/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bức cung, dùng nhục hình và vấn đề đạo đức trong tố tụng hình sự

Bức cung, dùng nhục hình và vấn đề đạo đức trong tố tụng hình sự

03/03/2021 15:00 |

(LSVN) – Để giảm thiểu những vụ việc bức cùng, dùng nhục hình thì ngoài việc tăng cường cơ chế giám sát, thực hiện nghiêm túc những nội dung được quán triệt trong Thông tư 126/TT-BCA của Bộ công an, thực hiện ghi âm ghi hình, thì cần phải nâng cao đạo đức, tác phong, kỷ luật của cán bộ, những người tiến hành tố tụng, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Với hoạt động ghi hình trong tố tụng hình sự thì cần phải giao việc quản lý dữ liệu cũng như quản lý về việc tổ chức ghi hình cho viện kiểm sát hoặc cơ quan thứ ba. Trường hợp để cho cơ quan điều tra vừa sử dụng thiết bị ghi hình, vừa quản lý dữ liệu hình ảnh thì cũng khó để đảm bảo tính khách quan.

Ảnh minh họa.

Thông tư 126/TT-BCA của Bộ công an Quy định về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của công an nhân dân nhằm siết chặt kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức, trách nhiệm, tác phong cũng như trình độ nghiệp vụ của cán bộ điều tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, Thông tư quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân có một số nội dung đáng chú ý như: Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm những việc quy định tại Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm những việc như:

- Tự ý tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và đơn thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công; tự ý tiến hành các hoạt động điều tra không theo kế hoạch điều tra đã được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phê duyệt.

- Không được thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, đồ vật, vật chứng của vụ việc, vụ án hoặc bằng các phương thức khác làm sai lệch nội dung vụ việc, vụ án.

- Điều tra viên không tiếp người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác ngoài trụ sở cơ quan Công an, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

- Không được ăn uống, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác. Lợi dụng danh nghĩa công tác để gặp gỡ, nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào.

Đặc biệt là không được bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào; tiết lộ bí mật, thông tin, tài liệu vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai với người không có trách nhiệm.

Không được cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực trại tạm giam, nhà tạm giữ); trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, vụ việc…

Có thể nói rằng, Thông tư này đã liệt kê rất nhiều những nội dung cấm, những hành vi bị cấm trong hoạt động điều tra để đảm bảo việc điều tra vụ án hình sự được thực hiện một cách khách quan, công bằng, đảm bảo an toàn và tránh được những tiêu cực, khuất tất, tham nhũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trong thời gian vừa qua rất nhiều cán bộ điều tra bị xử lý hình sự về các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp trong đó các hành vi như bức cung, dùng nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra quyết định trái pháp luật, nhận hối lộ... là những hành vi phổ biến. Dù sự việc đã bị khởi tố, bị xử lý bằng chế tài hình sự. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Bởi vậy việc bộ công an ban hành thông tư để siết chặt kỷ luật kỷ cương, đảm bảo cho hoạt động điều tra được thực hiện một cách công bằng, đúng pháp luật, giảm bớt những nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật của cán bộ điều tra là cần thiết.

Tuy nhiên để văn bản này đi vào đời sống, trở thành công cụ hữu hiệu thì cần phải tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc ở tất cả các cơ quan điều tra. Khi thực hiện tốt những quy định của pháp luật như thế này thì sẽ góp phần đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền con người, quyền của bị can, bị cáo, đảm bảo vụ án hình sự được giải quyết một cách khách quan, công tâm, đúng pháp luật. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lực lượng công an nhân dân đồng thời với việc nâng cao trình độ năng lực, bản lĩnh chính trị, đạo đức của cán bộ điều tra, của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, những người tham gia vào hoạt động điều tra sẽ góp phần bảo vệ pháp luật, giữ gìn uy tín, niềm tin với nhân dân. Thực hiện nghiêm túc những nội dung nêu trên thì sẽ giảm bớt được những cán bộ điều tra sa ngã, vi phạm pháp luật phải bị xử lý hình sự về các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Nội dung thông tư này là cụ thể hóa, chi tiết hóa những nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, đảm bảo nâng cao đạo đức, tác phong, trình độ nghiệp vụ của cán bộ điều tra theo thông tư này sẽ đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan, công bằng. Đặc biệt là các hành vi tiêu cực, nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bức cung, dùng nhục hình là những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Những hành vi này có thể dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm, có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị buộc tội. Bởi vậy, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao đạo đức tác phong, dân chủ trong hoạt động điều tra là rất cần thiết.

Ở Việt Nam thực hiện mô hình tố tụng xét hỏi, thiên về thẩm vấn. Theo đó, hoạt động tố tụng sẽ theo tuần tự từ điều tra, truy tố, rồi đến xét xử. Khi xét xử thì hồ sơ có thể lại được trả lại cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Trong hoạt động tố tụng hình sự như vậy thì có thể không cần đến người bào chữa, thực tế rất ít vụ án có người bào chữa. Trường hợp bị can, bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật hoặc đang bị giam giữ thì rất ít có cơ hội để gỡ tội cho mình. Hoạt động xét xử theo “trục dọc” (Điều tra - truy tố - xét xử), đều do các cơ quan nhà nước thực hiện đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có tài đức vẹn toàn, phải công tâm, công bằng thì mới đảm bảo được quyền lợi của người bị buộc tội, bị can, bị cáo, đảm bảo lẽ phải, có công lý.

