/ Trao đổi - Ý kiến
/ Các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại

Các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại

02/03/2023 22:03 |

(LSVN) - Bất cứ doanh nghiệp nào khi tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại, cho dù bằng mô hình, quy mô như thế nào thì mục đích cuối cùng hướng tới là sinh lợi nhuận. Khi tham gia vào quan hệ kinh doanh thương mại, các Doanh nghiệp sẽ phát sinh các mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau như giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà nước, doanh nghiệp với cá nhân, tổ chức khác. Khi bước vào mỗi quan hệ các bên phải xác lập lập quyền và nghĩa vụ với nhau. Quyền của chủ thể này là nghĩa vụ của chủ thế kia và ngược lại.

Ảnh minh họa.

I. Đặt vấn đề

Pháp luật cho phép các bên xác lập các mối quan hệ và xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trên cơ sở tự nguyện, tự do thoả thuận mà không trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình thi hành và thực hiện các thỏa thuận trên không thể tránh khỏi các xung đột mâu thuẫn về quan niệm, tư tưởng, lợi ích,… với nhau dần dần xung đột, mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp. Tranh chấp có thể là xảy ra trên hầu hết tất cả quan hệ pháp luật thuộc các lĩnh vực như dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính, hình sự. Mặc dù xảy ra tranh chấp doanh nghiệp và các chủ thể khác không phải là điều mới mẻ mà các doanh nghiệp phải gặp phải, tuy nhiên việc đánh giá, và giải quyết tranh chấp là việc mà không phải bất cứ doanh nghiệp cũng có thể nhìn nhận toàn diện được các vấn đề để nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của doanh nghiệp. Trong quan hệ kinh doanh thương mại đặc biệt quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, đây là tranh chấp xảy ra giữa 02 chủ thể đều có chung về địa vị pháp lý và đều được điều chỉnh với một số quy phạm pháp luật chung.

Vậy để đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, doanh nghiệp cần nắm vững những vấn đề pháp lý cơ bản nào khi xảy ra tranh chấp kinh doanh thương mại. Bỏ nội dung tranh chấp qua một bên thì trong việc giải quyết tranh chấp bên nào nắm vững các vấn đề pháp lý cao hơn thì bên đó có ưu thế hơn và ngược lại. Để không bị trở thành bên yếu thế các doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung dưới đây:

1. Tranh chấp kinh doanh thương mại

Đầu tiên khi có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh thì doanh nghiệp cần biết được đó là loại tranh chấp nào, trong lĩnh vực nào. Phải phân biệt được khi nào là tranh chấp thương mại, khi nào là tranh chấp dân sự, hành chính và hình sự. Bởi tương ứng với từng lĩnh vực khi xảy ra tranh chấp có sự điều chỉnh của những quy phạm pháp luật đặc thù cụ thể áp dụng cho từng lĩnh vực từ đó mới có thể đưa ra hướng giải quyết phù hợp cho các tranh chấp đó.

Để biết được một tranh chấp thuộc tranh chấp thương mại hay tranh chấp khác. doanh nghiệp cần trả lời được các câu hỏi dưới đây: Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì? Chủ thể của tranh chấp thương mại là ai? Cơ sở phát sinh tranh chấp? có những loại tranh chấp kinh doanh thương mại nào? Hiện tại có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ pháp luật này?

Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?

Trong các văn bản pháp luật hiện hành tại Việt Nam chưa có một quy phạm pháp luật nào định nghĩa cụ thể thế nào là tranh chấp kinh doanh thương mại tuy nhiện theo tính thần của luật thương mại 2005 và luật doanh nghiệp 2020 thì Tranh chấp kinh doanh thương mai được hiểu là những xung đột, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình hoạt động thương mại

Tranh chấp kinh doanh thương mai cần đáp ứng các đặc điểm sau:

1. Là những mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

2. Phát sinh từ hoạt động thương mại. Căn cứ phát sinh tranh chấp là hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm những quy tắc, nội dung mà các bên đã thỏa thuận.

