/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về vấn đề bị cáo vắng mặt tại phiên tòa hình sự

Bàn về vấn đề bị cáo vắng mặt tại phiên tòa hình sự

20/01/2023 12:49 |

(LSVN) - Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đã có quy định về quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong đó có quy định về tham gia phiên tòa, đây vừa là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ của bị cáo. Tuy nhiên vấn đề này trong thực tiễn giải quyết vấn đề bị cáo vắng mặt tại phiên tòa vẫn có nhiều quan điểm khác nhau.

Ảnh minh họa.

Cơ sở pháp lý

Theo quy định tại Điều 61 BLTTHS bị cáo có quyền:

“b) Tham gia phiên tòa;

….

3. Bị cáo có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã”.

Như vậy, trong quy định tại Điều 61 của BLTTHS thì việc tham gia phiên tòa vừa là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ của bị cáo, thể hiện dưới hai phương diện:

Thứ nhất, việc tham gia phiên tòa khi là quyền nhằm giúp cho bị cáo tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình trước các cáo buộc từ các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến hành vi phạm tội hoặc sự thỏa thuận với các thành phần tham gia tố tụng khác, bị cáo có quyền trình bày ý kiến về các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và hành vi của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng; tự mình hỏi hoặc đề nghị người khác hỏi; đưa ra chứng cứ tài liệu… Như vậy việc tham gia phiên tòa là quyền rất quan trọng của bị cáo.

Thứ hai, khi việc tham gia phiên tòa là nghĩa vụ của bị cáo trước hết đó là sự chấp hành của bị cáo đối với yêu cầu của Tòa án khi được triệu tập, đồng thời, bị cáo có nghĩa vụ khi tham gia phiên tòa để làm căn cứ cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định vụ án khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Quyền và nghĩa vụ của bị cáo khi tham gia phiên tòa đi liền với nhau là hai mặt đối lập nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 290 BLTTHS Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa thì Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:

- Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả:  Khi có các căn cứ cho rằng bị cáo bỏ trốn khỏi nơi cư trú đã tiến hành xác minh nhưng không biết bị cáo đang cư trú ở đâu thì tiến hành truy nã, việc truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn xét xử được quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã do Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - Tòa án nhân dân Tối cao. Theo đó, nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 BLTTHS mà việc truy nã bị can vẫn chưa có kết quả, thì Tòa án áp dụng Điều 180 BLTTHS ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Trường hợp đã mở phiên tòa mà bị cáo bỏ trốn, thì Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 187 BLTTHS ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

- Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa, đây là trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định được chính xác việc bị cáo đang ở nước ngoài mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp nhưng bị cáo không thể tham gia phiên tòa.

- Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;

- Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

Một số bất cập, hạn chế

Trong quy định của BLTTHS về vấn đề bị cáo vắng mặt tại phiên tòa quy định trong một số trường hợp cụ thể, tuy nhiên, trong thực tiễn việc bị cáo vắng mặt tại phiên tòa cũng có nhiều quan điểm xử lý khác nhau: 

Ví dụ: Bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh M xét xử vụ án Nguyễn Văn H. bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 08 (Tám) tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn H. có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, bản thân bị cáo đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính và là người nghiện ma túy, nhân thân phức tạp. Theo quyết định của bản án phúc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với lý do việc xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng bao gồm cả bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt nên không thể xem xét khách quan, toàn diện nội dung vụ án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo cũng như mức hình phạt cần áp dụng đối với bị cáo. Một số tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn và cần xác minh đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 358 BLTTHS về các trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại tại cấp sơ thẩm thì việc vắng mặt tất cả các thành phần tham gia tố tụng trong đó có bị cáo có thuộc trường hợp hủy án theo quy định tại khoản 2 Điều 358 BLTTHS hay không? Vấn đề này hiện nay có quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Về lý do hủy bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại như trên chưa phù hợp vì bị cáo và các thành phần tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa phúc thẩm và các nội dung đề cập trong bản án phúc thẩm nêu trên Tòa án cấp phúc thẩm xử lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền theo quy định của BLTTHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong vụ án nêu trên các lý do hủy bản án hình sự sơ thẩm thuộc trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung, lý do vắng mặt tại phiên tòa của bị cáo không thuộc trường hợp khách quan hoặc vì lý do chính đáng nhưng cấp sơ thẩm đã không thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định của BLTTHs nên việc hủy bản án hình sự sơ thẩm là có căn cứ.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Mặc dù bị cáo và các thành phần tố tụng khác vắng mặt tại phiên tòa nhưng xét về mặt bản chất vụ án như kết quả phiên tòa phiên tòa sơ thẩm gần nhất thì không oan sai, bỏ lọt tội phạm tức là đúng bản chất của vụ án nên việc hủy bản án là không đúng quy định của pháp luật.

Theo quan điểm của tác giả mặc dù pháp luật quy định cụ thể các trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo nhưng suy cho cùng thể hiện trong các dạng sau đây:

Một là không thể xác định được bị cáo đang ở đâu mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như truy nã nhưng không có kết quả.

Hai là biết được bị cáo đang sinh sống, cư trú ở nước ngoài nhưng đã áp dụng tất cả các biện pháp nhưng bị cáo không tham gia phiên tòa được.

Ba là việc vắng mặt bị cáo vì lý do khách quan hoặc thuộc trường hợp bất khả kháng mặc dù đã thực hiện các biện pháp theo quy định nhưng bị cáo không thể tham gia phiên tòa.

Như đã phân tích ở trên việc tham gia phiên tòa là quyền của bị cáo nhưng đồng thời là nghĩa vụ của bị cáo, mặc dù BLTTHS quy định trường hợp bị cáo xin xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận theo chúng tôi việc bị cáo vắng mặt tại phiên tòa và được Hội đồng xét xử chấp nhận khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

Một là hồ sơ vụ án đảm bảo chặt chẽ, tình tiết vụ án đơn giản, bị cáo phạm tội quả tang.

Hai là có mâu thuẫn, bất hợp lý trong vụ án nhưng đã tiến hành trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không là thay đổi bản chất vụ án.

Ba là tại phiên tòa có các thành phần tham gia tố tụng khác có mặt và cùng với các tài liệu chứng cứ khác thì Hội đồng xét xử có căn cứ để đủ điều kiện xử lý các vấn đề phát sinh trong vụ án thì lúc này việc vắng mặt bị cáo.

Từ những sự phân tích nêu trên việc Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh M hủy bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại vì vắng mặt tất cả các thành phần tham gia tố tụng trong đó có bị cáo là đúng quy định của pháp luật vì lý do vắng mặt bị cáo không thuộc khách quan hoặc bất khả kháng, quá trình giải quyết vụ án vắng mặt tất cả các thành phần tham gia tố tụng sẽ ảnh hướng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện và đầy đủ vụ án.

Kiến nghị hoàn thiện

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp bị cáo vắng mặt tại phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 BLTTHS về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa “Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận”. Theo tác giả chỉ xét xử vắng mặt bị cáo áp dụng đối với các vụ án đủ điều kiện áp dụng theo thủ tục rút gọn tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS bao gồm:

“a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;

b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”.

TRẦN VĂN HÙNG

Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam

Bùi Thị Thanh Loan