Chính sách đối với nhà giáo dưới giác độ thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học

01/04/2019 21:20 | 5 năm trước

LSVNO - “Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; g...

LSVNO - “Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học”.

Sau khi xác định “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục” và đặt trách nhiệm “Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học”, Điều 15 Luật Giáo dục quy định: “Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học”. Từ nội dung lớn và chung nhất trên đây, Mục 3 Chương IV Luật Giáo dục, Điều 56 và Chương VIII Luật Giáo dục đại học quy định phải có một số chính sách cụ thể đối với nhà giáo, có thể chia thành các nhóm chính sách cụ thể như sau:

Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn.

Một là, Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo. Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ” (Điều 80 Luật Giáo dục).

Quy định này có thể hiểu Chính phủ phải xây dựng chính sách để có được khung pháp lý về chuẩn nhà giáo, có chương trình và kế hoạch để thường xuyên đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, đồng thời phải trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Luật đã giao Chính phủ trách nhiệm này, vì thế, đội ngũ nhà giáo không đạt chuẩn và chất lượng không bảo đảm thì không đổ lỗi tại “hệ thống chính trị” chung chung hoặc chỉ một chiều đổ lỗi tại giáo viên không chịu phấn đấu rèn luyện.

Thuộc về nhóm này, chính sách đào tạo bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên còn liên quan trực tiếp và đặt ra các yêu cầu cụ thể tại các Điều 70, 72, 73, 75, 76, 77, 78 và 79 của Luật Giáo dục, trong đó chính sách phát triển và nâng cao chất lượng các trường sư phạm có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi Chính phủ cần có sự quan tâm đặc biệt, trong đó có chính sách đối với nhà giáo và sinh viên các trường sư phạm.

Hai là, về tiền lương, “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ” (Điều 81 Luật Giáo dục).

Quy định này được hiểu là Luật đã giao Chính phủ phải bảo đảm để nhà giáo được hưởng không chỉ tiền lương ưu đãi mà cả phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác để thực hành nghề dạy học, tôn vinh nhà giáo. Theo quy định này của Luật Giáo dục thì chính sách của Chính phủ ban hành phải bảo đảm để nhà giáo có các nguồn thu nhập chính: lương, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thấp niên, các nguồn phụ cấp khác có thể có được.

Bốn loại nguồn thu nhập này cần tách bạch, không thể gộp lại  và cũng không thể không thực hiện, bảo đảm để nhà giáo có điều kiện vật chất tốt nhất để yên tâm thực hành nghề dạy học. Riêng về tiền lương, chúng tôi nhất trí cao với đề nghị của đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng và một số đại biểu đã phát biểu trước Quốc hội: Chính phủ phải bảo đảm để lương của nhà giáo là một trong những ngạch bậc lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Ba là, Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường dành cho người tàn tật, khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc các trường chuyên biệt khác được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ” (khoản 1 Điều 82 Luật Giáo dục).

Quy định này được hiểu là ngoài 4 nguồn thu nhập đối với giáo viên như đã nêu trên đây, Chính phủ phải bảo đảm có chính sách ưu đãi riêng biệt đối với giáo viên dạy tại các trường chuyên biệt. Nếu không bảo đảm được các chính sách ưu đãi này, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sự phát triển các trường chuyên biệt thì trách nhiệm trước hết thuộc về Chính phủ.

Bốn là, Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện về chỗ ở, được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ” (khoản 2 Điều 82 Luật Giáo dục).

Quy định này được hiểu là Chính phủ phải có chính sách ưu đãi và phụ cấp riêng đối với nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ủy ban nhân dân các cấp phải tạo điều kiện về nhà ở cho giáo viên công tác tại các vùng này. Tuy nhiên, quy định này của Luật còn rất chung khi xác định trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp, vì thế đòi hỏi quy định của Chính phủ phải xác định cụ thể trách nhiệm của ủy ban nhân dân từng cấp tỉnh, huyện và xã.

Đề nghị nên xác định trọng tâm trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với xây dựng và thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo trên từng địa bàn của tỉnh.

