/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về tội 'Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp' và tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'

Bàn về tội 'Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp' và tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'

30/11/2023 06:48 |

(LSVN) - Bài viết phân tích từ góc độ lý luận và thực tiễn cấu thành tội phạm của 02 tội, điểm giống nhau, khác nhau để phân biệt tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 179, Điều 360 BLHS. Qua đó, nêu ra những quan điểm khác nhau trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị.

Ảnh minh họa.

I. Khái quát chung

Tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu, quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự (viết tắt BLHS), là hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình làm mất mát, hư hỏng, lãng phí tài sản đó.

Tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là hành vi được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn, thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, quy định tại Điều 360 BLHS. Đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Bài viết phân tích từ góc độ lý luận và thực tiễn cấu thành tội phạm của 02 tội, điểm giống nhau, khác nhau để phân biệt tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 179, Điều 360 BLHS. Qua đó, nêu ra những quan điểm khác nhau trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị. 

II. Nội dung

1. tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" (Điều 179 BLHS)

Các yếu tố cấu thành tội phạm:

Khách thể: Khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Mặt khách quan:

Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bao gồm vật, tiền.

Mặt khách quan của tội này bao gồm các yếu tố: Hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi phạm tội, trong đó:

Hành vi khách quan: Người phạm tội có hành vi thiếu trách nhiệm làm mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại về tài sản, nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không phải giống nhau, tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao và tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra thiệt hại về tài sản.

Thiếu trách nhiệm là hành vi của người có trách nhiệm quản lý trực tiếp như thủ kho, thủ quỹ, bảo vệ hoặc người khác được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp tài sản đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp dẫn đến mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại về tài sản. Những quy định đó có thể là quy định thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính như ghi sổ, thu, chi, thanh toán... hoặc quy định về kỹ thuật quy tắc bảo dưỡng, vận hành, sử dụng máy móc, trang thiết bị.

Mất mát tài sản là để cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thoát khỏi sự kiểm soát, quản lý của người có trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý tài sản đó.

Ví dụ: A. là Thủ quỹ của đơn vị B., do sơ xuất A. đã làm mất của đơn vị B. với tổng số tiền là 120.000.000 đồng. Quá trình điều tra xác minh, làm rõ A. không chiếm đoạt tham ô tài sản, do đó A. thực hiện hành vi với lỗi vô ý và A. phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 179 BLHS.

Hư hỏng tài sản là làm cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị mất đi một bộ phận, hỏng bộ phận nào đó mà muốn sử dụng, khai thác được thì phải chi phí sửa chữa lớn.

Ví dụ: Trần Văn A. là nhân viên bảo vệ của Công ty B. (thuộc Nhà nước) có nhiệm vụ trông coi lô hàng để ngoài trời, phải tiến hành che đậy khi trời mưa. Ngày 12/11/2020, mặc dù trời mưa to nhưng Trần Văn A. bỏ vị trí trực, đi làm việc riêng, không che đậy lô hàng. Hậu quả, lô hàng có giá trị 150.000.000 đồng bị hư hỏng hoàn toàn không thể khắc phục được. Như vậy, hành vi của Trần Văn A. đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước” quy định tại khoản 1 Điều 179 BLHS.

Hành vi thiếu trách nhiệm để mất mát, hư hỏng tài sản chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả của tội phạm xảy ra. Hậu quả của tội phạm là gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Thiệt hại về tài sản phải do chính hành vi thiếu trách nhiệm gây ra mới là hậu quả của tội phạm này, nếu thiệt hại đó không phải do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra thì không được tính để xác định hậu quả.

Nếu đối tượng bị thiệt hại cũng là tài sản nhưng là tài sản đặc biệt như vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì người có hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 308 BLHS.

Như vậy, trường hợp người có nhiệm vụ quản lý trực tiếp tài sản đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của mình mà vẫn bị mất mát, hư hỏng, lãng phí do những nguyên nhân khách quan thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự, vì không có mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố nêu trên (ví dụ: Thủ kho đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống cháy nổ nhưng vì nguyên nhân khách quan do bị sét đánh dẫn đến kho bị cháy, nổ…gây thiệt hại về tài sản).

Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực TNHS và có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Người có trách nhiệm quản lý gián tiếp đối với tài sản như Thủ trưởng đơn vị không phải là chủ thể của tội này.

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi vô ý. Dưới hình thức lỗi vô ý vì quá tự tin, người phạm tội tuy thấy trước hành vi thiếu trách nhiệm của mình làm mất mát, hư hỏng, lãng phí có thể gây ra thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Còn dưới hình thức lỗi vô ý do cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hành vi thiếu trách nhiệm của mình làm mất mát, hư hỏng, lãng phí có thể gây ra thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Về hình phạt: Điều 179 BLHS quy định 03 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau: Khung 1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Khung 2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Khung 3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

2. Tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (Điều 360 BLHS)

Các yếu tố cấu thành tội phạm:

Về khách thể: Khách thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức.