Đối với mô hình tố tụng tranh tụng thì hoạt động tranh tụng được diễn ra ngay từ khi khởi tố vụ án. Hồ sơ được thu thập cả từ hai phía (bên buộc tội và bên gỡ tội). Theo quy định của pháp luật thì bên buộc tội và bên gỡ tội có quyền như nhau, họ cùng thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ và tranh tụng công khai tại phiên tòa, tòa án sẽ không biết trước được hồ sơ của hai bên cho đến khi mở phiên điều trần. Tòa án chỉ là trọng tài để xem xét những chứng cứ buộc tội và những chứng cứ gỡ tội qua các phiên điều trần. Việc điều tra được thực hiện công khai tại các phiên điều trần. Việc quyết định bị cáo có tội hay không căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và do bồi thẩm đoàn quyết định. Yếu tố tranh tụng, dân chủ, công bằng trong mô hình tố tụng tranh tụng là rất cao.

Tuy nhiên, trong tố tụng xét hỏi thì việc thu thập chứng cứ buộc tội và gỡ tội đều do cơ quan điều tra thu thập là chủ yếu. Hoạt động điều tra diễn ra không có sự kiểm soát của tòa án. Trong quá trình điều tra, nếu bị can, bị cáo bị tạm giam, tạm giữ thì việc hỏi cung, lấy lời khai chỉ có bị can với điều tra viên, ít khi có mặt của kiểm sát viên, Luật sư bào chữa... Đặc biệt là khi bị can mới bị bắt, bị tạm giữ thì việc kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra ở nhiều nơi còn sơ hở, lỏng lẻo, dễ đến dẫn đến hành vi bức cung, dùng nhục hình, tiêu cực, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Trường hợp kiểm sát viên thực hiện hoạt động kiểm sát điều tra không thực hiện hết trách nhiệm của mình hoặc cấu kết với cán bộ điều tra thì những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp rất dễ xảy ra, khi đó bị can, bị cáo không có cơ hội được bảo vệ... Khi thực hiện tranh tụng tại phiên tòa thì đại diện viện kiểm sát vừa đưa ra chứng cứ buộc tội, vừa đưa ra chứng cứ gỡ tội. Vai trò của người bào chữa trong vụ án hình sự không cao, thậm chí rất ít vụ án có người bào chữa tham gia. Sự hiểu biết pháp luật, trình độ nhận thức, văn hóa của nhiều người dân còn hạn chế. Bởi vậy tất cả sự công bằng, bình đẳng, dân chủ, đều phụ thuộc tất cả vào cơ quan tiến hành tố tụng. Trong mô hình tố tụng xét hỏi mà người tiến hành tố tụng vi phạm về đạo đức, trình độ nghiệp vụ yếu kém, không tuân thủ các quy định của pháp luật thì rất dễ dẫn đến sai lệch kết quả giải quyết vụ án dẫn đến oan sai, khó khăn cho việc tòa án tìm ra sự thật của vụ án. Do đó, trong mô hình tố tụng xét hỏi, thiên về thẩm vấn như ở Việt Nam thì vai trò giám sát của Viện kiểm sát, tính độc lập của tòa án và trình độ nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ điều tra là những vấn đề vô cùng quan trọng để đảm bảo công bằng, đúng pháp luật, là yếu tố quyết định đến việc có công lý hay không đối với từng vụ án.

Trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì rất nhiều hạt nhân hợp lý trong mô hình tố tụng tranh tụng đã được vận dụng vào mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam như: Nguyên tắc tranh tụng; Nghĩa vụ chứng minh tội phạm; Nguyên tắc công bằng, Biểu hiện của quyền im lặng... cùng với đó là quy định về ghi hình trong quá trình điều tra đã là những cơ sở pháp lý quan trọng để giảm bớt những hiện tượng bức cùng, dùng nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó là việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý các cán bộ sai phạm là những biện pháp mạnh mẽ, quan trọng để đảm bảo công bằng trong tố tụng hình sự.

Hy vọng văn bản pháp luật này cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo trung ương, thủ trưởng các đơn vị cũng như đạo đức, tác phong, trách nhiệm, trình độ của cán bộ điều tra được nâng lên thì vụ án hình sự sẽ được giải quyết công bằng, nhanh chóng, đúng pháp luật góp phần bảo vệ công lý, gin giữ niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp.

