất bản năm 1999, tại điểm 27, trang 42 viết: “...Tại điểm a, khoản 1, Điều 39 (BLHS năm 1985) xúi giục người chưa thành niên phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Điểm này không quy định người xúi giục phải là người thành niên. Vì vậy, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội thì khi xét xử tòa án phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 39 BLHS năm 1985. Theo dõi các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS đến nay, nội dung giải đáp trên của Tòa án Nhân dân Tối cao đến nay vẫn chưa có sự thay đổi. 

Nếu áp dụng hướng dẫn nêu trên thì trường hợp người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi điều này là không phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách hình sự trong xử lý TNHS với người dưới 18 tuổi. Theo quy định tại Điều 90 BLHS áp dụng Bộ luật Hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.

Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Ngoài ra còn một số quy định như Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa; Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm…

Chính sách hình sự với người dưới 18 tuổi nhằm phân hóa người dưới 18 tuổi và trên 18 tuổi phạm tội và phù hợp đặc điểm trong tâm, sinh lý của độ tuổi này. 

Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi không áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội khi người dưới 18 tuổi xúi giục là phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối xử lý TNHS với người dưới 18 tuổi, đồng thời cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đó là “Chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội khi người xúi giục là người trên 18 tuổi”.

TRẦN VĂN HÙNG

THẨM PHÁN TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC QUÂN KHU 4

Cần chuẩn bị những gì cho F0 tự cách ly, điều trị tại nhà?

Hướng dẫn mới của Bộ Tư pháp về thi hành Luật Luật sư

(LSVN) - Ngày 10/8/2021, Thông tư số 05/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư có hiệu lực thi hành.

Thông tư này quy định về việc công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài; giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề Luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư; thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư; trưởng chi nhánh, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh và thông báo thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề Luật sư; cấp lại giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài, giấy phép hành nghề tại Việt Nam của Luật sư nước ngoài; đại hội Luật sư của đoàn Luật sư, Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc; kiểm tra, chế độ báo cáo và một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động Luật sư.

Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư và Thông tư số 02/2015/TT-BTP ngày 16/01/2015 của Bộ Tư pháp quy định một số mẫu giấy tờ về Luật sư và hành nghề Luật sư hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài được công nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết;

b) Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo mà các chương trình đào tạo đã được cơ quan kiểm định chất lượng của nước đó công nhận hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài.

Người đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài muốn được công nhận ở Việt Nam thì nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Bộ Tư pháp. Hồ sơ gồm có: giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài; bản sao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại điểm a hoặc điểm b nói trên; bản sao kết quả đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài.

Trừ giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài, các giấy tờ khác trong hồ sơ phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật và được dịch ra tiếng Việt; bản dịch tiếng Việt được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài, trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề Luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư

Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Luật sư theo quy định tại Điều 13 của Luật Luật sư hoặc được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư theo quy định tại Điều 16 của Luật Luật sư bao gồm một trong các giấy tờ sau đây:

- Bản sao quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc nghị quyết của hội đồng nhân dân, biên bản bầu thẩm phán của hội đồng nhân dân đối với trường hợp thẩm phán do hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh bầu.

- Bản sao quyết định phong hàm giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật.

- Bản sao quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, thẩm tra viên chính ngành tòa án, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát hoặc quyết định bổ nhiệm chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

- Bản sao quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật.

Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư.

Thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư

Khi có căn cứ xác định Luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư.

Khi có căn cứ xác định Luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì đoàn Luật sư nơi người đó là thành viên hoặc các cơ quan, tổ chức khác có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư của người đó kèm theo các giấy tờ chứng minh Luật sư thuộc trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư.

Trong trường hợp Luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của đoàn Luật sư theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định kỷ luật Luật sư, ban chủ nhiệm đoàn Luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư kèm theo quyết định kỷ luật Luật sư. Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư phải chấm dứt hoạt động hành nghề Luật sư kể từ ngày có quyết định kỷ luật Luật sư bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của đoàn Luật sư.