Năm là, Nhà nước có chính sách luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khuyến khích và ưu đãi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng thuận lợi đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng này an tâm công tác; tổ chức cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng dạy và học” (khoản 3 Điều 82 Luật Giáo dục).

Chính sách này bao gồm 2 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng: chính sách điều động, luân chuyển nhà giáo đến những vùng có nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; chính sách khuyến khích nhà giáo học tiếng dân tộc và nâng cao trình độ chuyên môn khi công tác tại các vùng này.

Nhóm chính sách thứ năm này mặc dù quy định trách nhiệm ban hành chính sách là thuộc về Nhà nước, nhưng không rõ là cấp nào chịu trách nhiệm, vì thế hướng chung vẫn phải quy trách nhiệm cho cơ quan thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân là Chính phủ phải ban hành chính sách này theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Giáo dục.

Đề nghị Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định rõ hơn trách nhiệm đối với nhóm chính sách này.

Sáu là, chính sách đối với giảng viên, giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học. Các chức danh của giảng viên giảng dạy đại học bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt, ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên.

Giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.

Bảy là, Chính sách đối với nhà giáo, nhà giáo thỉnh giảng và báo cáo viên. Điều 74 Luật Giáo dục và Điều 57 Luật Giáo dục đại học quy định cơ sở giáo dục được mời người có đủ tiêu chuẩn quy định về nhà giáo đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng. Người được mời thỉnh giảng được hưởng các quyền và phải thực hiện các nhiệm vụ quy định đối với nhà giáo.

Người được mời thỉnh giảng là cán bộ, công chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác. Để trở thành giảng viên thỉnh giảng phải có hợp đồng thỉnh giảng được ký giữa hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học với giảng viên thỉnh giảng. Cơ sở giáo dục đại học được mời giảng viên thỉnh giảng, đồng thời được mời báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân ở trong nước và nước ngoài. Luật giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về chính sách đối với nhà giáo thỉnh giảng và báo cáo viên.

Ngoài 7 nhóm chính sách trên đối với giáo viên, có một nhóm khác nữa được quy định tại Điều 108 và 109 Luật Giáo dục, Điều 48 Luật Giáo dục đại học liên quan tới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đó là chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về những ngành nghề và lĩnh vực then chốt để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho việc  giảng dạy, học tập, đầu tư, tài trợ, hợp tác, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ về giáo dục ở Việt Nam; chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho giáo dục và giáo dục đại học Việt Nam.

Căn cứ yêu cầu của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học để nêu ra 7 nhóm chính sách trên, bài viết này muốn lưu ý một số điểm có tính gợi ý sau đây trong quá trình sửa đổi, bổ sung, triển khai thực hiện Luật và kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện chính sách đối với nhà giáo:

Thứ nhất: Xây dựng và thực hiện chính sách ở cả 7 nhóm trên đây không có sự phân biệt giữa công lập và tư thục. Trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, dấu hiệu căn bản nhất để phân biệt giữa loại hình cơ sở giáo dục công lập và tư thục là chính sách huy động nguồn vốn đầu tư và bảo đảm chi thường xuyên lấy từ ngân sách hay ngoài ngân sách, còn các chính sách khác thì bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa công lập và tư thục. Trong thực tế, các văn bản dưới luật hiện nay còn có sự phân biệt khá nặng nề trong rất nhiều lĩnh vực nên vẫn duy trì dai dẳng tình trạng bao cấp, trông chờ Nhà nước, chưa huy động được các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục.

Thứ hai: Các yêu cầu đặt ra của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học về chính sách đối với nhà giáo không chỉ có ý nghĩa đối với việc ban hành và thực hiện chính sách mà cả đối với hoạt động giám sát chính sách, giám sát của Quốc hội và giám sát của cử tri, nghĩa là cần căn cứ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học để giám sát. Trong thực tế, các văn bản dưới luật và chính sách cụ thể hiện nay chưa thể hiện đúng tư tưởng chính sách đối với nhà giáo được thể hiện trong các quy định của Luật

Thứ ba: Luật quy định nhà giáo bao gồm giảng viên của giáo dục đại học và giáo viên đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp. Trong các nhóm chính sách trên đây thì chỉ có nhóm thứ sáu là dành riêng cho giảng viên đại học, tất cả các nhóm còn lại dùng cho nhà giáo nói chung ở các cấp học và trình độ đào tạo…

Thứ tư: Trong các nhóm chính sách trên đây thì nhóm thứ 3, 4, 5 hoàn toàn có thể và cần thiết phải áp dụng cho cán bộ quản lý giáo dục, theo quy định tại Điều 82 Luật Giáo dục thì 3 nhóm này áp dụng cho cả nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Riêng vấn đề lương và phụ cấp của cán bộ quản lý giáo dục thì cần căn cứ quá trình chuyển đổi công tác, nếu đã từng là giáo viên chuyển sang làm cán bộ quản lý giáo dục thì cần được giữ phụ cấp thâm niên và phụ cấp nghề nghiệp nhà giáo, chính sách này không chỉ có ý nghĩa động viên nhân lực chuyển sang làm quản lý mà còn có ý nghĩa khuyến khích, tôn vinh nghề dạy học.

Thứ năm: Để có thể tập trung chính sách cho nhà giáo thì cần định danh “nhà giáo” cho thật rõ ràng, Luật Giáo dục xác định chính sách cho nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân chứ không phải nhà giáo chung chung, nếu mở rộng khái niệm “nhà giáo” như trong thực tế hiện nay  thì không ngân sách giáo dục nào chịu nổi và không chính sách nào có thể bao quát được.

Ví dụ: người dạy và huấn luyện viên trong các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của bộ, ngành; trong các trường của quân khu, quân chủng; trong các trường đảng của tỉnh và huyện, các trường bồi dưỡng cán bộ của các tổ chức… không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân thì nguồn kinh phí để trả lương phải lấy từ ngân sách hoạt động của bộ, ngành, tổ chức… chứ không thể lấy từ ngân sách Quốc hội dành cho giáo dục quốc dân.

Thứ sáu: Việc xác định khái niệm và ranh giới pháp lý giữa nhà giáo, nhà giáo thỉnh giảng và báo cáo viên trong Luật là khá rành mạch, rõ ràng, nhưng trong thực tế những quy định này trong Luật chưa được coi trọng ngay trong quá trình hướng dẫn thực hiện, vì thế gây ra những sở hở về pháp lý, không những lỏng lẻo trong quản lý mà còn gây bất bình đẳng về tổ chức và hoạt động của đội ngũ nhà giáo, gây ra những bức xúc xã hội.

Hiện tượng này đặc biệt nổi lên trong lĩnh vực bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, có tỷ lệ không nhỏ những người chỉ là báo cáo viên, thậm chí không hề tham gia giảng dạy đại học cũng được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, hoặc bổ nhiệm xong để có chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng chẳng liên quan gì đến giảng dạy đại học. Thậm chí có hiện tượng dùng chức danh giáo sư và phó giáo sư để ban phát như một phần thưởng, để tặng, để phong đặc cách…

Lại cũng có hiện tượng giữa các cơ quan nhà nước thỏa thuận với nhau để “mượn” danh vị tiến sĩ, giáo sư làm bình phong cho một số hoạt động, rất cần được Quốc hội lưu ý giám sát để tránh lạm dụng, làm giảm uy tín và chất lượng đội ngũ người thầy giáo dục đại học.

Thứ bảy: Nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân có vai trò đặc biệt, “nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”, vì vậy cần tránh tư duy công chức hóa, hành chính hóa đội ngũ nhà giáo, không nên gọi nhà giáo là viên chức như hiện nay mà gọi thẳng là nhà giáo, là giáo viên, là giảng viên như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và như kinh nghiệm của nhiều nước đã gọi.

Dạy học là một nghề, cần được xem là nghề “cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Hệ thống đội ngũ nhà giáo có ngạch bậc riêng về nghề nghiệp, được tôn vinh theo Điều 15 của Luật Giáo dục và phải được tôn vinh thực sự trong xã hội, không phân biệt công lập và tư thục, có như vậy mới có được đội ngũ nhà giáo có chất lượng, yếu tố quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục, mới có thể thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

                ThS Lê Thị Thúy