Trong số các quyền lực cơ bản của nhà nước thì quyền tư pháp là một quyền quan trọng, cùng với quyền lập pháp và hành pháp. Ở Việt Nam không thực hiện phân chia quyền lực mà quyền lực Nhà nước là tập trung, thống nhất nhưng có sự phối hợp phân công, giám sát lẫm nhau. Tuy nhiên sự độc lập trong hoạt động tư pháp là một nguyên tắc cơ bản luôn được duy trì bởi chính sách và pháp luật của nhà nước. Tính độc lập trong tư pháp thể hiện ở chỗ là mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nghiêm cấm tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp. Trong hoạt động tư pháp thì những cán bộ tư pháp nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nói riêng phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo giải quyết vụ việc khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Bởi vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dành riêng một chương là Chương XXIV để quy định về Các tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó từ Điều 368 đến Điều 391 quy định các tội danh cụ thể xâm phạm hoạt động tư pháp. Nếu ai vi phạm những nội dung đó thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng chế tài hình sự.

Có thể kể đến một số tội danh tiêu biểu như: Điều 368 tội "Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội"; Điều 369 tội "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội"; Điều 370 Tội "Ra bản án trái pháp luật"; Điều 371 tội "Ra quyết định trái pháp luật"; Điều 373 tội "Dùng nhục hình"; Điều 374 tội "Bức cung"; Điều 375 tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc",...

Các tội danh này thuộc thẩm quyền khởi tố, điều tra của cơ quan điều tra viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời gian qua cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện, xử lý hình sự đối với rất nhiều trường hợp cán bộ, người tiến hành tố tụng vi phạm pháp luật, xâm phạm hoạt động tư pháp trong đó có các cán bộ điều tra.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.

Tội “Dùng nhục hình và tuổi bức cung” là những tội danh không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người bị buộc tội mà còn xâm phạm đến hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong hoạt động tư pháp. Với “Tội dùng nhục hình” theo Điều 373 Bộ luật Hình sự thì người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, cụ thể như sau:

Điều 373. Tội dùng nhục hình

1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm người bị nhục hình tự sát.

4. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Còn với tội “Bức cung” thì hình phạt thấp nhất là sáu tháng tù, hình phạt cao nhất cũng là tù chung thân, cụ thể như sau:

Điều 374. Tội bức cung

1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

d) Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Dẫn đến làm sai lệch kết quả khỏi tố, điều tra, truy tố, xét xử;

g) Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bức cung tự sát;

b) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm người bị bức cung chết;

b) Dẫn đến làm oan người vô tội;

c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi bức cung, dùng nhục hình rất khó phát hiện, rất khó chứng minh và khó xử lý bởi trong hoạt động điều tra thì không phải lúc nào cũng có người giám sát cán bộ điều tra thực hiện các hoạt động tố tụng. Thủ tục hỏi cung phần lớn là chỉ có người bị buộc tội đối mặt với cán bộ điều tra. Quy định về tạm giam, tạm giữ, đặc biệt là hoạt động giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ tại cơ quan điều tra trong những ngày đầu khi mới bắt giữ nghi phạm là thời điểm rất nhạy cảm, rất dễ xảy ra bức cung, dùng nhục hình. Có rất nhiều trường hợp khi ra tòa, xét xử thì bị cáo khai báo là bị đánh đập, ép buộc khai báo, khi đó tòa án yêu cầu xuất trình chứng cứ thì bị cáo không thể có được, tòa án cũng rất khó để có thể xác định lời khai đó của bị cáo là đúng hay không...

Việc bức cung, dùng nhục hình xảy ra với những cơ quan điều tra mà cán bộ điều tra yếu kém về nghiệp vụ, yếu kém về đạo đức, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, tiêu cực hoặc có sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí dung túng của cán bộ chỉ huy. Hành vi bức cung, dùng nhục hình sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm của người bị tạm giữ, bị can và cũng ảnh hưởng đến tính đúng đắn, đến sự thật khách quan của vụ án. Bởi vậy để giảm thiểu những vụ việc bức cùng, dùng nhục hình thì ngoài việc tăng cường cơ chế giám sát, thực hiện nghiêm túc những nội dung được quán triệt trong Thông tư nêu trên, thực hiện ghi âm ghi hình, thì cần phải nâng cao đạo đức, tác phong, kỷ luật của cán bộ, những người tiến hành tố tụng, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Với hoạt động ghi hình trong tố tụng hình sự thì cần phải giao việc quản lý dữ liệu cũng như quản lý về việc tổ chức ghi hình cho viện kiểm sát hoặc cơ quan thứ ba. Trường hợp để cho cơ quan điều tra vừa sử dụng thiết bị ghi hình, vừa quản lý dữ liệu hình ảnh thì cũng khó để đảm bảo tính khách quan.

Khi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, cán bộ tư pháp có trình độ chuyên môn tốt, có đạo đức tốt, thường xuyên được bồi dưỡng trình độ chuyên môn, trau dồi đạo đức, được trang bị những công cụ phương tiện hiện đại, có sự quản lý chặt chẽ, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì những hành vi vi phạm đạo đức, tác phong sẽ giảm đi, hiện tượng bức cung, dùng nhục hình sẽ không còn là vấn đề lo ngại.

LUẬT SƯ ĐẶNG VĂN CƯỜNG 
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp

Thu tiền từ nền tảng mạng xã hội: Luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể
 

Lê Minh Hoàng