Ảnh minh họa.
Thực hiện cải cách tư pháp, khoản 5, khoản 7 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”; “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”. Thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính đã quy định các biện pháp bảo đảm nguyên tắc tranh tụng từ khi khởi tố vụ án hình sự, từ khi khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính; đồng thời quy định Luật sư là người bào chữa cho bị can, bị cáo từ khi khởi tố vụ án hình sự, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người khởi kiện từ khi khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính. Luật sư được tham gia bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng các luật tố tụng nói trên. Đặc biệt, có thể nói Chương V của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là thành tích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc tham gia xây dựng pháp luật nói chung và Bộ luật Tố tụng hình sự nói riêng. Chương này quy định về bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, từ Điều 72 đến Điều 84.
Quy định về người bào chữa, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa cũng như các vấn đề có liên quan đến thủ tục bào chữa được tách thành một chương riêng thể hiện nhận thức của Nhà nước về tầm quan trọng của quyền bào chữa cũng như vai trò của người bào chữa (bao gồm cả Luật sư) trong hoạt động tố tụng hình sự.
Trong tương lai, với công tác tham gia xây dựng pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần quan tâm đến việc luật hóa vai trò của Luật sư trong tố tụng cạnh tranh, nhất là tố tụng trọng tài. Theo Luật Trọng tài thương mại hiện hành, không có vai trò của Luật sư, chỉ có Điều 55 khoản 2 quy định về thành phần, thủ tục phiên họp giải quyết tranh chấp, các bên có thể mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Điều 71 khoản 3 quy định phiên họp xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được tiến hành với sự có mặt của các bên tranh chấp, Luật sư của các bên (nếu có)…
Thời gian vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã chú trọng tới công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư, như ban hành Quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề; phối hợp chặt chẽ với các Đoàn Luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ kịp thời quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư. Tuy nhiên, theo tôi, để làm tốt hơn nữa công tác này, Liên đoàn cần có quy chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất; đặc biệt là bảo đảm sự thực hiện đầy đủ quy định của các luật tố tụng về quyền và nghĩa vụ của Luật sư với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần kịp thời lên tiếng khi quyền hành nghề của Luật sư không được tôn trọng hay bị xâm phạm.
Là người thường xuyên tham gia công tác giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề Luật sư và hoạt động kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư hàng năm, tôi cho rằng, hoạt động kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư của Liên đoàn được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, thật sự quan tâm đến chất lượng của người được công nhận là Luật sư về mặt kỹ năng vào đạo đức hành nghề. Hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề Luật sư được Liên đoàn triển khai đều đặn. Tuy nhiên, việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề Luật sư chưa có quy mô và chưa có những biện pháp để đạt kết quả tốt và để có cơ sở đánh giá chất lượng của người được bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề Luật sư, đồng thời cần nâng cao chất lượng bồi dưỡng và cần có biện pháp nghiêm minh hơn để Luật sư chú trọng tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề Luật sư hàng năm.
Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Nghề Luật sư ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai