/ Góc nhìn
/ Cần quyết đoán hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả?

Cần quyết đoán hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả?

23/03/2021 09:15 |

(LSVN) - Trước đây, trường hợp của Công ty POYUN bùng phát dịch bệnh tại Hải Dương đã khiến các cơ quan chức năng, Bộ Y tế phải đau đầu về việc làm thế nào ngăn chặn và dập dịch một cách quyết liệt và hiệu quả. Thời điểm đó, tiếng “còi báo động” của TP. Chí Linh vang lên không ngừng nghỉ, cả nước đổ dồn về Hải Dương, toàn tỉnh Hải Dương ngay lập tức đóng cửa toàn bộ phân xưởng của Công ty POYUN và đưa hơn 2.000 công nhân của Công ty này đi xét nghiệm Covid-19, đồng thời, cách ly tập trung nhằm phòng tránh dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khoanh vùng cách ly toàn bộ các thôn xã có liên quan đến ổ dịch trên và thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều bệnh viện dã chiến được thành lập, sẵn sàng đón tiếp các bệnh nhân dương tính với Covid-19 bất cứ lúc nào. Quyết liệt và mạnh mẽ là vậy, nhưng phải sau một thời gian dài, Hải Dương mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, cho phép các trường học mở cửa trở lại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, siêu thị,… được mở lại nhằm phục hồi kinh tế sau thời gian dài nằm trong trạng thái giãn cách xã hội. Trong khi đó, các tỉnh lân cận khác như Hải Phòng, Quảng Ninh đã dỡ bỏ được nhiều hạn chế và mở cửa, bình thường hóa kinh tế trong đại dịch Covid-19 từ trước đó rất lâu. Thiết nghĩ, có hay không Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng đang cần một biện pháp quyết đoán hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả và dứt khoát?

Ảnh minh họa.

Những ngày gần đây, xã hội lại xôn xao khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về việc hàng trăm công nhân vội vã rời khỏi địa phận Công ty EASTECH - KCN Cộng Hòa, TP. Chí Linh, Hải Dương ngay sau khi phát hiện đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 tới.

Ngay sau đó, lãnh đạo TP. Chí Linh đã xác nhận vụ việc trên và cho biết Công ty EASTECH xảy ra nhiều lỗi vi phạm. Tuy nhiên, lỗi vi phạm của nhà máy này chỉ là thiếu thủ tục báo cáo với cơ quan chức năng để chịu sự giám sát về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, lãnh đạo TP. Chí Linh cũng khẳng định sẽ ra văn bản xử phạt để tăng tính răn đe với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, các công ty có báo cáo mà không đảm bảo quy định phòng chống dịch cũng sẽ bị phạt nặng.

Cần một biện pháp quyết đoán

Trước đây, trường hợp của Công ty POYUN bùng phát dịch bệnh tại Hải Dương đã khiến các cơ quan chức năng, Bộ Y tế phải đau đầu về việc làm thế nào ngăn chặn và dập dịch một cách quyết liệt và hiệu quả. Thời điểm đó, tiếng “còi báo động” của TP. Chí Linh vang lên không ngừng nghỉ, cả nước đổ dồn về Hải Dương, toàn tỉnh Hải Dương ngay lập tức đóng cửa toàn bộ phân xưởng của Công ty POYUN và đưa hơn 2.000 công nhân của Công ty này đi xét nghiệm Covid-19, đồng thời, cách ly tập trung nhằm phòng tránh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khoanh vùng cách ly toàn bộ các thôn xã có liên quan đến ổ dịch trên và thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều bệnh viện dã chiến được thành lập, sẵn sàng đón tiếp các bệnh nhân dương tính với Covid-19 bất cứ lúc nào.

Quyết liệt và mạnh mẽ là vậy, nhưng phải sau một thời gian dài, Hải Dương mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, cho phép các trường học mở cửa trở lại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, siêu thị,… được mở lại nhằm phục hồi kinh tế sau thời gian dài nằm trong trạng thái giãn cách xã hội. Trong khi đó, các tỉnh lân cận khác như Hải Phòng, Quảng Ninh đã dỡ bỏ được nhiều hạn chế và mở cửa, bình thường hóa kinh tế trong đại dịch Covid-19 từ trước đó rất lâu.

Thiết nghĩ, có hay không Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng đang cần một biện pháp quyết đoán hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả và dứt khoát?

Cần có sự đồng bộ, đồng tâm từ chính quyền với người dân

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho hay, vụ việc xảy ra tại Công ty EASTECH - KCN Cộng Hòa, TP. Chí Linh, Hải Dương là một sự cố đáng tiếc.

Theo Luật sư Dương, để loại trừ những việc như trên có thể tiếp tục xảy ra chúng ta cần có sự đồng bộ, đồng tâm từ chính quyền với người dân.

Đối với các cấp chính quyền địa phương: cần không ngừng nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng, đủ, nghiêm chỉnh chức năng, quyền hạn của mình, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức xã hội trong quần chúng nhân dân.

Đối với từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp địa phương luôn nâng cao ý thức tự giác tuân thủ quy định pháp luật và tinh thần tôn trọng lợi ích tập thể của cộng đồng dân cư, xã hội.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.

