Ảnh minh họa.
Đây là nội dung nổi bật tại họp báo thường kỳ Quý 1/2024 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 12/4. Theo đó, phát biểu tại họp báo, ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, thế giới vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về tài sản ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa. Do đó, đến nay các nước cũng cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này.
Đánh giá tài sản ảo, tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro dễ bị lợi dụng, chiếm đoạt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thừa nhận Việt Nam chưa có quy định cụ thể cũng như chưa coi tiền mã hóa là một loại tài sản. Do đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Cao Đăng Vinh, cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tài sản ảo, tiền ảo; có quy định cấm các hành vi mang tính rủi ro, lợi dụng chiếm đoạt tiền ảo, tài sản ảo.
Hiện, các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến nhưng tại Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo, tài sản ảo.
Các giao dịch mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền.
Quốc hội từng đề nghị Chính phủ sớm có hành lang pháp lý về loại tài sản mới này.
Đến tháng 2 năm nay, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, khi Bộ Tài chính đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể, Bộ Tư pháp sẽ có quan điểm rõ ràng hơn.
Trả lời báo chí xung quanh việc thẩm định các văn bản liên quan đến thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Cao Đăng Vinh nhấn mạnh, trong kế hoạch đã phân công Bộ Nội vụ xây dựng hai nghị định, trong đó một nghị định cần ban hành sớm để triển khai thực hiện từ 01/7.
Một Nghị định khác thay thế Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ ban hành sau khi Bộ Chính trị có quyết định về nội dung cụ thể của chính sách cải cách tiền lương. Tuy nhiên, cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, đến giờ Bộ Tư pháp chưa nhận được văn bản đề nghị thẩm định Nghị định nào.
Thông tin thêm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cũng cho biết, kèm theo việc ban hành Nghị định về xây dựng chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có 12 thông tư hướng dẫn. Bộ Tư pháp không có trách nhiệm thẩm định các dự thảo Thông tư này.
VŨ TRẦN (t/h)