Về mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi thiếu trách nhiệm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của người có chức vụ, quyền hạn được biểu hiện như: Vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý Nhà nước, quản lý con người, quản lý tài sản...

Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm chỉ được coi là hoàn thành khi một trong những hậu quả sau đây xảy ra: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Về chủ thể: Chủ thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức liên quan đến hành vi phạm tội mới là chủ thể của tội phạm này.

Về mặt chủ quan: tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được thực hiện do vô ý. Các dấu hiệu về vô ý phạm tội được quy định tại Điều 11 BLHS. Có hai trường hợp vô ý phạm tội: Trường hợp thứ nhất người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì quá tự tin”. Trường hợp thứ hai người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì cẩu thả”.

Động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm mà người phạm tội có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Về hình phạt: Điều 360 BLHS quy định 03 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

Khung 1: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Điểm giống nhau, khác nhau giữa hai tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"

Điểm giống nhau:

- Hai tội đều được thực hiện do lỗi vô ý.

- Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của cả hai tội.

Điểm khác nhau: 

- tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu. tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ,

- Chủ thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" phải là người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản, đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là chủ thể đặc biệt, những người có chức vụ, quyền hạn mới là chủ thể của tội phạm này.

- tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" người phạm tội chỉ gây thiệt hại về tài sản. Đối với tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" ngoài thiệt hại về tài sản, người phạm tội còn gây ra những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người khác, tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn đến sức khỏe của người khác.

- tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", trách nhiệm của người phạm tội là trách nhiệm gián tiếp đối với hậu quả xảy ra (hành vi thiếu trách nhiệm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng). Đây là dấu hiệu để phân biệt với tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".

- Hình phạt tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" nhẹ hơn so với hình phạt quy định đối với tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

4. Một số trường hợp định tội danh đối với 02 tội này trong thực tiễn:

Ví dụ 1: Lê Văn K. quen biết với Ngô Văn D. từ năm 2016 và D. làm vườn cho K. Khoảng đầu tháng 5/2019, K. đặt vấn đề và được D. đồng ý vào khu vực thôn 10, xã Ia Nan, huyện Đ., tỉnh G. phá làm chết cây cao su của Đội 1, Công ty TNHH MTV A, K. trả cho D. tiền công 30.000.000 đồng. Trước khi thực hiện, K. chỉ vị trí để D. biết. Khoảng cuối tháng 5/2019, D. thuê Trần Văn Th. cùng phá cây cao su, Th. đồng ý và D. trả tiền công cho Th 500.000đ/ngày. D. chuẩn bị máy khoan, bình ắc quy, bộ kích điện và thuốc diệt cỏ, sau đó D. và Th. vào phá cây cao su từ khoảng 18 giờ chiều hôm trước đến 03 giờ sáng hôm sau thì nghỉ. D. dùng khoan điện khoan vào thân cây cao su, còn Th. dùng thuốc diệt cỏ đã chuẩn bị trước đổ vào lỗ khoan. Với cách thức này, D. và Th. thực hiện 10 ngày vào cùng khoảng thời gian trên, đã khoan bơm thuốc diệt cỏ vào thân cây cao su, sau đó làm 290 cây cao su chết. D. trả tiền công cho Th. 5.000.000 đồng rồi thông báo cho K. biết đã phá hết cây cao su theo yêu cầu của K. và được K. trả cho D. số tiền 30.000.000 đồng. 

Vào tháng 10/2017, Trần Ngọc H. đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV A. về việc làm bảo vệ của công ty, được phân công thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ cây cao su thường xuyên, phát hiện, báo cáo kịp thời các vụ việc phá, khoan cây trái phép, các vụ việc lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các lô cao su số 1, số 2 và số 3 của Đội 1 thuộc Công ty TNHH MTV A.; theo hợp đồng 01 tuần chỉ được nghỉ 01 ngày chủ nhật, 01 năm được nghỉ phép 20 ngày, khi nghỉ phép phải báo cáo để cử người trực thay. 

Tại Kết luận về việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 21/KL- HĐĐGTS ngày 26/7/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuộc UBND huyện Đ., tỉnh G. kết luận: 290 cây cao su trồng năm 2010 thuộc lô cao su số 1 và số 2 của Đội 1 thuộc Công ty TNHH MTV A tại thời điểm định giá có giá trị là 127.020.000 đồng. 

