Ảnh minh họa.
Điều 2 Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) quy định công ước này không được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, mua bán hàng hóa tiêu dùng cho cá nhân, gia đình, nội trợ
Theo giải thích của cơ quan soạn thảo CISG, các giao dịch mua bán hàng hoá hoàn toàn vì mục đích tiêu dùng cho cá nhân, gia đình, nội trợ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG nếu người bán đã biết về mục đích này trước hoặc tại thời điểm giao kết hợp đồng; hoặc mục đích này là hiển nhiên. Để xác định tính hiển nhiên của mục đích tiêu dùng cho cá nhân, gia đình, nội trợ, ta cần xem xét các yếu tố khách quan như bản chất của hàng hoá, số lượng hàng hoá, địa chỉ giao hàng.
Tuy nhiên, nếu hàng được mua bởi một cá nhân cho mục đích kinh doanh, giao dịch đó sẽ được điều chỉnh bởi CISG. Theo đó, các giao dịch cụ thể như một người chụp ảnh chuyên nghiệp mua máy camera để dùng cho công việc, một doanh nghiệp mua xà phòng hay các sản phẩm vệ sinh văn phòng cho nhân viên dùng hay một người mua một xe máy cũ để bán lại đều thuộc phạm vi áp dụng của CISG.
Thứ hai, các hàng hoá được mua bán thông qua bán đấu giá
Bán đấu giá là cách thức mua bán đặc biệt, các chủ thể phải tuân thủ các quy chế đặc thù. Các bên trong hợp đồng mua bán phải thông qua trung gian mà không có thoả thuận trực tiếp. Thêm vào đó, với cách thức bán đấu giá, cách trả giá có tính chất đặc thù và giá cả không phản ánh đúng giá trị của hàng hoá. Do đó, CISG không áp dụng cho đối với các giao dịch dưới hình thức bán đấu giá.
Bên cạnh đó, bởi vì giao dịch bán đấu giá có các quy định đặc thù trong pháp luật của các quốc gia nên nên để những giao dịch này tiếp tục được điều chỉnh bởi những quy định đó mặc dù người đấu giá thành công có thể đến từ một quốc gia khác.
Thứ ba, mua bán hàng hoá nhằm thực thi pháp luật hoặc quyền lực khác theo luật; mua bán cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán, chứng từ có giá, chứng từ lưu thông tiền tệ; mua bán tàu thủy, máy bay, phương tiện vận tải bằng khinh khí cầu; mua bán điện năng.
Hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải là hàng hoá phổ biến được mua bán trên thị trường quốc tế. Những hàng hoá như máy bay, tàu thủy, cổ phiếu, cổ phần, điện năng… là những hàng hóa có tính chất đặc biệt do chúng có giá trị lớn, liên quan tới an ninh quốc gia, lãnh thổ, cách thức mua bán đặc biệt.
Hiện nay, việc mua bán các loại hàng hoá đặc biệt này được điều chỉnh bởi các quy định đặc thù. CISG không điều chỉnh các hợp đồng liên quan tới việc mua bán các loại hàng hoá chịu sự điều chỉnh của các hệ thống pháp luật khác nhau nhằm tránh gây nên xung đột giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia để thực hiện mục tiêu hài hoà hoá pháp luật.
Mặc dù CISG không điều chỉnh hợp đồng mua bán điện năng nhưng từng có trường hợp cơ quan tài phán áp dụng CISG để điều chỉnh hợp đồng mua bán gas. Cụ thể là vụ CLOUT case No. 176 [Oberster Gerichtshof, Austria, 6 February 1996].
Thứ tư, các hợp đồng mua bán mà trong đó bên mua có nghĩa vụ cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hoặc sản xuất hàng hóa; các hợp đồng mà phần chủ yếu của hợp đồng là cung ứng lao động hoặc dịch vụ khác
Điều 3.1 CISG quy định: “Các hợp đồng cung ứng hàng hóa được gia công hoặc sản xuất được xem là hợp đồng mua bán, trừ trường hợp bên đặt hàng có nghĩa vụ cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hoặc sản xuất hàng hóa đó.”.
Như vậy, các hợp đồng mua bán hàng hoá được gia công hoặc sản xuất thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG nếu các hàng hoá đó gần như đã được làm sẵn (as much as ready-made goods). Nếu người mua cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hoặc sản xuất hàng hóa thì hợp đồng đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG.
Ngoài ra, một vấn đề phát sinh rằng liệu việc người mua cung cấp chỉ dẫn, thiết kế, thống số kĩ thuật liên quan đến hàng hoá để người bán tiến hành gia công hoặc sản xuất hàng hoá có tương đương với việc “cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết” hay không? Dựa trên tinh thần của cơ quan soạn thảo CISG khi giải thích Điều 3, việc người mua cung cấp chỉ dẫn, thiết kế, thống số kĩ thuật liên quan đến hàng hoá để người bán tiến hành gia công hoặc sản xuất hàng hoá không cấu thành việc cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết.