3. Chủ thể chủ yếu của tranh chấp là Thương Nhân.

Cơ sở pháp sinh tranh chấp?

Bên có quyền có căn cứ cho rằng bên có nghĩa vụ đã có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm những quy tắc nội dung mà các bên đã thỏa thuận gây ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền.

Chủ thể của tranh chấp thương mại

Chủ thể chủ yếu của tranh chấp là Thương Nhân. Thương nhân bao gồm là cá nhân kinh doanh và pháp nhân. Ngoài thương nhân thì trong một số quan hệ chủ thể thì các cá nhân, tổ chức khác cũng có thể được xem là chủ thể của tranh chấp thương mại khi trong các giao dịch bên không có mục đích sinh lợi chọn áp dụng luật thương mại. Trong phạm vi của tham luận này chúng tôi chỉ đi sâu vào Pháp nhân hay gọi cách khác là doanh nghiệp

Phân loại tranh chấp thương mại

Mục đích của việc phân loại tranh chấp thương mại là để lựa chọn và áp dụng quy phạm pháp luật phù hợp với từng loại tranh chấp cụ thể. Tùy vào căn cứ pháp lý khác nhau, chúng ta có thể chia ra nhiều loại tranh chấp kinh doanh thương mại khác nhau:

1. Căn cứ theo lãnh thổ: Gồm tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại quốc tế.

2. Căn cứ vào số lượng tranh chấp: gồm tranh chấp hai bên và tranh chấp nhiều bên

3. Căn cứ vào lĩnh vực tranh chấp: có thể gồm Tranh chấp hợp đồng, tranh chấp sở hữu trí tuệ, tranh chấp đầu tư ,…

4. Căn cứ vào quá trình thực hiện: gồm Tranh chấp trong quá trình đàm phán, trong quá trình soạn thảo ký kết và tranh chấp trong quá trình thực hiện hơp đồng.

Tương ứng mỗi loại tranh chấp có thể có những quy phạm điều chỉnh và trình tự thủ tục giải quyết riêng. doanh nghiệp cần phải phân biệt được tranh chấp mà mình gặp phải thuộc loại tranh chấp nào nêu trên, để từ đó biết được tranh chấp đó sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản quy pháp pháp luật nào, ví dụ: tranh chấp về nhãn hiệu của một chai nước giải khát giữa công ty A. và công ty B., cả công ty A. và B. đều là pháp nhân và được thành lập tại Việt Nam. Căn cứ vào lãnh thổ thì đây thuộc loại tranh chấp thương mại trong nước bị điều chỉnh bởi Luật trong nước, căn cứ vào lĩnh vực xác định thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, căn cứ vào số lượng xác định tranh chấp thuộc tranh chấp hai bên,… từ đó xác định được các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật trên gồm: Bộ Luật Dân sư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương Mại, Luật sở hữu trí tuệ ngoài ra để giải quyết tranh chấp theo phương thức tố tụng cần áp dụng thêm Luật Trọng tài thương mại và Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Giải quyết tranh chấp

Khi có tranh chấp xảy ra để giải quyết được tranh chấp thì doanh nghiệp cần trả lời được những câu hỏi cơ bản sau: Khi nào có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp? Chủ thể nào có quyền yêu cầu? Có bao nhiêu hướng giải quyết tranh chấp? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp? Thời gian yêu cầu giải quyết tranh chấp là bao lâu? Giá trị pháp lý kết quả giải quyết tranh chấp được thực hiện như thể nào? Chi phí và tổn thất mà doanh nghiệp có thể phải gánh chịu?

a. Căn cứ yêu cầu giải quyết tranh chấp – Khi nào có quyền yêu cầu giải quyết có quyền yêu cầu?

