Chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là chế định không mới đã được quy định từ Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985. Hầu hết nội dung của chế định này không có sự thay đổi khi BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 được ban hành và có hiệu lực pháp luật. Bài viết tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong các vụ án đồng phạm.
Theo BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”[2].
Để hướng dẫn thi hành chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP) đã ban hành 02 Nghị quyết hướng dẫn là Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05 tháng 01 năm 1986 và Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19 tháng 04 năm 1989.
Theo quy định trong văn bản hướng dẫn của HĐTP để tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong trường hợp đồng phạm bên cạnh quy định tại Điều 16 BLHS là: “Người phạm tội tự mình không thực hiện tội phạm nữa mặc dù không có gì ngăn cản”. Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như: hối hận, lo sợ, sợ bị trừng trị, không muốn thực hiện tội phạm đối với người quen biết,… Luật không đòi hỏi người phạm tội tự nguyện vì nguyên nhân gì, chỉ cần người phạm tội tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, trong các vụ án có đồng phạm tuy người này tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng vẫn để mặc cho người thực hành thực hiện tội phạm hoặc không áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn người thực hành thực hiện tội phạm, tội phạm được thực hiện, hậu quả của tội phạm đã xảy ra thì không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Do đó để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội bên cạnh điều kiện cần là quy định tại Điều 16 BLHS, cần đáp ứng điều kiện đủ là người phạm tội phải “ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xảy ra”.
Đối với người xúi giục, người tổ chức ngăn chặn việc thực hiện tội phạm thể hiện ở chỗ có những hành động tích cực như thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân có biện pháp ngăn chặn tội phạm.
Đối với người giúp sức ngăn chặn việc thực hiện tội phạm thể hiện ở chỗ chấm dứt việc tạo những điều kiện tinh thần, vật chất cho việc thực hiện tội phạm (như không cung cấp phương tiện, công cụ phạm tội; không chỉ điểm, dẫn đường cho kẻ thực hành…). Nếu sự giúp sức của người giúp sức đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có những hành động tích cực như đã nêu ở trên đối với những người đồng phạm khác (người xúi giục hoặc người tổ chức) để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.
Đối với vụ án có nhiều người thực hành tội phạm, có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 BLHS nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm. Nếu những việc mà người tự ý nửa chừng đã làm, được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì bên cạnh việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội người này phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó, mới đủ điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 16 BLHS tương tự như trường hợp về người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức.
Trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm nhưng hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đã thực hiện.
Ví dụ: Một người đã mua súng, vật liệu nổ để giết người, mặc dù họ tự ý chấm dứt hành vi phạm tội giết người, thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng (Điều 304 BLHS). Trường hợp định tham ô nhưng mới giả mạo được giấy tờ nếu tự ý chấm dứt việc phạm tội "Tham ô", thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giả mạo trong công tác" (Điều 309 BLHS), trường hợp làm giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chưa chiếm đoạt được tài sản tự ý chấm dứt việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" (Điều 341 BLHS), tội "Không tố giác tội phạm" theo quy định tại điều 390 BLHS, nếu họ không tố giác tội phạm do người (hoặc những người) đồng phạm khác thực hiện không có sự trợ giúp của họ.
Luật không quy định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội xảy ra khi nào theo một vài quan điểm trong một số bài viết nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành có đề cập: “Tự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra trước khi một người có hành vi thỏa mãn hết các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể, nghĩa là chỉ có thể xảy ra khi một người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc khi đã có hành vi bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng chưa thực hiện được tội phạm đến cùng”[3]. Tác giả đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có áp dụng đối với các trường hợp chuẩn bị tội phạm theo quy định tại Điều 14 BLHS không, vì các trường hợp thực hiện hành vi chuẩn bị tội phạm theo quy định tại Điều 14 BLHS phải chịu trách nhiệm hình sự.
Việc áp dụng chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05 tháng 01 năm 1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành thì không có tự ý chấm dứt nửa chừng việc phạm tội”.
Theo quy định trên, đối với tội phạm chưa đạt đã hoàn thành thì không áp dụng tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Còn trường hợp phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành có áp dụng tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không vì theo quy định tại Điều 15 BLHS thì người phạm tội chưa đạt vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt chưa kể là đã hoàn thành hay chưa hoàn thành.
Tóm lại, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một trong những quy định phức tạp trong pháp luật hình sự Việt Nam đặc biệt đối với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong vụ án đồng phạm. Mặc dù ít gặp trong thực tiễn, tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ chế định này, bên cạnh những vấn đề lý luận, cần nắm chắc các quy định của pháp luật đặc biệt là các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao để vận dụng và áp dụng được chính xác đối từng trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố xét xử vụ án hình sự.
[1] Phạm Mạnh Hùng: Về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, Tạp chí Toà án nhân dân, số 8 năm 1995. [2] Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. [3] Phạm Mạnh Hùng: Về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, Tạp chí Toà án nhân dân, số 8 năm 1995. |
HOÀNG NGUYÊN THẮNG
Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tự đề xuất mức kỷ luật: Chưa hoàn toàn hợp lý