Điều 3.2 quy định: “Công ước này không áp dụng đối với các hợp đồng mà trong đó, nghĩa vụ chủ yếu của bên giao hàng là cung ứng lao động hoặc các dịch vụ khác.”.
Trong một hợp đồng mua bán hàng hoá, ngoài các nghĩa vụ cơ bản như giao hàng, giao chứng từ liên quan đến hàng hoá và chuyển giao quyền sở hữu thì người bán có thể sẽ phải cung ứng lao động hoặc các dịch vụ khác. Hợp đồng mua bán này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG miễn là phần nghĩa vụ cung ứng lao động hoặc các dịch vụ khác không cấu thành phần chủ yếu (preponderant part) của hợp đồng. Tính chủ yếu được đánh giá dựa trên giá trị kinh tế của phần nghĩa vụ đó. Nếu phần nghĩa vụ liên quan đến cung ứng lao động hoặc dịch vụ khác chiếm trên 50% giá trị kinh tế tổng thể nghĩa vụ của người bán thì hợp đồng trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG.
Thứ năm, hiệu lực của hợp đồng hoặc của bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng hoặc hiệu lực của bất kỳ tập quán nào mà các bên áp dụng; sự tác động, ảnh hưởng có thể phát sinh từ hợp đồng đối với quyền sở hữu hàng hoá; trách nhiệm của người bán đối với thiệt hại mà hàng hoá gây ra cho bất kì người nào
Vấn đề này được quy định rõ ràng tại Điều 4, Điều 5 của CISG. CISG không điều chỉnh các vấn đề trên mà nhường lại cho pháp luật quốc gia điều chỉnh.
Tuy nhiên, dựa trên một số án lệ và phần giải thích của cơ quan soạn thảo CISG, bất kì khiếu nại bối thường thiệt hại gây ra bởi sự không phù hợp của hàng hoá sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG mà không thuộc ngoại lệ tại Điều 5. Theo đó, người mua phải thông báo người bán về sự không phù hợp của hàng hoá mà gây ra thiệt hại để không mất quyền khiếu nại. Ngoài ra, trong trường hợp thiệt hại gây ra bởi sự vận chuyển hàng hoá mà không phải bởi hàng hoá, vấn đề trách nhiệm pháp lý sẽ do pháp luật quốc gia điều chỉnh.
Thứ sáu, các trường hợp quốc gia thành viên đưa ra tuyên bố bảo lưu hiệu lực của CISG tại Điều 92, 93, 94, 95
Theo Điều 92, một quốc gia thành viên đưa ra tuyên bố bảo lưu đối với Phần II hoặc Phần III của CISG thi quốc gia đó không được xem là “Quốc gia thành viên” theo nghĩa của khoản 1 Điều 1 CISG đối với các vấn đề pháp lý thuộc đối tượng điều chỉnh của Phần mà họ đưa ra tuyên bố bảo lưu. Theo đó, khi có nguyên tắc tư pháp dẫn chiếu tới hệ thống pháp luật của một quốc gia thành viên CISG đã đưa ra tuyên bố bảo lưu theo Điều 92 thì tuỳ thuộc vào vấn đề pháp lý và phạm vi bảo lưu mà CISG sẽ được áp dụng một phần.
Điều 93 dành cho các quốc gia thành viên có từ hai đơn vị lãnh thổ trở lên mà có các hệ thống pháp luật khác nhau áp dụng đối với các vấn đề pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG. Nhìn chung, một quốc gia có quyền tuyên bố, vào thời điểm ký, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập, rằng Công ước này sẽ áp dụng đối với tất cả các đơn vị lãnh thổ của họ hoặc chỉ một hoặc chỉ một số đơn vị lãnh thổ. Nếu CISG được áp dụng tại chỉ một hoặc chỉ một số đơn vị lãnh thổ của quốc gia đó, thì hợp đồng có các bên có trụ sở kinh doanh đặt tại phần lãnh thỗ được tuyên bố không được áp dụng CISG sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG.
Điều 94 quy định về trường hợp có các quy phạm pháp luật quốc gia tương đồng hoặc tương tự đối với các vấn đề pháp lý thuộc đối tượng điều chỉnh của CISG thì quốc gia thành viên có quyền tuyên bố bảo lưu hiệu lực CISG.
Điều 95 cho phép một Quốc gia có quyền tuyên bố, vào thời điểm gửi văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập, rằng họ không bị ràng buộc bởi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Công ước này.
MỸ LINH