Để có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp thì phải có tranh chấp tức là phải có xung đột, mâu thuẫn giữa hai hay nhiều chủ thể trong hoạt động thương mại. Xung đột, mâu thuẫn ở đây chủ yếu xuất phát từ xung đột, mâu thuẫn về quyền, lợi ích nghĩa vụ của các bên. Trong quan hệ kinh doanh thương mại, quyền và nghĩa vụ thường có tính đối xứng nhau, quyền bên này là nghĩa vụ của bên kia. Do đó khi một trong các bên cho rằng quyền của mình không được đảm bảo một cách tối đa, tức là bên có nghĩa vụ đã không thực hiện nghĩa vụ. Nghĩa vụ được phát sinh từ 02 cơ sở gồm: do các bên thỏa thuận tạo lập hoặc do pháp luật quy định-(gọi chung là vi phạm nghĩa vụ). Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ là đã vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại cho bên có quyền. Tuy nhiên, không phải bất cứ trong trường hợp nào bên có nghĩa vụ cũng thừa nhận mình vi phạm nghĩa vụ hoặc sự vi phạm của mình chưa gây ra thiệt hại hậu quả theo những gì mà bên có quyền đã trình bày, ngoài trừ trường hợp cố tình gây ra xung đột, mâu thuẫn vì mục đích khác. Từ đó các bên xảy ra mâu thuẫn, xung đột với nhau, bên có quyền cho rằng quyền của mình bị xâm phạm, bên có nghĩa vụ cho rằng mình không vi phạm nghĩa vụ với bên có quyền. Các bên không thống nhất được quan điểm, ý kiến hướng suy nghĩ, dẫn đến tranh chấp. Do đó điều kiện đầu tiên để giải quyết tranh chấp là có tranh chấp xảy ra.

b. Quyền yêu cầu giải quyết (để trả lời cho câu hỏi ai có quyền yêu cầu)

Theo quy định tại khoản 1, điều 4; khoản 1, Điều 3, Nghị định về hòa giải thương mại quy định: hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên tranh chấp tham gia hòa giải trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 4, Điều 36, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Cơ quan tổ chức cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

Theo Điều 5; Điều 2; Điều 30, Luật Trọng tài thương mại quy định: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc tranh chấp trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại, khi giải quyết tranh chấp mà một bên cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm phải làm đơn khởi kiện gửi đến trung tâm trọng tài.

Từ các quy định trên rút ra kết luận, chủ thể có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại là các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật kinh doanh thương mại, cho rằng quyền và lợi ích của mình bị một hoặc các bên xâm hại. Theo quy định về ủy quyền được quy định tại bộ luật tố tụng dân sự trong trường hợp người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm không có điều kiện để tự khởi kiện có thể ủy quyền cho cá nhận hoặc tổ khác thay mặt mình thực hiện quyền khởi kiện thông qua giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền, hoặc hình thức khác trong đó phải nêu rõ trong phạm vi ủy quyền được thay mặt bên có quyền thực hiện quyền khởi kiện. Như vậy, quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp thuộc về một hoặc các bên trong có tranh chấp hoặc đại diện của một hoặc các bên. Đại diện có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

c. Các hình thức giải quyết tranh chấp

Theo quy định tại Điều 317, Luật Thương mại năm 2005 (viết tắt LTM), các hình thức giải quyết tranh chấp là:

- Thương lượng giữa các bên.

- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Mỗi hình thức giải quyết tranh chấp có những đặc điểm khác nhau. Để có thể lựa chọn được hình thức tối ưu nhất cho từng loại tranh chấp, doanh nghiệp phải nắm được rõ quy định cụ thể cho từng các hình thức giải quyết tranh chấp.