Hàng năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sở tư pháp có trách nhiệm rà soát người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, trừ trường hợp quyết định kỷ luật Luật sư bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của đoàn Luật sư bị khiếu nại và đang được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư được gửi cho người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, đoàn Luật sư nơi người đó đã là thành viên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương, sở tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương nơi có đoàn Luật sư mà người đó đã là thành viên. Trong trường hợp người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư do không gia nhập đoàn Luật sư theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư được gửi cho người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư và sở tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư của người đó. Quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra quyết định thu hồi thẻ Luật sư của người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư. Quyết định thu hồi thẻ Luật sư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư có trách nhiệm nộp lại bản gốc chứng chỉ hành nghề Luật sư và thẻ Luật sư cho đoàn Luật sư nơi mình đã là thành viên. Ban chủ nhiệm đoàn Luật sư có trách nhiệm thu và tiêu hủy chứng chỉ hành nghề Luật sư, thẻ Luật sư.

Trong trường hợp người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư do không gia nhập đoàn Luật sư theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư nộp lại bản gốc chứng chỉ hành nghề Luật sư cho sở tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư. Sở tư pháp có trách nhiệm thu và tiêu hủy chứng chỉ hành nghề Luật sư.

Chứng chỉ hành nghề Luật sư, thẻ Luật sư bị tiêu hủy dưới hình thức cắt góc bên trái của chứng chỉ hành nghề Luật sư, thẻ Luật sư.

Cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư

Việc cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Luật sư. Người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư thuộc trường hợp đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư nộp hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư cho ban chủ nhiệm đoàn Luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Luật sư. Người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư thuộc trường hợp được miễn tập sự hành nghề Luật sư nộp hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư tại sở tư pháp nơi người đó thường trú theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Luật sư.

Trong trường hợp chứng chỉ hành nghề Luật sư bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do khách quan mà thông tin trên chứng chỉ hành nghề Luật sư bị thay đổi thì được cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư.

Thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật Luật sư.

Trưởng chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư

Văn phòng Luật sư, công ty luật cử Luật sư là thành viên hoặc Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động làm trưởng chi nhánh, trừ trường hợp Luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam. Trưởng văn phòng Luật sư, giám đốc công ty luật, Luật sư thành viên chỉ được làm trưởng chi nhánh của một chi nhánh trực thuộc văn phòng Luật sư, công ty luật đó. Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động chỉ được làm trưởng chi nhánh của một chi nhánh của một tổ chức hành nghề Luật sư.

Trưởng văn phòng Luật sư, giám đốc công ty luật chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư và các đơn vị trực thuộc.

Chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề Luật sư

Tổ chức hành nghề Luật sư thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Luật sư thì được sở tư pháp nơi đăng ký hoạt động của chi nhánh cấp lại giấy đăng ký hoạt động.

Tổ chức hành nghề Luật sư thành lập văn phòng giao dịch thì gửi văn bản thông báo về việc thành lập văn phòng giao dịch, trong đó ghi rõ địa chỉ văn phòng giao dịch cho sở tư pháp, đoàn Luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động. Trong trường hợp văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề Luật sư tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động thì tổ chức hành nghề Luật sư có văn bản thông báo cho sở tư pháp chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động. Sở tư pháp ghi nhận việc tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động của văn phòng giao dịch trên giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra về tổ chức, hoạt động Luật sư

Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư theo thẩm quyền.

Cục Bổ trợ tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra theo kế hoạch hàng năm về tổ chức và hoạt động Luật sư trong phạm vi toàn quốc và thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Sở tư pháp giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư tại địa phương. Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế, sở tư pháp lập kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động Luật sư tại địa phương, trong đó xác định rõ đối tượng kiểm tra, thời gian và nội dung kiểm tra; nhiệm vụ và quyền hạn của trưởng đoàn kiểm tra và thành viên đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra; trình tự, thủ tục kiểm tra.

Sở tư pháp thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong tổ chức, hoạt động Luật sư.

Kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động Luật sư được thông báo bằng văn bản cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày tiến hành kiểm tra.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, sở tư pháp gửi báo cáo cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra hoặc kết luận kiểm tra.

Các nguyên tắc kiểm tra tổ chức, hoạt động Luật sư

- Công khai, khách quan, minh bạch và đúng kế hoạch đã được phê duyệt, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất.

- Bảo đảm tính bảo mật trong hành nghề Luật sư theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, các quy định của pháp luật có liên quan.

Nội dung kiểm tra tổ chức, hoạt động Luật sư

Đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư; đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư; việc đăng ký, giám sát tập sự hành nghề Luật sư;

b) Đăng ký gia nhập đoàn Luật sư; cấp, đổi, thu hồi thẻ Luật sư;

c) Thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

đ) Thực hiện các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thống kê;

e) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập các mẫu sổ sách và lưu trữ giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan;

g) Thực hiện các quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư theo quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Đối với tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thực hiện các quy định về đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam; đề nghị cấp, cấp lại, thay đổi nội dung giấy phép thành lập và giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam; đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép hành nghề tại Việt Nam của Luật sư nước ngoài;

b) Thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trong trường hợp có thuê lao động;

c) Thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, thống kê;

d) Ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật;

đ) Tiếp nhận, theo dõi, hướng dẫn người tập sự hành nghề Luật sư;

e) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập các mẫu sổ sách và lưu trữ các giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan;

g) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Luật sư của tổ chức hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

h) Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia trợ giúp pháp lý của Luật sư hành nghề tại tổ chức;

i) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư.

Đối với Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, nội dung kiểm tra tập trung vào các nội dung ghi trong giấy đăng ký hành nghề Luật sư của Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, quy định của pháp luật có liên quan.

Nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn kiểm tra

Đoàn kiểm tra gồm có trưởng đoàn và các thành viên. Trưởng đoàn kiểm tra là đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư. Các thành viên đoàn kiểm tra bao gồm đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư.

Trưởng đoàn kiểm tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định kiểm tra;

b) Báo cáo người ban hành quyết định kiểm tra gia hạn thời hạn kiểm tra trong trường hợp cần thiết;

c) Yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra;

d) Lập biên bản kiểm tra; xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của biên bản, báo cáo đó;

đ) Lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong tổ chức, hoạt động Luật sư.

Các thành viên trong đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn kiểm tra và có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến đối tượng kiểm tra.

Quyền và nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra

Đối tượng kiểm tra có các quyền: yêu cầu thành viên đoàn kiểm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật; nhận biên bản kiểm tra và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra; bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra; từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra; từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Đối tượng kiểm tra có nghĩa vụ chấp hành quyết định kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chuẩn bị đầy đủ các báo cáo và sổ sách theo quy định tại Thông tư này, các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan theo quy định của pháp luật; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp; ký biên bản kiểm tra sau khi kết thúc kiểm tra; chấp hành quyết định của đoàn kiểm tra và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

NGỌC ANH

Hà Nội phấn đấu hoàn thành tiêm 961.000 liều vaccine Covid-19 trong đợt nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9

Các trường hợp nào không cần giấy đi đường vẫn có thể lưu thông ở Hà Nội từ hôm nay?

(LSVN) - Công an thành phố Hà Nội vừa thông báo cụ thể về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, Thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong Vùng 1. Vậy, theo quy định mới này, các trường hợp nào người dân không cần giấy đi đường vẫn có thể lưu thông ở Hà Nội? Bạn đọc P.L. hỏi.

Ngày 05/9, Công an thành phố Hà Nội vừa thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, Thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong Vùng 1. Theo quy định mới này, nhiều trường hợp người dân sẽ không cần Giấy đi đường khi lưu thông. Cụ thể các trường hợp thuộc nhóm 5, đối với các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường:

- Cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu: Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn duyệt, cấp Thẻ mua hàng thiết yếu theo đúng đối tượng quy định.

- Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; đi tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về): Không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND).

- Cá nhân đi sân bay theo vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án: Không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND) và Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.

