Bộ Y tế lý giải nguyên nhân cơ sở y tế không mua được thuốc

18/12/2023 15:39 | 5 tháng trước

(LSVN) - Bộ Y tế cho rằng, các cơ sở y tế, các địa phương không bị thiếu các loại thuốc trúng thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá. Tuy nhiên, trong năm 2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn giám sát việc cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế. Qua đó, cho thấy, việc chưa có kết quả đấu thầu thuốc đối với danh mục các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu phần lớn do nguyên nhân khách quan là nhân lực thực hiện công tác mua sắm thuốc tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế vừa qua. Theo Bộ Y tế, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã phê duyệt kết quả đầu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 100 thuốc. Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả đàm phán giá với 64 thuốc biệt dược gốc.

Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và có thời gian hiệu lực 24 tháng.

Theo đó, các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ được thực hiện kết quả đấu thầu tập trung quốc gia đến hết ngày 31/8/2024 và đàm phán giá đến cuối năm 2024, đầu năm 2025. Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng, các cơ sở y tế, các địa phương không bị thiếu các loại thuốc trúng thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá.

Tuy nhiên, trong năm 2023, Trung tâm đã tổ chức nhiều đoàn giám sát việc cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế. Qua đó, cho thấy, việc chưa có kết quả đấu thầu thuốc đối với danh mục các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu phần lớn do nguyên nhân khách quan là nhân lực thực hiện công tác mua sắm thuốc tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu.

Nhiều cán bộ, nhân viên vừa phải đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh vừa tham gia công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Sau dịch Covid-19, các cơ sở y tế xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh của người dân. Để giải quyết thực trạng này, tháng 3/2023, Chính phủ đã liên tiếp ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP (Nghị định 07) sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP (Nghị quyết 30) về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Đây là 2 văn bản được ví như "cửa mở" để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Nhiều đơn vị lo lắng về cơ sở pháp lý thực hiện mua sắm, đấu thầu trong những năm tiếp theo; đã có bệnh viện đề xuất kéo dài hiệu lực của 2 văn bản này.

Theo Bộ Y tế, Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.

DUY ANH (t/h)

Từ khoá : lsvn.vn LSVN Bộ Y tế