Ảnh minh họa.
Ngày 11/3/2020, Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Đây là mức cảnh báo y tế cao nhất khi một loại dịch bệnh gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng với tốc độ độ lây lan và tình trạng nghiêm trọng khó kiểm soát của dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 tàn phá thế giới, nhiều quốc gia phải gồng mình vật lộn với sự thiếu năng lực, thiếu hụt vật tư y tế, thuốc chữa bệnh. Số lượng người chết vì dịch tại nhiều quốc gia bệnh tăng cao. Thế giới trong hơn một năm qua rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự và nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của rất nhiều doanh nghiệp, sức chống đỡ cũng đã cạn kiệt dần do đầu ra đứt gãy. Chi phí hoạt động tăng quá cao khiến doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể. Dịch Covid-19 kéo dài khiến vận chuyển hàng hoá khó khăn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, giá cước vận tải, kho bãi tăng cao; thiếu hụt lao động tham gia sản xuất vì phải tuân thủ quy định ‘3 tại chỗ’…
Những "liều thuốc" kịp thời
"Chống dịch như chống giặc" là tinh thần chỉ đạo quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị của Việt Nam ngay từ khi đại dịch bùng phát. Chống dịch được ví như cuộc chiến nơi không nghe thấy tiếng súng, không có cuộc xung đột trực diện và không nhìn thấy kẻ thù bằng mắt thường. Rõ ràng, đây là cuộc chiến đặc biệt với mức độ nguy hiểm mà nó gây ra cao hơn rất nhiều so với kẻ thù vật lý. Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi đường lối, sách lược, chính sách, kịch bản đặc biệt mới có thể ứng phó và dành thắng lợi.
Từ nhận thức đúng đắn, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã triển khai nhiều giải pháp chính sách, xây dựng cơ chế đặc biệt giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao nhiều quyết sách từ Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong thời gian gần đây, tiêu biểu như:
Về chính sách thuế, ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Theo đó, miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỉ đồng hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp; cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỉ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 01/01/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỉ đồng/năm); miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020, không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước theo phương án này là khoảng 5.300 tỉ đồng...
Về chính sách tín dụng, hệ thống ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỉ đồng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỉ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỉ đồng.Từ tháng 7/2021 đến nay, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 16 tổ chức tín dụng tiên phong giảm lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Các tổ chức cam kết thực hiện từ tháng 7 đến hết năm 2021 là 20.300 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 8/2021, các ngân hàng đã giảm gần 9.000 tỉ đồng lãi vay, tương tương 43,01% cam kết. Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ triển khai số còn lại cùng với 4.000 tỉ đồng mà 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) tiếp tục hỗ trợ.
Gói hỗ trợ tài chính, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP đề ra các mục tiêu, nguyên tắc và 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỉ đồng. Theo đó, người lao động được hưởng các ưu đãi về đào tạo duy trì việc làm, giảm mức đóng bảo hiểm... Ngoài ra, Nghị quyết đã thiết lập chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ lên đến 3 triệu đồng, doanh nghiệp được ưu tiên cho vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc với lãi xuất 0% mà không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay; được cho vay để trả lương cho người lao động nhằm phục hồi sản xuất.
Tiếp đó, Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng đã được ban hành vào ngày 24/9/2021. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 vào khoảng 30.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu dưới 12 tháng sẽ được hỗ trợ, tùy vào thâm niên tham gia bảo hiểm này. Mức hỗ trợ cao nhất lên đến hơn 3 triệu đồng. Cùng với đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, giảm bớt gánh nặng về tài chính đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Có thể thấy, các biện pháp hỗ trợ nêu trên rất kịp thời, có ý nghĩa, cần thiết và quý giá trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế - xã hội hầu như phải tạm dừng vì dịch bệnh, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thiếu vốn, bảo lãnh cho vay. Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường. Đó không chỉ là tầm nhìn của các cấp lãnh đạo; mà còn là sự thấu cảm đối với các doanh nghiệp và người lao động – trụ cột chính của nền kinh tế nước nhà. Để từ đó, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có thể từng bước tái sản xuất và kinh doanh. Người lao động có thể tiếp tục trở lại làm việc, yên tâm làm việc trong giai đoạn bình thường mới.
Nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời từ chính phủ và các bộ ngành, nhiều doanh nghiệp đã và đang nhanh chóng chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất, phân phối, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm thích ứng với tình hình mới.
Một số giải pháp
Dù có nhiều tín hiệu lạc quan hơn, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Các quan chức WHO từng nói rằng các loại vaccine phòng bệnh không thể đảm bảo thế giới sẽ xóa sổ được đại dịch Covid-19 giống như với một số loại virus khác. Các chuyên gia y tế cảnh báo thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19 mãi mãi, giống như với bệnh cúm.
Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phòng chống dịch nhưng để nhanh chóng tái khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, tiến tới ổn định và trở lại giai đoạn bình thường mới, những giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài sẽ góp phần thúc đẩy tình hình trở nên tích cực hơn trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần phải giải ngân các khoản hỗ trợ đạt tỉ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ, vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ. Với số lượng người chịu ảnh hưởng bởi đại dịch ở mức cao, trên diện rộng như hiện nay, nhất là đối với nhóm đối tượng bị tổn thương trực tiếp, chính quyền các cấp cần phải có kế hoạch hỗ trợ trước mắt và tiến đến dài hạn; nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của các nhóm đối tượng hỗ trợ. Đồng thời, tạo niềm tin và ủng hộ của nhân dân đối với công tác phòng chống dịch bệnh
Thứ hai, giãn cách phù hợp, từng bước ổn định và tái sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phù hợp. Nhiều địa phương đã tổ chức triển khai tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 trên diện rộng, với số lượng lao động “xanh” đông đảo. Tại các “vùng xanh” an toàn, cần có chiến lược đưa sản xuất dần trở lại bình thường, đồng thời đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Đối với các vùng còn nguy hiểm, vùng có dịch, cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo dịch bệnh được khống chế an toàn.
Thứ ba, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động, có cơ chế giám sát và quản lý. Cụ thể, tạo điều kiện và ưu đãi trong vay vốn, đóng góp các quỹ, đăng ký luồng xanh, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ phục vụ phòng chống dịch bệnh; gia hạn thời hạn kê khai, nộp thuế, giảm lãi suất cho vay và linh hoạt hơn các điều kiện tiếp cận thực tế tín dụng ngân hàng… để doanh nghiệp có thể từng bước hoạt động bình thường trở lại. Đồng thời, củng cố liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các vùng nguyên liệu để đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiêm trị các hành vi tiêu cực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là kiểm soát tốt dịch bệnh. Bởi đây chính là cơ sở để đảm bảo thành công việc thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, đảm bảo mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường trong thời gian sắp tới và trong tương lai. Bắt đầu khôi phục sản xuất và các hoạt động khác cần căn cứ vào tình hình và diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, để từ đó có quyết định phù hợp. Các địa phương, cơ sở cũng cần có kênh thông tin, liên kết chặt chẽ để đảm bảo mọi hoạt động được diễn ra thông suốt, trong bối cảnh an toàn để tránh bùng phát dịch bệnh.
Luật sư NGUYỄN VŨ QUÂN
Công ty Sở hữu Trí tuệ KENFOX
Vấn đề giao dịch vô hiệu khi bên chuyển nhượng tài sản là người phải thi hành án