Với hình thức giải quyết bằng con đường thương lượng. Đây là hình thức các bên tự giải quyết với nhau. Nhiều doanh nghiệp không cho rằng thương lượng là một hình thức giải quyết tranh chấp. Đa số các doanh nghiệp cho rằng tranh chấp phát sinh khi có xung đột mâu thuẫn giữa các bên mà các bên đã đưa ra đề xuất, giải pháp, quan điểm để giải quyết mẫu thuẫn xung đột đó tuy nhiên không được chấp thuận bởi một hoặc một số các bên còn lại, lúc này tranh chấp mới phát sinh. Mà doanh nghiệp lại không nhìn nhận tranh chấp xảy ra khi có mâu thuẫn và xung đột về quyền và nghĩa vụ của các bên nên việc các bên đưa ra đề xuất, giải pháp để giải quyết xung đột mâu thuẫn là một hình thức giải quyết người ta gọi hình thức này là thương lượng.

Pháp luật Việt Nam và pháp luật của nhiều nước trên thế giới thừa nhận thương lượng là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp. Cùng với sự thừa nhận là một hình thức giải quyết tranh chấp do đó pháp luật cũng cụ thể hóa một số nội dung cho hình thức này bắt buộc các bên phải tuân thủ khi giải quyết tranh chấp. Đối với việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức này sẽ có những đặc điểm sau:

- Các bên tranh chấp được tự do thảo thuận trong tất cả các vấn đề liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.

- Kết quả của giải quyết tranh chấp được xem là sự thỏa thuận và bắt buộc thi hành đối với các bên, tùy lựa chọn của các bên có lập bằng văn bản hay không.

- Trường hợp các bên không thống nhất được phương án giải quyết có thể tiếp tục thương lượng hoặc lựa chọn thêm một trong các hình thức khác như hòa giải hoặc giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án.

Giải quyết bằng con đường hòa giải

Hình thức này được quy định cụ thể tại nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Theo khoản 1 điều 3 của nghị định này quy định: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định”

Khi lựa chọn bằng hình thức này các bên cần nắm rõ một số nội dung cơ bản của phương thức như sau:

- Được xem xét giải quyết khi các bên có thỏa thuận hòa giải tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật

- Nội dung thỏa thuận hòa giải được trái với pháp luật, đạo đức xã hội.

- Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự

- Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án

Đối với giải quyết bằng con đường tại tòa án thì được xem là phương án khá phổ biến và được xem là phương án truyền thống để giải quyết tranh chấp không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh thương mại mà còn là lựa chọn phổ biến trong lĩnh vực dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình,… tại Việt Nam hiện nay.

Tòa án là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng thực thi quyền hành pháp của nhà nước nên đây là một hình thức giải quyết mang ý chí quyền lực nhà nước, Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước để khiến các bên bắt buộc phải thực thi và có kèm theo các biện pháp cưỡng chế thi hành. Khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng tòa án các doanh nghiệp cần hiểu rõ các nguyên tắc sau:

+ Phán quyết của tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế.

+ Việc giải quyết phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mang tính hình thức cũng như các quy định về thẩm quyền, thủ tục, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại của pháp luật tố tụng.

+ Giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc xét xử công khai, do đó một số nội dung trong doanh nghiệp có thể bị đưa ra

+ Có thể được thực hiện qua hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm, bản án có hiệu lực pháp luật còn có thể được xét lại theo thủ tục: giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

+ Giải quyết theo nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

+ Trường hợp yêu cầu được chấp nhận thì bên bị kiện (bị đơn) phải thanh toán tiền án phi, yêu cầu không được chấp nhận thì bên yêu cầu (nguyên đơn) phải chịu tiền án phí.

Lưu ý khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án, Bên khởi kiện phải xác định được tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của mình. Thẩm quyền của tòa án được quy định cụ thể tại điều 30, điều 39 của bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Đối với giải quyết bằng con đường tại trọng tài thương mại

Mặc dù cơ quan này đã được áp dụng phổ biến trên nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là các nước phát triển, tuy nhiên tại Việt Nam nó còn khá mới mẻ. Vậy tại sao các nước phát triển lại thích giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

Tại Việt Nam đã có một luật riêng là luật trọng tài thương mại quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài.