Trong vụ án trên, việc xác định tội danh, điều luật đối với từng người có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Lê Văn K. đặt vấn đề thuê và được Ngô Văn D. đồng ý, đồng thời D. tiếp tục thuê Trần Văn Th. cùng thực hiện hành vi khoan vào thân cây cao su, sử dụng xilanh bơm thuốc diệt cỏ vào các lỗ khoan để cho các cây cao su chết tại các lô cao su số 1 và số 2 của Đội 1 thuộc Công ty TNHH MTV A. Hậu quả của hành vi làm cho 290 cây cao su bị chết, giá trị tài sản bị thiệt hại 127.020.000 đồng. Có căn cứ xác định Lê Văn K., Ngô Văn D., Trần Văn Th. phạm tội “Hủy hoại tài sản” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 178 BLHS. Không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với Trần Ngọc H.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm tác giả: nhất trí với quan điểm 1 nhưng bổ sung nội dung sau: Đối với Trần Ngọc H. là bảo vệ của Công ty, được phân công nhiệm vụ quản lý, bảo vệ cây cao su tại các lô số 1, 2 và 3 của Đội 1; theo đó chịu trách nhiệm thường xuyên tuần tra, kiểm soát từng lô; nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm hại đến cây cao su của Công ty TNHH MTV A. Do đó, phải xác minh làm rõ H. thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công như thế nào? Nếu như H. không kiểm tra từng lô cao su, tự ý bỏ trực, không báo cáo, không xin phép trong thời điểm Lê Văn K., Ngô Văn D., Trần Văn Th. thực hiện hành vi hủy hoại tài sản và với kết luận định giá tài sản nêu trên thì có đủ cơ sở xác định Trần Ngọc H phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 360 BLHS.

Ví dụ 2: Từ tháng 02/2020 đến đầu tháng 4/2020, với chức vụ Trạm trưởng, Trịnh Văn P. được giao nhiệm vụ phân công, đôn đốc, giám sát, quản lý, bảo vệ rừng nhưng đã không kiểm tra, phát hiện kịp thời, không báo cáo đúng sự thật, không làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình để các đối tượng khai thác trái phép 05 cây gỗ Lim nhóm IIA với khối lượng 10,8m3 tại khoảnh 5 tiểu khu 234 thuộc địa bàn Trạm quản lý, gây thiệt hại số tiền 175.349.000 đồng. Xác định tội danh, điều luật đối với Trịnh Văn P. có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Với nội dung vụ án nêu trên có đủ cơ sở xác định Trịnh Văn P. phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định tại khoản 1 Điều 179 BLHS.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm tác giả: Chủ thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" phải là người có trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Người có trách nhiệm quản lý gián tiếp đối với tài sản như thủ trưởng đơn vị không phải là chủ thể của tội này, trong vụ án trên Trịnh Văn B. là Trạm trưởng, vì vậy P. không phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”, với hành vi và hậu quả gây ra có đủ cơ sở xác định Trịnh Văn P. phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 360 BLHS.

Ví dụ 3: Nguyễn Văn N. là chấp hành viên được phân công thực hiện quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành khoản bồi thường theo bản án dân sự của TAND tỉnh B. Khi thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Văn N. không điều tra xác minh đầy đủ tài sản thi hành án; kê biên tài sản gắn liền trên đất là nhà xưởng, nhà kho nhưng không mở khóa cửa kho để xác định tài sản có trong kho. Sau khi kê biên chậm thực hiện việc thông báo cho Doanh nghiệp H., gây thiệt hại tài sản đối với Doanh nghiệp H. 250.000.000 đồng. Xác định tội danh, điều luật đối với Nguyễn Văn N. có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn N. là chấp hành viên đã thiếu trách nhiệm khi kê biên tài sản gắn liền trên đất là nhà xưởng, nhà kho; không mở khóa cửa kho để xác định tài sản có trong kho. Sau khi kê biên chậm thực hiện việc thông báo cho Doanh nghiệp H., gây thiệt hại tài sản đối với Doanh nghiệp H. số tiền 250.000.000 đồng, có đủ cơ sở xác định Nguyễn Văn N. phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định tại khoản 1 Điều 179 BLHS.

Quan điểm tác giả: Chấp hành viên Nguyễn Văn N. là người có trách nhiệm quản lý gián tiếp đối với tài sản không phải là chủ thể của tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Trong vụ án Nguyễn Văn N. đã thiếu trách nhiệm không điều tra xác minh đầy đủ tài sản thi hành án; kê biên tài sản gắn liền trên đất là nhà xưởng, nhà kho; không mở khóa cửa kho để xác định tài sản có trong kho. Sau khi kê biên chậm thực hiện việc thông báo cho Doanh nghiệp H., gây thiệt hại tài sản đối với Doanh nghiệp H. số tiền 250.000.000 đồng. Với chức trách nhiệm vụ được giao và hậu quả gây ra có đủ cơ sở xác định Nguyễn Văn N. phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 360 BLHS.

Như vậy, qua các ví dụ trên cho thấy còn có nhận thức, quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh, điều luật đối với từng trường hợp. Do đó, những vấn đề này cần phải được làm rõ, đưa ra hướng xử lý chính xác, chặt chẽ để công tác xét xử đảm bảo thống nhất, đạt hiệu quả cao.

5. Đề xuất, kiến nghị

Điều 179 và Điều 360 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã hoàn thiện, đầy đủ, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn còn có những quan điểm khác nhau. Vì vậy, Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể để áp dụng chính xác, thống nhất, tránh tình trạng có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau để bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA

Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Nhận diện các sai sót trong quyết định giám đốc thẩm đối với các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc

Nguyễn Hoàng Lâm