(LSO) - Thời gian gần đây, hình ảnh người dân tộc thiểu số được các đơn vị truyền thông sử dụng trong những bộ phim hài hay video quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, nội dung của những sản phẩm này lại phản ánh chưa đúng về bản chất tốt đẹp của người dân tộc thiểu số, gây hiểu nhầm cho cộng đồng về bản sắc văn hóa người dân tộc thiểu số. Vậy pháp luật có những quy định như thế nào về vấn đề này.
Hiện nay, rất nhiều đơn vị sử dụng hình ảnh người dân tộc thiểu số để sử dụng trong những bộ phim hài, quảng cáo nhằm gây được sự chú ý, với hàng triệu lượt xem và chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hình ảnh những người dân tộc thiểu số được phản ánh chưa đúng về bản chất tốt đẹp, thậm chí gây hiểu nhầm cho cộng đồng về bản sắc văn hóa người dân tộc thiểu số. Lợi dụng tính thật thà, chất phác của người dân tộc thiểu số, nhiều bộ phim hài, quảng cáo đã dựng lên hình ảnh người dân tộc thiểu số rất ngô nghê, nếu không nói là khờ dại, thậm chí có trường hợp bối cảnh quay là nhà rông của người Ba Na, nhưng diễn viên lại mặc áo của người Ê-đê. Rất nhiều nội dung phim hài, quảng cáo mang nội dung định kiến dân tộc.
Nhận định về vấn đề này, TS. Vũ Thị Thanh Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân tộc cho biết: Các nhà sản xuất sử dụng hình ảnh không đúng với truyền thống tốt đẹp của người dân tộc thiểu số, phản ánh sai lệch bản sắc văn hóa dân tộc… ảnh hướng lớn đến thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số nói riêng. Các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa thông tin cần có chế tài mạnh để răn đe những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm.
Theo PGS.TS. Trần Hữu Sơn, việc những bộ phim hài hay video quảng cáo sử dụng hình ảnh người dân tộc thiểu số nhằm thu hút sự chú ý của công chúng là sai, không am hiểu về vùng dân tộc, cái tâm không tôn trọng đồng bào dân tộc, áp đặt cái nhìn, định kiến của mình. Các nguyên nhân này dẫn đến cái nhìn phản cảm và dẫn đến đồng bào rất là “bực”.
"Nhìn người dân tộc trong các quảng cáo, video hài đó thì những bộ trang phục cách tân khoác vào không đúng với văn hóa của người dân tộc, trong ăn nói, trong hành động tất cả đều sai. Và họ cứ nghĩ đồng bào là lạc hậu, là không văn minh, là phải sửa thế này, phải làm thế kia", ông Sơn nói.
"Là hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật"
Theo Luật sư Vũ Văn Biên, Văn phòng Luật sư An Phước (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), Điều 5 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ:
“1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.”.
Điều 8 Luật quảng cáo quy định về những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó có hành vi Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và hành vi Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc.
Do đó, việc sử dụng, đưa hình ảnh sai lệch về người dân tộc thiểu số trên là hành vi vi phạm hiến pháp và pháp luật.
Trách nhiệm của việc quản lý các kênh và các trang mạng xã hội có hành vi vi phạm
Theo Luật sư Biên, đối với các thông tin trên mạng xã hội, Điều 5 nghi định 72/2013/NĐ-CP Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng quy định rõ các hành vi bị cấm gồm:
“1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
"Về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội trong vấn đề này, Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định các tổ chức, doanh nghiệp này sẽ bị phạt từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định pháp luật", Luật sư Biên nói.
Mức phạt đối với các đơn vị sử dụng hình ảnh người dân tộc thiểu số để quảng cáo, chuộc lợi
Mặc dù đây đều là những hành vi nghiêm cấm nhưng trên thực tế lại rất nhiều người vi phạm. Pháp luật cũng đã có chế tài xử lý, cụ thể Khoản 4 Điều 4 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phim có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; khoản 4 Điều 51 Nghị định này cũng quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; tại điểm b khoản 3 Điều 51 quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý.
Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
"Tuy nhiên, đây là hành vi ảnh hưởng đến nền văn hóa của các dân tộc thiểu số, do đó mức phạt như vậy vẫn là chưa đủ tính răn đe, thực tế nhiều người vẫn bất chấp vi phạm để trục lợi. Đồng thời, công tác quản lý giám sát hiện nay cũng chưa thực sự chặt chẽ. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm như trên, các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa thông tin cần có chế tài mạnh để răn đe những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm", Luật sự Biên bày tỏ quan điểm.
PV