Khi giải quyết tranh chấp bằng trung tậm trọng tài thương mại cần lưu ý những vấn đề sau:

- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp

- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác

- Thường bên thua kiện phải chịu phí trọng tài.

- Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

- Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành

Trường hợp hết thời hạn thi hành phán quyết mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành thì bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

Thời gian yêu cầu giải quyết tranh chấp

Tùy việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp mà quy định về thời gian yêu cầu giải quyết tranh chấp khác nhau. Đối với một số hình thức như thương lượng, hòa giải thì yêu cầu giải quyết không bị giới hạn bởi thời gian, tức là trong mọi thời điểm các bên có quyền yêu cầu. Tuy nhiên đối với hình thức giải quyết tại trọng tài và tòa án, pháp luật đã ấn định một thời gian cụ thể, nếu quá thời gian quy định các bên không còn quyền yêu cầu các cơ quan này giải quyết tranh chấp nữa.

Cụ thể đối với giải quyết bằng tòa án thì theo quy định tại điều 319 Luật thương mại thì thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trừ trường hợp tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics.

Tuy nhiên theo bộ luật tố tụng dân sự 2015, tại điều 183 quy định Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Theo nội dung này khi vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện tòa án vẫn xem xét thụ lý mà không trả lại đơn, cho đến khi một trong các bên yêu cầu áp dụng thời hiệu thì lúc này tòa án mới xem xét trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ vụ án khi đã ra quyết định thụ lý vụ án. Cũng giống như giải quyết tại tòa án thì giải quyết tại trung tâm trọng tài thương mại cũng được quy định 02 năm. Tại điều 33 Luật trọng tài thương mại quy định: “thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Khác với giải quyết tại tòa án ở chỗ, quá thời hiệu theo quy định mà luật chuyên ngành không có quy định khác thì trung tâm trọng tài từ chối giải quyết và trả lại đơn kiện. Do đó các doanh nghiệp cần nắm được các nội dung này và vận dụng linh hoạt để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Hậu quả của tranh chấp

Mục đích của doanh nghiệp khi tham gia vào các quan hệ thương mại thì mục đích cuối cùng của họ đều và vì lợi ích và lợi nhuận. Tuy nhiên, khi có tranh chấp phát sinh, các bên đều chịu tổn thất, trừ khi cố ý tạo ra tranh chấp vì mục đích khác. Sau khi giải quyết xong tranh chấp chẳng bên nào thắng hay bên nào thua, chỉ là bên nào tổn thất nhiều hơn bên nào.

Giá trị phải trả cho chi phí giải quyết tranh chấp không phải là một khoản góp vốn, hay một khoản đầu tư sinh lời nào cả mà đó là chi phí tổn thất hay chi phí thiệt hại, thậm chí một số trường hợp còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Kết quả giải quyết tranh chấp được xem là thành công khi quyền và lợi ích của mình được đảm bảo một cách tối đa và chi phí giải quyết tranh chấp ở mức tối thiểu. Qua phân tích đánh giá ở trên thì ta có thể đánh giá chi phí phải bỏ ra để giải quyết tranh chấp giữa các hình thức. Thương lượng được xem là hình thức giải quyết ít tốn kém nhất. Tuy nhiên khi lựa chọn bằng phương thức giải quyết bằng con đường tòa án hay trọng tài các bên phải dự trù được các chi phí mà mình phải chi trả cho việc giải quyết tranh chấp như chi phí tố tụng như án phí, chi phí thẩm định, chi phí định giá, …. hay cách chi phí khác nhưng chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại…

II. Đề xuất các giải pháp

1. Hạn chế tranh chấp hay chấp nhận tranh chấp?

Để xảy ra tranh chấp là việc mà hầu hết các doanh nghiệp đều không muốn vướng phải, khi xảy ra tranh chấp không chỉ thiệt hại, tốn kém, mất thời gian mà còn kéo nhiều nhiều hệ lụy khác như mất uy tín, niềm tin, mất khách hàng, đối tác. Thậm chí đôi khi việc giải quyết tranh chấp cũng không đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên. Do đó doanh nghiệp phải đánh giá được mức độ ảnh hưởng của các tranh chấp có thể xảy ra với doanh nghiệp mình tại thời điểm hiện tại và trong tương lai.