Đề nghị cá nhân sau khi được cấp Giấy đi đường/ Thẻ đi mua hàng thiết yếu chủ động khai báo y tế qua Website: https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi ra đường, tham gia giao thông.

Mọi thắc mắc liên quan đề nghị liên hệ đường dây nóng của Công an Thành phố: 069.2194.299.

HỒNG HẠNH

Công an Hà Nội chốt phương án về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường

Hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển trong Vùng 1 thuộc lĩnh vực Công Thương từ 05/9

(LSVN) - Ngày 05/9/2021, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 3853/SCT-QLTM hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển trong vùng 1 thuộc lĩnh vực Công Thương.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 03/9/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố; Hướng dẫn của Công an Thành phố về việc cấp Giấy đi đường có nhận diện, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh trên địa bàn Thành phố.

Sở Công Thương thông báo nội dung “Hướng dẫn” hỗ trợ cấp Giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ (gọi tắt là các doanh nghiệp), các đơn vị điện lực thuộc lĩnh vực Công Thương trong Vùng 1 để sớm triển khai thực hiện theo quy định (có nội dung hướng dẫn của Sở Công Thương và Thông báo quy trình xét duyệt, cấp Giấy đi đường của Công an Thành phố gửi kèm). Chi tiết đăng tải trên trang web của Sở Công Thương Hà Nội: congthuong.hanoi.gov.vn.

Cụ thể gồm:

Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực Công Thương:

Đối tượng

- Kinh doanh mặt hàng thiết yếu: Siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện ích; kinh doanh khai thác chợ; sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 06 tuổi; kinh doanh xăng dầu, LPG; các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; kinh doanh chuỗi nhu yếu phẩm thiết yếu khác như tã, bỉm, sữa, băng vệ sinh…

- Lĩnh vực logistics.

- Lĩnh vực xuất nhập khẩu.

- Lĩnh vực thương mại điện tử.

Quy trình

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị 03 file mềm/bản scan gồm Công văn đề nghị có ký tên, đóng dấu và các danh sách nhân viên đi làm, phương tiện vận chuyển hàng hóa xe máy và ô tô.

Để thuận tiện thì doanh nghiệp tạo file excel theo định dạng: Nội dung hỗ trợ_lĩnh vực_công ty như: Giấy đi đường_Tên cửa hàng kinh doanh_Tên công ty…

Bước 2: Gửi mail các tài liệu trên về giaydiduong.soct@gmail.com

Bước 3: Sở Công Thương tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Nếu đủ điều kiện sẽ tổng hợp và gửi công an Thành phố xem xét, cấp xác nhận. Nếu không hợp lệ thì sẽ nêu rõ lý do và niêm yết trên mục Phòng chống Covid tại trang web http://congthuong.hanoi.gov.vn/

Bước 4: Sở Công Thương sẽ gửi kết quả cho doanh nghiệp qua email doanh nghiệp đã đăng ký với Sở sau khi Sở nhận được kết quả xử lý hồ sơ từ công an Thành phố.

Lĩnh vực điện năng

Đối tượng: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp điện lực gồm: Truyền tải điện, phân phối điện và bán lẻ điện thuộc Vùng 1.

Quy trình:

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị 03 file mềm gồm: Công văn đề nghị có ký tên, đóng dấu và các danh sách cán bộ, nhân viên đi làm; danh sách phương tiện vận chuyển hàng bằng xe máy và bằng oto.

Bước 2: Doanh nghiệp gửi mail về địa chỉ: nguyetvietanh_soct@hanoi.gov.vn. Trong đó, yêu cầu phải có cụ thể vị trí, lịch trình, cung đường, ngày giờ đăng ký di chuyển.

Bước 3: Sở Công Thương tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Nếu đủ điều kiện thì sẽ tổng hợp và gửi công an xem xét, cấp xác nhận. Nếu không đủ điều kiện sẽ lập danh sách nêu lý do và niêm yết tại mục Phòng chống Covid tại web http://congthuong.hanoi.gov.vn/

Bước 4: Sau khi có kết quả, Sở Công Thương sẽ gửi kết quả cho các đơn vị qua mail đã đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp

Thực hiện quy định tại nhóm 6 theo Thông báo Quy trình xét duyệt, cấp Giấy đi đường, Thẻ mua hàng thiết yếu tại Vùng 1 theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid- 19 do Công an Thành phố ban hành.

Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Công an xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn

Đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị sớm liên hệ với Công an khu vực để được hỗ trợ.

THU HOÀI 

Công an Hà Nội chốt phương án về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường

Học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh thành sẽ bắt đầu học trực tuyến từ hôm nay

(LSVN) - Hôm nay (06/9), Hà Nội và nhiều địa phương sẽ tiến hành cho học sinh bắt đầu học trực tuyến năm học mới.

Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, toàn thành phố Hà Nội đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16; căn cứ kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức khai giảng năm học mới 2021 - 2022 theo đúng quy định vào sáng 05/9 với sự tham gia của đại diện cán bộ, giáo viên và hơn 20 học sinh thuộc quận Hoàn Kiếm.

Ngày 06/9, các đơn vị, trường học chính thức bước vào chương trình học tập học kỳ I năm học 2021 - 2022 theo kế hoạch bằng hình thức trực tuyến.

Tại TP. Hồ Chí Minh, do thành phố vẫn thực hiện giãn cách nghiêm ngặt do dịch bệnh, lễ khai giảng năm học mới cũng rất đặc biệt. Thay vì tổ chức khai giảng trực tuyến, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khai giảng qua sóng truyền hình.

Bắt đầu từ hôm nay, cấp THCS, THPT tại thành phố sẽ bắt đầu năm học mới. Riêng tiểu học sẽ bắt đầu chậm hơn 2 tuần để làm quen và củng cố kiến thức.

Tại Đà Nẵng, theo kế hoạch, từ ngày 06/9, các học sinh tại thành phố Đà Nẵng sẽ bước vào 2 tuần làm quen và ôn tập kiến thức cũ bằng hình thức trực tuyến. Riêng học sinh lớp 1 sẽ được giới thiệu về trường, làm quen với thầy cô, các bạn, tiếp cận dần SGK, nề nếp học tập… Các học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến có thể được các trường triển khai giải pháp học qua truyền hình.

Cần Thơ: Đối với giáo dục trung học, học sinh khối 9 và 12 bắt đầu học kỳ 1 từ ngày 06/9. Các học sinh khối còn lại sẽ bắt đầu năm học từ ngày 13/9. Riêng giáo dục thường xuyên bắt đầu học kỳ 1 từ ngày 20/9.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành khác cũng sẽ bắt đầu học trực tuyến từ hôm nay như Hải Phòng, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lai Châu, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc,...

Kế hoạch học online của 63 tỉnh, thành phố từ ngày 06/9 cụ thể như sau:

 

Để đảm bảo tạm ngừng đến trường nhưng không dừng học, ngành giáo dục đã ban hành hướng dẫn dạy học trong tình hình dịch bệnh, tổ chức triển khai song song các phương án tổ chức dạy học khác nhau, bao gồm học trực tuyến với những nơi có đủ điều kiện, học qua truyền hình và học qua hình thức giao nhiệm vụ học tập trực tiếp cho học sinh; phối hợp với các địa phương để kịp thời hỗ trợ khó khăn cho giáo viên, sinh viên và học sinh ở các vùng dịch. Đây cũng là năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở lớp 2 và lớp 6, vì vậy việc học sinh chưa thể đến trường đặt ra nhiều thách thức cho cả thầy và trò trong bối cảnh dịch bệnh.

Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp khai giảng năm học mới và Chỉ thị số 24 của Thủ tướng cho thấy sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những khó khăn của toàn ngành; bày tỏ tin tưởng ngành giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống thi đua, vượt lên khó khăn, học tập và rèn luyện thật tốt như lời Bác dạy năm xưa.

Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, đảm bảo chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi toàn ngành đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

PHƯƠNG HOA

Cần Thơ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho các Luật sư

 

Admin