Ảnh minh họa.
Xử lý chồng chéo và giám sát chặt chẽ đoàn thanh tra
Một trong những điểm mới lần này được ngành thanh tra mạnh dạn đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này là chỉ thành lập thanh tra cấp huyện ở một số địa bàn đủ điều kiện và thanh tra chuyên ngành ở cấp sở đối với một số ngành như xây dựng, tài nguyên, giao thông, y tế, nông nghiệp, lao động.
Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội, nâng cao quả quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
Cụ thể, tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra các bộ, ngành chưa phù hợp với đặc điểm của từng bộ, ngành; chưa phân biệt rõ giữa thanh tra theo lĩnh vực quản lý (thanh tra chuyên ngành) với thanh tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ (thanh tra hành chính); giữa thanh tra và các hình thức kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý. Sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, còn có sự chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành: còn có sự chồng chéo, trùng lặp giữa Thanh tra Chính phủ với Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh; giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở; giữa Thanh tra tỉnh với Thanh tra huyện và Thanh tra sở; giữa Thanh tra bộ, ngành với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…
Điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, làm giảm trách nhiệm của các ngành trong chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước chưa được phân định rõ giữa các cơ quan thanh tra. Đặc biệt là sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước hiện nay vẫn đang diễn ra.
Cơ sở pháp lý thực hiện việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn thiếu; quy định lỏng lẻo, đơn giản và chưa đi vào cuộc sống. Chưa đề cao trách nhiệm của cơ quan thanh tra và cán bộ thanh tra; kiểm soát nội bộ thanh tra với Đoàn thanh tra mờ nhạt, chưa phù hợp với thực tiễn.
Việc giám sát hoạt động thanh tra là cần thiết, nhằm tránh lạm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra. Với quy định hiện hành thì việc thực hiện giám sát gặp khó khăn, nhất là ở thanh tra cấp cơ sở do số lượng biên chế có hạn, trong khi cùng thời điểm phải tổ chức nhiều đoàn thanh tra nên không đủ người làm nhiệm vụ giám sát. Do đó, việc giám sát chủ yếu chỉ thực hiện chủ yếu qua báo cáo của Đoàn thanh tra nên khó đảm bảo tính khách quan, chính xác. Thực tiễn cho thấy, quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra chỉ phù hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, ít phù hợp với Thanh tra tỉnh, không phù hợp với Thanh tra huyện, Thanh tra Sở, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, với đoàn thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, việc giám sát còn mang nặng tính hình thức, thiếu thực chất và chưa hiệu quả.
Thống nhất, phân định giữa thanh tra và kiểm toán
Hiện nay chưa có quy định thống nhất, cụ thể về tổ chức thẩm định kết luận thanh tra và quy trình thẩm định (căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giá trị pháp lý của thẩm định,việc xử lý khi thẩm định khác với dự thảo kết luận thanh tra), nên việc thực hiện gặp vướng mắc, lúng túng, mỗi nơi làm một cách. Bên cạnh đó, việc quy định kết luận thanh tra do người ban hành quyết định thanh tra ký cũng bộ lộ những hạn chế nhất định, chưa gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra vào những kết luận, kiến nghị.
Việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tồn tại nhiều hạn chế, bất cập; hiệu quả thu hồi tiền, tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích còn thấp do thiếu các quy định xác định trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra…
Đặc biệt, việc phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán được dự thảo luật quy định rõ ràng.
Quy định mỗi bộ, tỉnh chỉ có một Kế hoạch thanh tra do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, của tỉnh được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ thực hiện nội dung thanh tra đó.
Về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, dự thảo Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết kết quả công tác thanh tra, kiểm toán hàng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra và Tổng Kiểm toán nhà nước, thực hiện nguyên tắc một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán.
Thành lập thanh tra sở, thanh tra huyện khác do Thủ tướng quyết định
Theo dự thảo Luật Thanh tra quy định Thanh tra huyện được thành lập ở huyện thỏa mãn một trong các tiêu chí (điều kiện) sau: Đơn vị hành chính cấp huyện loại I; Huyện miền núi, biên giới, hải đảo mà trung tâm hành chính huyện cách trung tâm hành chính tỉnh từ 100km trở lên và điều kiện đi lại khó khăn.
Việc thành lập Thanh tra huyện do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại những nơi không tổ chức Thanh tra huyện thì chức năng thanh tra do Thanh tra tỉnh thực hiện; chức năng quản lý nhà nước và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo do Ban Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo huyện thực hiện; chức năng quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng do cơ quan Nội vụ thực hiện.
Việc quy định thành lập cơ quan thanh tra huyện linh hoạt dựa trên các tiêu chí nêu trên bảo đảm việc sắp xếp tổ chức các cơ quan thanh tra phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương; tạo sự chủ động trong việc sử dụng công chức phục vụ các yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng công chức và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Những địa bàn thực sự không cần tổ chức cơ quan thanh tra, nhu cầu thanh tra của cấp huyện với cấp xã không còn nhiều thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện vẫn có thể sử dụng công cụ kiểm tra phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của mình trên địa bàn.
Dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ thành lập Thanh tra sở là cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực có nhu cầu thanh tra cao và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, Thanh tra sở được thành lập trong những lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giáo dục; Lao động, Thương binh và Xã hội. Việc thành lập Thanh tra sở khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ. Trong những lĩnh vực quản lý nhà nước không thành lập Thanh tra sở thì chức năng thanh tra do Thanh tra tỉnh đảm nhận; nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng sẽ do Giám đốc sở giao cho đơn vị khác thuộc sở thực hiện.
Nhiều hoạt động được quy định là thanh tra chuyên ngành hiện nay (thanh tra thường xuyên) thực chất là hoạt động kiểm tra sẽ không hoạt động theo quy định của Luật thanh tra. Các hoạt động này thực hiện theo các quy định về kiểm tra chuyên ngành với mục đích để giữ gìn trật tự, kỷ cương công cộng mà không cần thiết phải giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan này như hiện nay, ví dụ như Đội quản lý trật tự xây dựng, Đội quản lý an toàn giao thông, Ban vệ sinh an toàn thực phẩm… Điều này là phù hợp với thực tế yêu cầu quản lý cũng như tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra mà hiện nay đang có sự lẫn lộn và gây ra sự phản ứng khi cho rằng có quá nhiều cơ quan tiến hành thanh tra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Việc tổ chức, sắp xếp lại thanh tra Sở là phù hợp với tinh thần và quy định mới đây về các cơ quan chuyên môn ở địa phương.
Tuy nhiên, trước ý kiến về việc không thành lập cơ quan thanh tra ở một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thì lại được Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần thiết thành lập cơ quan thanh tra tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ để khắc phục những bất cập trong việc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan điều tra, dự thảo Luật cũng quy định, cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật do cơ quan thanh tra chuyển đến và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan điều tra phải thông báo bằng văn bản về việc xử lý cho Cơ quan thanh tra; trường hợp vụ việc có nội dung, tình tiết phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày; quá thời hạn này mà cơ quan thanh tra không nhận được thông báo bằng văn bản về việc xử lý của cơ quan điều tra thì có quyền kiến nghị Viện kiểm sát cùng cấp và Cơ quan điều tra cấp trên.
YÊN CHI
Xây dựng chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh: Nhìn từ góc độ xây dựng, hoàn thiện thể chế