Một số doanh nghiệp họ tìm cách hạn chế tối đa các tranh chấp bằng cách các chủ doanh nghiệp tự trang bị các kiến thức pháp luật liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của họ và lĩnh vực của các đối tác khách hàng tuy nhiên phần lớn họ sẽ chú trọng xây dựng một đội ngũ chuyên viên pháp lý tại công ty để kiểm tra, rà soát theo dõi quá trình làm việc, thực thi công việc của các bộ phận và đánh giá giá trị pháp lý của các văn bản, thỏa thuận, hay giữa doanh nghiệp mình và các chủ thể khác.

Một số doanh nghiệp lại cho rằng với quy mô khả năng tài chính của doanh nghiệp chưa đủ đáp ứng để đầu tư xây dựng mảng pháp lý tại doanh nghiệp hoặc họ tự đánh giá, việc tranh chấp là vấn đề phát sinh không thường xuyên, chi phí để họ bỏ ra để xây dựng và duy trì đội ngũ pháp lý công ty cao hơn nhiều so với chi phí họ phải bỏ ra cho việc giải quyết tranh chấp, cho nên họ lựa chọn chấp nhận rủi ro, chấp nhận tranh chấp.

2. Đi tìm nguyên nhân tranh chấp hay đổ lỗi?

Đa số các doanh nghiệp khi giải quyết tranh chấp thường họ chỉ giải quyết phần ngọn mà không giải quyết phần gốc. Khi chỉ giải quyết phần ngọn mà không giải quyết phần gốc thì sẽ có ngọn khác mọc nên và quy mô kích thước của ngọn mới sẽ khác với ngọn cũ, do đó khi giải quyết tranh chấp thì doanh nghiệp phải giải quyết cả phần ngọn và phần gốc của vấn đề. Phần ngọn là phần hiện ra trước mắt bắt buộc doanh nghiệp phải giải quyết, bởi nó dễ dàng nhận thấy, tuy nhiên đối với phần gốc đối với một số doanh nghiệp việc tìm ra đã khó và việc giải quyết nó càng khó hơn.

Khi có tranh chấp xảy ra theo bản chất của con người đa số trước tiên sẽ có xu hướng đổ lỗi không phải do mình mà vì lý do A, lý do B, đặc biệt chủ doanh nghiệp thường đổ lỗi cho nhân viên làm sai và do bên kia sai chứ bên mình không sai. Tuy nhiên các chủ doanh nghiệp phải nắm được rằng khi có tranh chấp xảy ra thì tổn thất thuộc về doanh nghiệp mà doanh nghiệp sẽ sinh ra lợi nhuận trực tiếp cho chủ doanh nghiệp chứ không chỉ riêng bên đối tác, khách hàng hay nhân viên. Nên ngừng đổ lỗi vì thiệt chỉ về mình, mà quan trọng lúc này doanh nghiệp nên đi tìm gốc của vấn đề tranh chấp này phát sinh từ đâu là do cách quản lý doanh nghiệp, hay do sơ suất trong quá trình làm việc của nhân viên, nhà lãnh đạo hay là lỗi do đối tác chứ không phải lỗi do mình. Khi tìm ra được cái gốc cái cốt lõi phát sinh để từ đó doanh nghiệp sẽ phải có những biện pháp cụ thể để điều chỉnh.

