/ Nghề Luật sư
/ Cần Thơ: Khó khăn của ngành nghề bổ trợ tư pháp trong dịch bệnh Covid-19

Cần Thơ: Khó khăn của ngành nghề bổ trợ tư pháp trong dịch bệnh Covid-19

12/08/2021 05:23 |

(LSVN) - Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống – xã hội, trong đó ngành nghề bổ trợ tư pháp cũng không ngoại lệ. Đó là những khó khăn đổi với các tổ chức hành nghề Luật sư, công chứng, thừa phát lại, đầu giá và thẩm định giá.

Các văn phòng Luật sư tại TP. Cần Thơ đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch Covid-19.

Luật sư Nguyễn Kỳ Việt Chương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, Trưởng văn phòng Luật sư Việt Chương cho biết: “Sau 2 tháng dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Cần Thơ, văn phòng đã chuyển sang chế độ làm việc online, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, số lượng khách hàng giảm 80-90% so với những tháng bình thường trước dịch bệnh”.

Luật sư Châu Thanh Bình, một trong số Luật sư trẻ của Văn phòng Luật sư Bình Minh nói: “Có khách hàng là doanh nghiệp tại Hậu Giang, cách Cần Thơ 2km cần Luật sư tư vấn trực tiếp liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, Luật sư đã phải từ chối việc đến công ty. Vì công ty này đặt trụ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang nằm trong khu vực giãn cách xã hội, đồng thời, khi Luật sư về lại Cần Thơ phải cách ly tại nhà 14 ngày.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó Văn phòng Luật sư Vạn Lý cũng tâm sự: “2 tháng vừa qua, Luật sư chỉ nhận 2 vụ trên địa bàn TP. Cần Thơ. Tuy một số khách hàng từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có giao dịch nhưng họ đều hẹn qua dịch mới trực tiếp đến Văn phòng Luật sư để ký kết hợp đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý thường xuyên đều có đề nghị giảm 50% giá trị hợp đồng trong giai đoạn dịch Covid -19 đang diễn ra”.

Anh Ngô Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Công chứng Ngô Hồng Thanh tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, một trong số Văn phòng công chứng có nhiều khách hàng trước dịch cho biết từ ngày dịch Covid-19 lan rộng tại quận Cái Răng và lan ra toàn thành phố, khách hàng thưa thớt, có ngày chỉ 1 đến 2 hợp đồng được công chứng. Trong khi Văn phòng có hơn 10 cán bộ nhân viên hưởng lương và đóng Bảo hiểm xã hội. Hiện có Văn phòng có thể phải chuyển nhượng do khó khăn về tài chính.

Các văn phòng công chứng phải hoạt động cầm chừng, có văn phòng đối mặt với nguy cơ đóng cửa. 

TP. Cần Thơ hiện tại có 2 Văn phòng thừa phát lại, trước đại dịch cơ bản hoạt động tốt, có doanh thu và có lợi nhuận nhưng hiện nay đang hoạt động cầm chừng, thu nhập không đủ trả lương nhân viên. Nếu tình hình hình dịch bệnh kéo dài sẽ vô cùng khó khăn cho hoạt động của Văn phòng thừa phát lại.

Anh Nguyễn Hữu Phòng, Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá ASCO tại Cần Thơ tâm sự: “2 tháng qua không có khách hàng nào có yêu cầu thẩm định giá. Trong khi 3 tháng đầu năm daonh thu thẩm định giá của Văn phòng hơn 500 triệu đồng.”

Tòa án nhân dân các cấp tạm dừng xét xử, thụ lý vụ án. Cơ quan thi hành án tạm dừng tổ chức thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên việc đấu giá tài sản tại các công ty, tổ chức bán đấu giá tài sản đều đóng băng.

Thực trạng khó khăn nêu trên của các ngành nghề bổ trợ tư pháp đặt ra cho các ngành quản lý, đặc biệt là ngành thuế cần có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chậm nộp thuế giá trị gia tăng của năm 2021 cho các tổ chức hành nghề Luật sư, công chứng, thừa phát lại, thẩm định giá và đấu giá tài sản. Các ngân hàng cần có chính sách giảm lãi vay và tiếp tục cho vay với lãi suất thấp để đồng hành cùng các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp vượt qua đại dịch Covid-19.

NGUYỄN THÀNH – HÀ GIANG

TP. HCM: Phân tầng điều trị có ý nghĩa rất quan trọng

Lê Minh Hoàng