Ngoài ra, Luật sư Dương cũng khẳng định, các cấp Đảng ủy, chính quyền, mặt trận, tổ chức, cùng toàn thể quần chúng nhân dân phải cùng nhau “quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc và phương châm: Thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Đồng quan điểm với Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã kết thúc đợt cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid 19 theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động. Các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tại Tỉnh Hải Dương có đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 theo các nội dung, tiêu chí được quy định tại Quyết định số 576/QĐ-BCĐ ngày 16/02/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương sẽ được phép hoạt động.

Bên cạnh đó, tại Điều 3, Quyết định này quy định: “Yêu cầu các cơ sở lao động gửi bản tự chấm điểm về Ban Quản lý các khu công nghiệp (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp), về UBND cấp huyện (đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và các cơ sở lao động khác) để theo dõi, giám sát. Các cơ sở lao động đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 thì được hoạt động và phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.”

Luật sư Hùng cho hay, tỉnh Hải Dương cũng đã yêu cầu các nhà máy, cơ sở sản xuất trước khi mở cửa phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để thực hiện việc kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống, dịch bệnh.

Vì vậy, đối với sự việc Công ty EASTECH trên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định, nếu Công ty EASTECH mới chỉ tập trung công nhân trong buổi sáng ngày 17/3/2020 nhưng đã bị phát hiện và xử lý thì có thể thấy, các cơ quan chức năng đã có những phản ứng nhanh chóng, quyết liệt và kịp thời.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải xem xét và đánh giá một cách khách quan nguyên nhân của vụ việc. Nếu nguyên nhân xuất phát từ công tác trao đổi thông tin, tuyên truyền đến với doanh nghiệp thì phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, thiếu xót của các cá nhân và đơn vị có liên quan”, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp đã được cung cấp thông tin, tuyên truyền đầy đủ, đã biết về các quy định phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn cố tình vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật, để tăng tính răn đe và phòng ngừa các vụ việc vi phạm tương tự.

Cụ thể, trong trường hợp Công ty EASTECH trên đã không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo đúng thủ tục quy định trước khi hoạt động trở lại thì đây là hành vi vi phạm quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo quy định này thì các hành vi “Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền là gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân nêu trên.

Còn nếu trong trường hợp Công ty EASTECH chưa hoạt động trở lại mà mới chỉ cho công nhân đến chuẩn bị cho việc sản xuất trở lại thì với việc tụ tập hàng trăm công nhân như vậy thì cũng đã có dấu hiệu vi phạm quy định “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng” theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, và gấp 02 lần mức phạt nêu trên đối với người vi phạm là tổ chức.

Trong trường hợp, những hành vi vi phạm nêu trên làm lây lan dịch bệnh, hoặc gây ra các hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự  về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” (Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” (Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Điều 240 và Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 được quy định cụ thể như sau:

Điều 240: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 295: Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người 

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Còn theo Luật sư Đặng Hồng Dương, Luật sư khẳng định, việc công nhân đi làm trở lại sau khi chấm dứt việc cách ly, phong toả xã hội, được triệu tập trở lại theo thông báo của công ty là không vi phạm pháp luật.

Theo Luật sư Dương đánh giá, ở đây có lỗi của lãnh đạo Công ty khi không tuân thủ quy định về việc thông báo trước cho chính quyền địa phương biết để thực hiện những biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó là việc thực tế công ty đã không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như đo thân nhiệt, rửa tay sát, khử khuẩn theo quy định.

Đây được xác định là hành vi vi phạm quy định tại điểm c, khoản 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.  Xét theo tình hình hiện tại theo Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Đối với hành vi vi phạm của tổ chức, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo điểm e khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2020: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.

Như vậy đối với những vi phạm của mình, Công ty EASTECH có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng – 40.000.000 đồng.

Qua vụ việc này có thể thấy, mặc dù dịch bệnh bệnh Covid 19 vẫn còn có diễn biến rất phức tạp và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Đặc biệt là TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương và các nhà máy, khu công nghiệp đã trở thành tâm dịch trong đợt dịch vừa mới đây.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân và các doanh nghiệp (ngay cả tại các vùng đã có dịch bệnh) vẫn có tư tưởng chủ quan, không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Các nhà máy sản xuất và các khu công nghiệp là nơi tập trung số lượng đông đảo người lao động, chuyên gia nước ngoài đến từ nhiều địa phương, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch rất lớn.

Do đó, việc xảy ra các vi phạm như trong vụ việc này là rất khó chấp nhận, có khả năng làm tái bùng phát và lây lan dịch bệnh rất cao. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng không được phép lơ là, chủ quan mà buông lỏng công tác phòng chống dịch bệnh. Trái lại, các cơ quan chức năng phải luôn tập trung, quyết tâm và quyết liệt cao nhất trong việc thực thi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cũng như tăng cường tối đa công tác tuyên truyền, giáo dục, và kiểm tra, giám sát, để có thể kịp thời phát hiện và xử lý nhanh nhất các hành vi và vụ việc vi phạm, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

LÂM HOÀNG

Đẩy 'thăng tiến thần tốc' vào quá khứ

Admin