Một số biện pháp mà doanh nghiệp có thể áp dụng để hạn chế tranh chấp:

1. Luật cao nhất của mỗi doanh nghiệp là điều lệ hoạt động, điều lệ hoạt động được xem là luật riêng của mỗi doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động ngoài dựa trên các quy định của pháp luật quy định chung thì doanh nghiệp được phép hoạt động dựa trên điều lệ công ty đặt ra với điều kiện là không trái với quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật thì mỗi doanh nghiệp phải có điều lệ doanh nghiệp làm nền tảng pháp lý để tổ chức, hoạt động, điều hành doanh nghiệp đi theo đúng mỗi định hướng nhất định. Do đó tại doanh nghiệp cần xây dựng được một bản điều lệ doanh nghiệp phải rõ ràng cụ thể, bám vào nhu cầu thực tế của công việc.

 2. Nội quy lao động: Có lẽ sẽ người đọc sẽ thắc mắc vì chủ đề hôm nay để cấp đến tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại, tại sao người viết lại đưa nội dung của nội quy lao động vào? Về bản chất của nội quy lao động được xem là luật lao động riêng của người sử dụng lao động và người lao động trong một doanh nghiệp. Trong nội quy lao động sẽ quy định những việc mà người lao động, người sử dụng lao động tức là chủ doanh nghiệp hoặc người được chủ doanh nghiệp giao quyền, thuê làm người sử dụng lao động sẽ phải làm, được làm, được hưởng. Do đó việc chú trọng ban hành một nội quy lao động chặt chẽ và hợp lý sẽ nâng cao về trách nhiệm của người lao động trong từng nhiệm vụ công việc được giao và họ sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý cụ thể tùy hợp cho việc làm không đúng các công việc nhiệm vụ đã quy định, để từ đó người lao động có trách nhiệm nhiều hơn trong quá trình làm việc của mình. Do đó vấn đề sai sót trong quá trình làm việc sẽ được hạn chế dẫn đến hạn chế tranh chấp và thiệt hại khi có tranh chấp xảy ra.

Đa số các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa chủ động ban hành một bản điều lệ doanh nghiệp hay nội quy lao động dựa trên tất cả tính chất đặc trưng và yêu cầu của doanh nghiệp mình, đa số doanh nghiệp sẽ thuê một dịch vụ để lập, trong khi các tổ chức cung cấp các loại dịch vụ này sẽ sử dụng những mẫu mã chung do đó phần lớn các doanh nghiệp cùng chung một loại hình doanh nghiệp thì điều lệ doanh nghiệp và nội quy lao động hầu như gần giống nhau.

3. Tạo ra ban kiểm soát tất cả các hoạt động của các phòng ban. Có thể là giám sát chéo giữa các phòng ban với nhau hoặc có thể tổ chức một phòng ban chuyên về kiểm soát. Việc giám sát kiểm soát này phải được thực hiện trên cả các hồ sơ phát hành đi từ các phòng ban và cả nhân sự của phòng ban đó.

4. Ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh mang tính chất nội bộ thì doanh nghiệp cần giải quyết các phát sinh từ đối tác, khách hàng. Nên tìm hiểu và đánh giá kỹ đối tác, khách hàng của mình trước khi thực hiện hợp tác hay thỏa thuận chấp nhận các vấn đề giữa các bên. Việc tìm hiểu này không chỉ tìm hiểu qua hồ sơ pháp lý mà đối tác đã được cấp mà còn cần tìm hiểu thông qua những đối tác mà họ đã hợp tác trước đây là hiện tại. Để đánh giá tổng thế đối tác mà mình hợp tác có những thế mạnh và bất lợi nào, xem uy tín của họ trên thị trường có cao không, khả năng tài chính của họ đến đâu để từ đó mới đánh giá xem có nên hợp tác hay không, nếu hợp tác sẽ hợp tác với quy mô nội dung như thế nào.

Trên đây là một số giải pháp cơ bản các doanh nghiệp cần lưu ý, với mỗi đặc trưng tính chất ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp thì có những giải pháp đặc thù cụ thể hơn.

Thẩm phán ĐỖ THỊ HUỆ

TAND TP. Biên Hòa

Một số ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nguyễn Hoàng Lâm