Thư ký Tòa án là một chức danh tố tụng, tham gia phiên tòa là "Người tiến hành tố tụng", tuy nhiên quy định về sự vắng mặt của Thư ký tại phiên tòa hình sự theo quy định của BLTTHS năm 2015 còn có những bất cập.
Thư ký Tòa án là một chức danh tố tụng, người Thư ký Tòa án tham gia phiên tòa là "Người tiến hành tố tụng" theo quy định của BLTTHS năm 2015. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thư ký Tòa án trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 47 BLTTHS năm 2015, theo đó:
“1. Thư ký Tòa án được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do;
b) Phổ biến nội quy phiên tòa;
c) Báo cáo Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa và những người vắng mặt;
d) Ghi biên bản phiên tòa;
đ) Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
Thư ký Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án Tòa án về hành vi của mình.”.
Thư ký phiên tòa vắng mặt
Thư ký Tòa án tham gia phiên tòa với tư cách là người tiến hành tố tụng, gọi là Thư ký phiên tòa; đây là một chức danh tố tụng được thực hiện các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ nhất định. Điều 288 và Điều 349 BLTTHS năm 2015 quy định về sự có mặt của thành viên HĐXX và Thư ký Tòa án, phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên HĐXX và Thư ký phiên tòa, nếu vắng mặt Thư ký mà không có Thư ký thay thế thì phải tạm ngừng phiên tòa.
Có nhiều quan điểm cho rằng việc vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa dẫn đến phải tạm ngừng phiên tòa trên thực tiễn rất hiếm khi xảy ra, thậm chí có thể không xảy ra. Tác giả cho rằng, các nhà làm luật khi xây dựng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 251 BLTTHS năm 2015 đã dự liệu cho trường hợp có thể xảy ra trong tương lai, cũng như dựa trên sự tổng kết, đánh giá từ thực tiễn. Theo đó, trong trường hợp vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa, thì phiên tòa phải được tạm ngừng và việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 251 BLTTHS năm 2015.
Đồng thời, đối chiếu với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 299 BLTTHS năm 2015, thì trường hợp vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa không thuộc trường hợp HĐXX phải thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập văn bản, nhưng HĐXX phải thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thư ký Tòa án là ghi biên bản phiên tòa và mọi diễn biến từ khi bắt đầu phiên tòa cho đến khi kết thúc phiên tòa phải được thể hiện vào biên bản phiên tòa. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 251 với khoản 3 Điều 299 BLTTHS năm 2015 cho thấy có sự không tương thích, bởi vì trong trường hợp Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa thì ai sẽ là người ghi biên bản phiên tòa.
Nên sửa đổi khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015
Theo tác giả, trong trường hợp Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa, thì đây được coi là trường hợp ngoại lệ không phải ghi lại diễn biến phiên tòa, nhưng HĐXX phải thảo luận tại phòng nghị án và lập văn bản. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 theo hướng: “Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa, trừ trường hợp tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa”. Và bổ sung vào khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản”.
Việc bổ sung các quy định trên nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn khi vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa, thì không thể ghi lại diễn biến tại phiên tòa, mà phải thông qua HĐXX thảo luận tại phòng nghị án và lập thành văn bản. Đồng thời, cũng đảm bảo sự thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong tình huống tương tự: do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa và không có người thay thế được, thì phiên tòa phải được tạm ngừng và phải được HĐXX thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản.
Vắng mặt Thư ký phiên tòa và Kiểm sát viên?
Trên đây là trường hợp phiên tòa vắng mặt riêng Thư ký phiên tòa, vậy trường hợp vừa vắng mặt Thư ký phiên tòa, vừa vắng mặt Kiểm sát viên hoặc bị cáo hoặc những đương sự quan trọng khác thì giải quyết ra sao?
Trong trường hợp vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 251 BLTTHS năm 2015, thì phiên tòa được tạm ngừng. Đối với các trường hợp vắng mặt Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và người làm chứng về vấn đề quan trọng của vụ án thì phải hoãn phiên tòa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 297 BLTTHS năm 2015.
Tuy nhiên, trong trường hợp phiên tòa được mở lần thứ nhất nhưng vắng mặt đồng thời Thư ký Tòa án và Kiểm sát viên hoặc bị cáo hoặc người bào chữa hoặc bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ hoặc người làm chứng về vấn đề quan trọng của vụ án, thì phải tạm ngừng phiên tòa hay phải hoãn phiên tòa.
Theo tác giả, để đảm bảo quyền lợi của những người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa, cũng như đảm bảo cho việc thực hiện thủ tục cấp, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án bằng hình thức niêm yết đúng thời hạn luật định (do thông thường trong trường hợp này những người tham gia tố tụng vắng mặt thường không rõ địa chỉ hoặc không rõ họ đang ở đâu).
Bởi vì, trường hợp hoãn phiên tòa thì thời hạn tối đa đến 30 ngày kể từ ngày hoãn phiên tòa; còn tạm ngừng phiên tòa thì thời hạn chỉ có 05 ngày kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa, nếu không thể tiếp tục xét xử vụ án thì cũng phải hoãn phiên tòa. Cho nên, trong trường hợp phiên tòa được mở lần thứ nhất nhưng vắng mặt đồng thời Thư ký Tòa án và Kiểm sát viên hoặc bị cáo hoặc người bào chữa hoặc bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ hoặc người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án thì cần phải hoãn phiên tòa sẽ hợp lý hơn.
Trên đây là một số ý kiến của tác giả về một số bất cập trong quy định về sự vắng mặt của Thư ký Tòa án tại phiên tòa hình sự theo quy định của BLTTHS năm 2015, rất mong nhận được sự trao đổi, thảo luận của bạn đọc và đồng nghiệp.
Ths. NGUYỄN ANH CHUNG (TAQS Quân khu 5) / TAPCHITOAAN