/ Pháp luật - Đời sống
/ Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật hiện hành?

Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật hiện hành?

23/02/2021 06:24 |

(LSVN) - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp có những đặc điểm chung của tội phạm và một số đặc điểm riêng. Đây là nhóm tội rất khó phát hiện và chứng minh, có tội danh hiếm khi được áp dụng; việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và hướng dẫn áp dụng chưa được quan tâm nhiều. Mặt khác, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định trong Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (BLHS năm 2015) đã được sửa đổi, bổ sung nhiều so với Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Điều 367 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Theo đó, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Hoạt động tố tụng là quá trình (trình tự) giải quyết vụ án, vụ việc ở các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính - lao động - kinh doanh thương mại… bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, mọi công dân góp phần vào việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

Dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Khách thể:

Khách thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và hoạt động thi hành án được luật hình sự bảo vệ. 

Các tội phạm này không chỉ xâm phạm đến tính đúng đắn, uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Chủ thể:

Chủ thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp có thể là chủ thể đặc biệt hoặc chủ thể thường tuy thuộc vào từng tội phạm cụ thể. Có thể phân chia thành các nhóm sau:

+ Các bộ nhân viên của cơ quan tư pháp có nghĩa vụ thực hiện hoạt động tố tụng.

+ Người của các cơ quan tổ chức bổ trợ tư pháp có trách nhiệm thực hiện các hoạt động bổ trợ tư pháp

+ Các cá nhân khác có chức vụ quyền hạn hoặc không có chức vụ quyền hạn.

Trên thực tế, chủ thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp phần lớn là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp hoặc trong cơ quan nhà nước khác hoặc tổ chức; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. 

Theo quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng thì chủ thể này là cán bộ có chức danh pháp lý hoặc không có chức danh pháp lý nhưng được giao nhiệm vụ hoạt động tư pháp hoặc đồng phạm với cán bộ có chức danh pháp lý phạm tội trong quá trình làm nhiệm vụ. Ví dụ: Chiến sĩ được giao nhiệm vụ bảo vệ trại tạm giam có hành vi thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (Điều 376); cán bộ trinh sát, cán bộ điều tra, sinh viên thực tập cũng có thể là chủ thể của tội phạm Dùng nhục hình (Điều 373)…

Chủ thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước khác (Tội cản trở thi hành án); những người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, giám định, phiên dịch…); người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khác hoặc là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (Tội không tố giác tội phạm, tội che giấu tội phạm…).

Mặt khách quan:

Mặt khách quan của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được thực hiện chủ yếu dưới dạng hành động (nhục hình, bức cung, trốn khỏi nơi giam, giữ…) hoặc không hành động (không chấp hành án…). 

Mặt chủ quan:

Mặt chủ quan của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp đều có lỗi cố ý (hầu hết các tội là lỗi cố ý trực tiếp, một số trường hợp là cố ý gián tiếp), trừ tội “Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn” (Điều 376) là lỗi vô ý.

Động cơ mục đích phạm tội rất đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn xác định lỗi cố ý gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp; một số trường hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thiếu tính khả thi và rất khó chứng minh được hành vi phạm tội. 

Chương XXIV BLHS 2015 quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp gồm có 24 Điều (nhiều hơn 1 điều so với Chương XXII BLHS 1999), trừ Điều 367 quy định về khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, còn lại 23 Điều (từ Điều 368 đến Điều 391) quy định về các tội phạm cụ thể: 

- Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368);

Điều 368. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Đối với từ 02 người đến 05 người;

c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%372;

đ) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Đối với 06 người trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên373;

d) Làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 369);

- Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370);

- Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371); 

- Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật (Điều 372);

- Tội dùng nhục hình (Điều 373);

- Tội bức cung (Điều 374);

- Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375);

- Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (Điều 376);

- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377);

- Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù (Điều 378);

- Tội không thi hành án (Điều 379);

- Tội không chấp hành án (Điều 380);

- Tội cản trở việc thi hành án (Điều 381);

- Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382);

- Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 383);

- Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu (Điều 384);

- Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản (Điều 385);

- Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử (Điều 386);

Điều 386. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử

1. Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.

- Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù (Điều 387). 

- Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388);

- Tội che giấu tội phạm (Điều 389);    

- Tội không tố giác tội phạm (Điều 390);

- Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp (Điều 391).

Thẩm quyền điều tra

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Điều 20), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 163), Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (Điều 30) đều đã thống nhất quy định Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, cụ thể là: các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về Thẩm quyền điều tra, cụ thể:

1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

3. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

5. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:

a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;

b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

c) Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

THANH THANH

Công chứng điện tử tại Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Lê Minh Hoàng